Ho có đờm là bệnh lý viêm đường hô hấp, bệnh không gây nguy hiểm nhưng sẽ khiến cho người bệnh mệt mỏi, khó chịu. Tuy nhiên nếu tình trạng kéo dài thì có thể đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
Ho có đờm là gì?
Đờm là dịch tiết ra ở đường hô hấp, thành phần của chúng thường là dịch nhầy, bạch cầu mủ, hồng cầu,… và các tác nhân như vi khuẩn, virus.
Ho có đờm là phản xạ của cơ thể giúp tống tác nhân gây hại ra khỏi cơ thể. Tình trạng này sẽ khiến người bệnh thấy khó thở, vướng víu, khặc đờm nhiều sẽ gây rát họng. Nếu bệnh được điều trị đúng cách thì sẽ khỏi nhanh, nhưng nếu bệnh kéo dài hơn 3 tuần thì được coi là bệnh mãn tính.
Ho có đờm là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?
Hen suyễn
Với những người đang mắc phải bệnh hen suyễn thì đường hô hấp của họ có thể bị kích ứng dễ dàng. Mốt số tác nhân bên ngoài như thời tiết, bụi bẩn, lông động vật,… và điều này có thể dẫn đến viêm đường hô hấp. Người bệnh sẽ thấy cổ có đờm, ho nhiều về đêm. Khi cơn hen tái phát thì sẽ có những triệu chứng như khó thở, thở nông, đau ngực, thở khò khè,,…
Lao phổi
Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis xâm nhập vào phổi và phá hủy các mô tế bào. Ở giai đoạn đầu của bệnh sẽ có những triệu chứng như ho có đờm nhiều, cổ sưng, mệt mỏi. Khi bệnh trở nặng hơn, bạn sẽ ho có đờm xanh hoặc ho lẫn máu, cùng với đó là những triệu chứng như sốt, sụt cân, đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm.
Viêm phế quản
Viêm phế quản là bệnh hay gặp phải bởi tình trạng tăng nhiều chất dịch nhầy trong đường hô hấp trong thời gian dài (khoảng 3 tháng – 1 năm), bệnh hay gặp ở người bị nghiện thuốc lá. Người bệnh sẽ có những triệu chứng như ho có đờm, ho dai dẳng, khó thở kèm sốt. Dịch đờm nhầy thường dính, trong và xuất hiện nhiều vào buổi sáng.
Giãn phế quản
Giãn phế quản có thể là bệnh bẩm sinh hoặc xảy ra sau khi xơ nang, khối u, nhiễm trùng phổi. Phế quản của bạn khi bị giãn ra, lỏng lẻo và có sẹo thì sẽ khiến các chất dịch nhầy có thể bị kẹt lại. Khi đó chúng ta sẽ có phản xạ ho xuất hiện đờm để tống chúng ra khỏi phổi.
Viêm phổi
Viêm phổi hay còn gọi là nhiễm trùng phổi sẽ khiến phổi của bạn chứa nhiều dịch nhầy. Lúc này bạn sẽ có những triệu chứng như ho có đờm xanh, vàng hoặc có lẫn máu. Ngoài ra bạn sẽ thấy có những biểu hiện đi kèm như sốt cao, khó thở, ngón tay có màu xanh.
Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Bệnh này thường gặp ở những người hay hút thuốc lá, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Đây là tình trạng tắc nghẽn mãn tính của luồng khí khi đi qua phổi, khiến quá trình hô hấp không thể bình thường và không phục hồi được hoàn toàn. Các triệu chứng mà bạn có thể gặp phải như: thở gắng sức, ho có đờm nhiều và buổi sáng, tức ngực, nhói ngực,…
Ung thư phổi
Ho có đờm kéo dài thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư phổi. Đây là bệnh cực kỳ nguy hiểm với tỉ lệ tử vong rất cao do phát hiện muộn. Những người mắc bệnh này thường có triệu chứng nghiêm trọng như ho ra máu, sốt liên tục, đau ngực, khó thở, sút cân nhanh,…
Phương pháp làm giảm ho có đờm
Sử dụng thuốc Tây y
Bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc giảm ho (Natribenzoat, Ambroxol…), thuốc long đờm (Guaifenesin, Terpin…) để làm giảm nhanh triệu chứng ho có đờm của bạn.
