Thoái hóa khớp đang ngày càng trở thành nỗi “ám ảnh” của nhiều người bởi các triệu chứng đau nhức, cứng khớp và những hệ lụy mà nó gây ra. Vậy phòng chống thoái hóa khớp bằng cách nào? Hãy cùng hanhphucgiadinh.vn tìm hiểu làm rõ nhé!
Mục lục
Thoái hóa khớp có đáng lo?
Thoái hóa khớp là bệnh lý xương khớp mãn tính, bắt đầu bởi hiện tượng suy thoái, bào mòn của sụn khớp và các xương dưới sụn. Tình trạng này có thể xảy ra tại bất kỳ khớp nào trên cơ thể với mức độ tổn thương tăng dần theo thời gian.
Thông thường, thoái hóa khớp sẽ tiến triển chậm và âm thầm, khiến người bệnh không cảm nhận được sự thay đổi bất thường trong giai đoạn đầu của bệnh. Tuy nhiên, lâu dần khi sụn khớp bị bào mòn nghiêm trọng, khiến các đầu xương ma sát vào nhau và hình thành các gai xương, người bệnh sẽ bị đau nhức từ âm ỉ đến dữ dội, kèm theo cứng khớp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt, đồng thời gia tăng nguy cơ biến chứng:
- Biến dạng khớp: Sụn khớp và các xương dưới sụn bị tổn thương cùng sự xuất hiện của gai xương có thể khiến khớp bị sưng viêm, biến dạng và lệch khỏi vị trí ban đầu.
- Teo cơ: Tình trạng đau cứng khớp kéo dài khiến khả năng vận động của người bệnh giảm sút nghiêm trọng, lâu dần khiến các nhóm cơ quanh khớp thoái hóa bị suy yếu, teo nhỏ.
- Bại liệt: Các gai xương có thể khiến dây thần kinh và tủy sống bị chèn ép, gây đau nhức lan tỏa và tê yếu tay chân, thậm chí một phần hoặc toàn bộ thân mình, dẫn đến tàn phế.
- Suy nhược cơ thể: Những cơn đau dai dẳng xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi khiến bệnh nhân mất ăn mất ngủ, luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, lo âu, thậm chí suy nhược cơ thể,…
Phòng chống thoái hóa khớp bằng cách nào?
Thực tế, không có cách nào có thể ngăn chặn hoàn toàn thoái hóa khớp diễn ra, tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh, kiểm soát triệu chứng, đồng thời làm chậm quá trình thoái hóa với những cách dưới đây:
Kiểm soát cân nặng
Theo các chuyên gia, mỡ thừa có khả năng phá hủy cấu trúc sụn khớp, đồng thời trọng lượng dư thừa cũng khiến các khớp phải chịu thêm nhiều áp lực, dễ bị tổn thương, khiến quá trình thoái hóa diễn ra nhanh chóng hơn.
Chính vì vậy, giảm cân và kiểm soát cân nặng hợp lý là một trong những cách phòng ngừa, cải thiện các triệu chứng thoái hóa khớp hữu hiệu. Nếu bạn bị thừa cân, hãy giảm cân lành mạnh bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, ăn uống một cách có kiểm soát, kết hợp với các phương pháp tập luyện khoa học.
☛ Tham khảo thêm: Mẹo giảm cân an toàn, hiệu quả
Kiểm soát đường huyết
Nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy lượng đường trong máu cao có thể khiến quá trình phá hủy sụn khớp diễn ra nhanh hơn. Do đó, nếu muốn phòng chống thoái hóa khớp hiệu quả, bạn cần cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu bằng cách: Ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, hạn chế sử dụng đồ ngọt, tăng cường vận động, giữ tinh thần thoải mái,…
Sinh hoạt, làm việc đúng tư thế
Các thói quen sinh hoạt, làm việc sai tư thế như kê gối quá cao khi ngủ, thường xuyên mang giày cao gót trong thời gian dài, ngồi gù lưng, so vai, rụt cổ,… hoặc những người làm công việc hay phải bê vác vật nặng sẽ khiến gia tăng áp lực lên các khớp, thúc đẩy thoái hóa tiến triển. Thói quen lười vận động cũng khiến các khớp bị suy yếu, dễ tổn thương và làm tăng nguy cơ thoái hóa.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng, chúng ta không nên đứng hoặc ngồi quá lâu với một tư thế, sau 30-60 phút nên đi lại vận động nhẹ nhàng để thư giãn cơ và các khớp, tăng cường lưu thông máu và hạn chế tình trạng cứng khớp.
