Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh xương khớp phổ biến. Giai đoạn đầu bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng, khiến nhiều người chủ quan, xem nhẹ hoặc không biết mình mắc bệnh, dẫn đến việc điều trị chậm trễ gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ biến chứng cao. Ở nội dung dưới đây, hanhphucgiadinh.vn sẽ giúp bạn đọc nhận biết căn bệnh thoái hóa khớp gối dễ dàng hơn qua 6 dấu hiệu phổ biến nhất.
Mục lục
Thoái hóa khớp gối có nguy hiểm không?
Thoái hóa khớp gối là tình trạng mô sụn tại khớp gối bị tổn thương, bào mòn khiến các đầu xương dưới sụn ma sát lên nhau khi vận động, gây tình trạng đau nhức, sưng cứng khớp, làm ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.
Thoái hóa khớp gối là bệnh lý xương khớp mãn tính tiến triển chậm và có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Đặc biệt, nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:
- Biến dạng khớp: Những tổn thương xảy ra tại ổ khớp có thể dẫn đến sưng viêm, cùng với sự phát triển của các gai xương sẽ khiến khớp gối bị biến dạng.
- Dáng đi bị ảnh hưởng: Tình trạng đau nhức dữ dội, dai dẳng khiến người bệnh không thể đứng thẳng và di chuyển bình thường, làm xuất hiện dạng đi tập tễnh.
- Teo cơ, bại liệt: Những cơn đau nhức kết hợp với tình trạng cứng khớp làm hạn chế khả năng vận động của người bệnh trong thời gian dài, lâu dần khiến cơ bắp suy yếu, teo lại, tăng nguy cơ bại liệt.
- Suy nhược cơ thể: Những cơn đau luôn thường trực cả khi không vận động, đặc biệt vào ban đêm khiến bệnh nhân mất ngủ, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, thậm chí dẫn tới trầm cảm, suy nhược cơ thể.
Việc phát hiện thoái hóa khớp gối ở giai đoạn sớm sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc điều trị, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng. Theo các chuyên gia, quá trình điều trị diễn ra càng sớm thì khả năng phục hồi càng cao.
Những dấu hiệu thoái hóa khớp gối phổ biến
Những dấu hiệu phổ biến của chứng thoái hóa khớp gối mà người bệnh không nên bỏ qua gồm:
Đau đầu gối
Những cơn đau sẽ xuất hiện nặng – nhẹ tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Chúng có thể xảy ra ở toàn bộ vùng đầu gối hoặc chỉ xảy ra ở một vị trí nhất định như phía trước hoặc hai bên. Ngoài ra, tình trạng đau nhức thường trở nên tồi tệ hơn khi người bệnh vận động, nhất là lúc khớp bị căng thẳng như khi thực hiện các động tác ngồi xổm, lên xuống cầu thang,…
Hiện tượng đau đầu gối có thể xuất hiện rồi biến mất hoặc tồn tại dai dẳng từ âm ỉ tới dữ dội. Mặc dù có xu hướng thuyên giảm khi bệnh nhân nghỉ ngơi tuy nhiên theo thời gian, khi bệnh trở nặng, những cơn đau có thể xuất hiện ngay cả khi người bệnh không vận động, khiến họ “mất ăn – mất ngủ”, làm chất lượng cuộc sống giảm sút đáng kể.
Khớp gối bị cứng
Sụn khớp bị bào mòn sẽ tạo ra ma sát khi vận động, khiến người bệnh cảm thấy khớp gối bị cứng. Tình trạng cứng khớp thường diễn ra nhiều nhất vào buổi sáng khi người bệnh mới thức dậy hoặc sau khi ngồi lâu một chỗ, khiến phạm vi chuyển động khớp gối bị hạn chế.
Xuất hiện tiếng kêu răng rắc, lục khục khi vận động
Quá trình suy thoái khiến sụn khớp và các đầu xương dưới sụn ma sát lên nhau khi người bệnh vận động, làm xuất hiện các tiếng kêu răng rắc, lục khục,…
Đầu gối bị sưng
Sụn khớp gối bị bào mòn, khiến các đầu xương cọ xát lên nhau gây kích ứng, làm xuất hiện các phản ứng viêm, khiến khớp gối tăng tiết dịch, sưng tấy và đau nhức. Ngoài ra, lúc này cơ chế tự sửa chữa của cơ thể cũng được kích hoạt để bù đắp những tổn thương tại các xương dưới sụn, gây hiện tượng lắng đọng canxi, dẫn đến hình thành các gai xương, khiến xuất hiện tình trạng sưng cứng khớp.
Hạn chế phạm vi chuyển động khớp gối
Tùy vào mức độ thoái hóa, phạm vi chuyển động khớp gối của người bệnh có thể hạn chế nhiều hoặc ít. Cụ thể, thoái hóa khớp gối sẽ khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong việc gập duỗi khớp, đi lại, lên xuống cầu thang,… làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt và năng suất lao động.
Khớp gối nóng và đỏ
Rất nhiều người bệnh nhận thấy vùng da tại đầu gối bị đỏ, sờ vào có cảm giác ấm nóng. Nếu gặp phải tình trạng này người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám ngay bởi đây là những dấu hiệu cho thấy khớp gối bị viêm hoặc nhiễm trùng.
Cải thiện thoái hóa khớp gối bằng cách nào?
Có rất nhiều cách để cải thiện thoái hóa khớp gối, người bệnh có thể tham khảo một số cách dưới đây:
Sinh hoạt lành mạnh: Những thói quen sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp người bệnh nâng cao sức khỏe và cải thiện thoái hóa khớp gối hiệu quả. Theo đó, bệnh nhân thoái hóa khớp gối nên sắp xếp thời gian làm việc – nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc quá sức, sinh hoạt làm việc đúng tư thế và hạn chế bê vác vật nặng,…
Tập luyện thể dục thể thao: Tập luyện thể dục thể thao được đánh giá là giải pháp hữu hiệu để nâng cao sức khỏe, cải thiện sức mạnh cơ – xương – khớp, đồng thời làm giảm cứng khớp, hỗ trợ cải các triệu chứng thoái hóa.
Giảm cân: Tình trạng thừa cân béo phì sẽ khiến khớp gối chịu thêm nhiều áp lực, làm cho tình trạng thoái hóa trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý chính là một trong những biện pháp hữu hiệu để cải thiện thoái hóa khớp gối và hạn chế tiến triển của bệnh.
Để giảm cân lành mạnh, người bệnh cần xây dựng chế độ tập luyện, ăn uống khoa học, phù hợp. Đồng thời có thể kết hợp thêm những mẹo giảm cân hiệu quả, an toàn để nhanh chóng thu được kết quả tốt.
Bổ sung dinh dưỡng phù hợp: Bổ sung dinh dưỡng khoa học, hợp lý sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, kiểm soát cân nặng, đồng thời đem lại cho người bệnh có hệ xương khớp khỏe mạnh hơn. Theo các chuyên gia, người bệnh thoái hóa khớp gối không nên bỏ qua những thực phẩm có khả năng chống viêm, chống oxy hóa và các dưỡng chất như canxi, vitamin D, glucosamine, chondroitin,…
Trên đây hanhphucgiadinh.vn đã cung cấp cho bạn đọc những dấu hiệu nhận biết chứng thoái hóa khớp gối. Hy vọng những thông tin này có thể giúp bạn chủ động hơn trong việc phát hiện sớm, cải thiện và hạn chế tiến triển của bệnh. Chúc bạn luôn vui khỏe, hạnh phúc!