Ngoài ra nếu xác định được nguyên nhân gây ho có đờm do vi khuẩn thì có thể dùng thêm kháng sinh. Các loại thuốc được dùng như: nhóm Beta-lactam (Amocillin, Ampicillin, Cefalexin, Penicillin,…) giúp tiêu diệt vi khuẩn, Nhóm Macrolid (Erythromycin, Azithromycin, Clarithromycin…) làm ức chế sự phát triển của vi khuẩn, Nhóm Quinolon (Levofloxacin, Ciprofloxacin….).
Áp dụng các phương pháp dân gian
Bạn cũng có thể áp dụng thêm những phương pháp dân gian chữa ho có đờm bởi chúng khá an toàn, lành tính và có hiệu quả tốt trong việc làm giảm những cơn ho.
- Mật ong: Mật ong có tính kháng khuẩn, chống viêm nên được dùng nhiều trong các trường hợp ho, đau rát họng. Mỗi ngày uống 1 cốc nước mật ong ấm. Bạn có thể kết hợp với gừng, tỏi, chanh để hiệu quả tốt hơn.
- Lá hẹ + đường phèn: Lá hẹ trong Đông y có tính ấm, vị cay, có tác dụng tiêu đờm, bổ can thận. Bạn cho lá hẹ và đường phèn vào bát rồi đem đi hấp cách thủy khoảng 20 phút. Để nguội bớt rồi uống dần trong ngày.
- Lá húng chanh: Lá có tính ấm, vị cay, thường được dân gian dùng để chữa ho có đờm. Ngoài ra lá húng chanh còn có tính kháng khuẩn làm ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Cho lá húng chanh và đường phèn vào bát rồi đem đi hấp cách thủy. Sử dụng hỗn hợp trên uống mỗi ngày 2 lần.
Chăm sóc tại nhà
Bạn cũng có thể hoàn toàn khắc phục tình trạng ho đờm tại nhà bằng những cách sau:
- Súc miệng nước muối thường xuyên để làm dịu họng, lành nhanh các vùng bị viêm, từ đó những cơn ho sẽ thuyên giảm.
- Xông hơi miệng họng sẽ làm loãng đờm, đòm long ra dễ dàng hơn.
- Sử dụng máy tạo ẩm không khí để làm dịu họng, loãng đờm, giảm tắc nghẽn đường thở giúp người bệnh dễ chịu hơn.
- Uống nhiều nước ấm mỗi ngày.
- Bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ vitamin và khoáng chất, giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng.
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng họng. Khi ra đường nên đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
- Không tiếp xúc quá gần với những người đang mắc các bệnh về đường hô hấp.
Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Tình trạng ho có đờm không phải là bệnh quá nguy hiểm. Thế nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang có vấn đề về sức khỏe. Bạn không nên chủ quan và cần đến bệnh viện thăm khám nếu có những triệu chứng sau:
- Ho đờm nhiều, đờm màu xanh, vàng.
- Thở khó, thở khò khè.
- Sốt cao liên tục.
- Ngất xỉu.
Đặc biệt nghiêm trọng, bạn cần can thiệp y tế khẩn cấp khi thấy có những triệu chứng như:
- Đau tức ngực.
- Nghẹn thở, nôn mửa.
- Ho có đờm lẫn máu, đờm có màu hồng.
Mong rằng qua bài viết này đã giúp bạn trả lời câu hỏi “ho có đờm là dấu hiệu bệnh gì?”. Nếu tình trạng ho có đờm kéo dài, bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ tìm ra chính xác nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị phù hợp nhất.