Hạn chế tối đa chấn thương
Những chấn thương như trật khớp, gãy xương, rách sụn,… do tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc chơi thể thao có thể thúc đẩy thoái hóa khớp tiến triển ngay cả khi chúng đã xảy ra nhiều năm về trước.
Bạn có thể chủ động phòng tránh chấn thương khi tập thể dục thể thao bằng cách khởi động thật kỹ trước khi tập luyện. Thời gian mới bắt đầu cần luyện tập nhẹ nhàng, chậm rãi để điều chỉnh kỹ thuật, sau đó tăng dần mức độ và thời gian luyện tập khi đã quen. Bạn cũng có thể sử dụng một số đồ bảo hộ để hạn chế chấn thương khi tập luyện như găng tay, băng gối, nẹp cổ tay, nẹp mắt cá chân,…
Mặc dù khó mà lường trước được hết những vấn đề có thể xảy ra nhưng bạn hãy chú ý cẩn thận hơn trong các hoạt động hàng ngày, giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra chấn thương.
Tập luyện khoa học
Tập luyện thể dục thể thao đúng cách sẽ giúp bạn nâng cao sức khỏe tổng thể, hỗ trợ kiểm soát cân nặng, đồng thời cải thiện tình trạng cứng khớp, tăng cường sức mạnh cơ bắp, từ đó phòng ngừa và cải thiện thoái hóa khớp hiệu quả.
Việc tập thể dục nên được diễn ra đều đặn khoảng 5 ngày/tuần với ít nhất 30 phút/ngày. Các bộ môn đem lại nhiều lợi ích cho xương khớp thường được khuyến khích áp dụng gồm: Bơi lội, đạp xe, yoga, thể dục dưỡng sinh,… Bạn nên cân nhắc lựa chọn các bài tập phù hợp, tránh tập luyện quá sức dẫn đến những chấn thương không đáng có.
☛ Tìm hiểu thêm: Bài tập cho xương khớp khỏe mạnh
Bổ sung dinh dưỡng hợp lý
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ dưỡng chất không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn góp phần kiểm soát cân nặng, hạn chế tổn thương xảy ra tại các khớp, từ đó ngăn ngừa thoái hóa tiến triển.
Dưới đây là một số nhóm thực phẩm giúp việc phòng ngừa thoái hóa khớp đạt hiệu quả tốt hơn:
- Cá béo: Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích,… rất giàu omega-3 – acid béo tự nhiên có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa viêm khớp, làm chậm quá trình thoái hóa.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Đây là nhóm thực phẩm có chứa hàm lượng lớn vitamin D và canxi – hai dưỡng chất quan trọng giúp hình thành và duy trì cấu trúc xương chắc khỏe, đồng thời hỗ trợ cải thiện đau nhức ở bệnh nhân thoái hóa khớp.
- Rau màu xanh đậm: Các loại rau màu xanh đậm như rau cải xoăn, bông cải xanh, rau chân vịt,… rất giàu chất chống oxy hóa, giúp tiêu diệt các gốc tự do, cải thiện tình trạng viêm đau và làm chậm quá trình thoái hóa.
Bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm có lợi cho xương khớp, bạn cũng nên tránh xa các thực phẩm gây hại cấu trúc xương hoặc có khả năng kích thích phản ứng viêm như: Thức ăn nhanh, các món chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhiều muối hoặc nhiều đường, đồ uống có cồn,…
Hy vọng những gợi ý về cách phòng chống thoái hóa khớp trên đây có thể giúp ích được cho bạn. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!