Kết quả xét nghiệm sáu tháng cuối năm 2011 do Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế) thực hiện cho thấy 26/30 (gần 87%) mẫu cháo dinh dưỡng không nhãn mác, được chế biến từ những cơ sở nhỏ lẻ hoặc hộ gia đình trên địa bàn TP.HCM bị nhiễm E. Coli, Coliforms, Cl. Perfringens, B. Cereus, kể cả tổng số bào tử nấm men nấm mốc không đạt đã khiến những “tín đồ” của món ăn này thực sự lo ngại.
Phớt lờ điều kiện vệ sinh
PV tấp vô điểm bán cháo dinh dưỡng gần Trạm Y tế phường Đông Hưng Thuận (quận 12) mua phần cháo thịt 10.000 đồng. Sử dụng chiếc nồi đã nấu cháo cho những khách hàng trước đó không được đậy nắp, người bán múc cháo trắng và thịt heo đã sơ chế cho vào, đặt lên bếp hâm nóng rồi quậy đều, sau đó cho vô hộp nhựa. Thịt, cá, lươn, tôm, rau… đã sơ chế chứa trong thau nhôm không được che đậy.
Điểm bán cháo dinh dưỡng gần chợ Ông Địa (Tân Bình) thật nhếch nhác. Quần áo, đồ đạc sinh hoạt gia đình để cạnh dụng cụ chế biến. Đang lau nhà, nghe có người hỏi mua cháo, người bán chẳng thèm rửa tay vội múc cháo và cá vào hộp nhựa rồi đậy nắp. Kinh doanh trong môi trường không vệ sinh như thế nhưng trên nắp hộp in đậm dòng chữ: “Cháo dinh dưỡng số 1. Sạch, an toàn, thơm ngon”.
Tại cửa hàng cháo dinh dưỡng trên đường Nguyễn Văn Nghi, Gò Vấp, người bán cho biết thương hiệu cháo này thuộc một công ty có uy tín nên nguyên liệu đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, nằm sau cửa hàng bán cháo là tiệm hàn sắt, ngăn cách bởi cánh cửa. Khi tiệm sắt hoạt động, cửa mở, mùi khét và bụi bặm bay lên cửa hàng cháo. Kinh doanh trong môi trường như vậy nhưng trên hộp cháo dinh dưỡng in nhãn hiệu chua thêm dòng chữ: “Bổ sung can xi, DHA. Cao hơn, thông minh hơn”.
Chưa hết, cửa hàng này chỉ treo giấy chứng nhận VSATTP cấp cho công ty còn giấy chứng nhận tại địa chỉ kinh doanh lại không có.
Tương tự, nhiều cửa hàng bán cháo dinh dưỡng của các thương hiệu khác cũng không có giấy chứng nhận VSATTP.
Không nên ăn thường xuyên
BS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết nhiều bà mẹ mang con đến khám suy dinh dưỡng mà nguyên nhân nhiều khả năng xuất phát từ thói quen thường cho con ăn cháo mua ở ngoài. Cháo chế biến bên ngoài có vị ngon, cha mẹ thích mua cho con ăn vì tiết kiệm thời gian và dễ đổi món. Trẻ thích ăn các loại cháo này, thậm chí ăn nhiều nhưng lại không lên cân.
Theo BS Hậu, các vi khuẩn E.Coli, Coliforms, Cl.perfringens, B.cereus có trong cháo nếu khâu chế biến, nguồn nước, dụng cụ, con người không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Các vi khuẩn trên gây ngộ độc đường ruột, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng hấp thu lâu dài khiến trẻ bị suy dinh dưỡng. Bào tử nấm men nấm mốc có nhiều trong cháo là do sử dụng nguyên liệu (gạo, rau, củ quả…) bị nấm mốc, gây rối loạn tiêu hóa, lâu dài có thể gây ung thư gan và ung thư đại tràng. “Không loại trừ khả năng sử dụng phụ gia để tạo độ sánh, tạo màu, tạo mùi cho cháo. Điều này dẫn đến thực trạng năng lượng, chất đạm, chất béo cung cấp không đủ cho nhu cầu của trẻ, dẫn đến hiện tượng suy dinh dưỡng” – BS Hậu cho biết thêm.
Cũng theo BS Hậu, một số cháo mua bên ngoài thường bỏ nhiều bột nêm, mắm muối vừa với khẩu vị người lớn nên mặn, chẳng những không tốt cho thận ở trẻ em mà có nguy cơ dẫn đến cao huyết áp về sau. “Thức ăn sơ chế sau 2 tiếng ở điều kiện nóng ẩm sẽ nhiễm khuẩn nếu không bảo quản tốt, ngoài ra một số vi khuẩn độc hại lại không bị hủy bởi nhiệt độ. Do vậy, mặc dù cháo được hâm nóng với thức ăn sơ chế vẫn có thể gây ngộ độc”.
BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cũng cho biết mặc dù chưa có số liệu thống kê nhưng khảo sát tại trung tâm, rất nhiều bà mẹ đưa con đến khám suy dinh dưỡng đã thừa nhận thường xuyên cho con ăn cháo dinh dưỡng. BS Diệp cho rằng không loại trừ khả năng người bán cháo dinh dưỡng sử dụng lại nguồn tôm, cua, cá, thịt, rau… đã sơ chế còn dư của ngày hôm trước. Điều này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe trẻ em. “Hơn nữa, bao bì đựng có bị thôi nhiễm trong cháo dinh dưỡng hay không là vấn đề cũng đáng quan tâm” – BS Diệp lưu ý.