Cà phê là thức uống được rất nhiều người yêu thích, bởi nó mang lại nhiều lợi ích sức khỏe và đặc biệt giúp bạn tập trung, tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, người bị mỡ máu cao có uống cà phê được không và nếu uống được thì nên uống như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Mục lục
Cà phê – Thức uống nhiều lợi ích
Cà phê là thức uống phổ biến và được yêu thích trên toàn thế giới. Thực tế, rất nhiều người bắt đầu ngày mới của họ bằng cách thưởng thức một tách cà phê.
Ngoài tác dụng giúp tỉnh táo, nâng cao năng lượng, cà phê còn mang lại rất nhiều lợi ích khác cho sức khỏe:
- Cà phê có chứa caffeine, một chất kích thích đã được chứng minh là làm tăng mức năng lượng và giảm mệt mỏi. Bởi caffeine giúp thay đổi mức độ của một số chất dẫn truyền thần kinh trong não.
- Cà phê có thể cải thiện hiệu suất thể chất và sức bền nếu uống trước khi tập thể dục.
- Hỗ trợ sức khỏe não bộ. Một số nghiên cứu cho thấy uống cà phê có thể giúp chống lại bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và suy giảm nhận thức.
- Hỗ trợ giảm cân và giảm lượng mỡ trong cơ thể.
- Làm giảm nguy cơ trầm cảm.
- Uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh gan mãn tính, như xơ gan hay ung thư gan.
- Làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và suy tim.
- .v.v.
Cà phê mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng liệu người bị mỡ máu cao có thể uống cà phê được không? Chúng ta cùng đọc phần tiếp theo.
Người bị mỡ máu có uống cà phê được không?
Chúng ta đều biết, mỡ máu cao là một tình trạng rối loạn lipid máu, khiến cho LDL-Cholesterol (một loại cholesterol xấu) tăng lên và HDL-Cholesterol (một loại cholesterol tốt) giảm đi. Người ta đã tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm mối liên hệ giữa cà phê và cholesterol, từ đó liên hệ với tình trạng mỡ máu cao.
Để có câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Mỡ máu cao có nên uống cà phê không”, trước hết chúng ta cùng đọc một số nghiên cứu mà chúng tôi tóm tắt, tổng hợp dưới đây:
– Trong một nghiên cứu, người ta biết được rằng cà phê có chứa cafestol và kahweol – đây là các diterpenes tự nhiên có trong hạt cà phê và hiện diện dưới dạng các este béo. Các nghiên cứu ban đầu khẳng định rằng các diterpene này, đặc biệt là cafestol, có thể làm tăng LDL-Cholesterol và đây có thể là nguy cơ tiềm ẩn gây ra mỡ máu cao.
Tuy nhiên, cũng có những nghiên khác chỉ ra rằng, trừ khi mỗi ngày bạn đều uống rất nhiều cà phê thì mức tăng cholesterol mới đáng lo ngại. Còn không thì ngược lại, cà phê mang lại nhiều lợi ích hơn cho sức khỏe, bởi cafestol và kahweol có thể điều chỉnh nhiều chất trung gian gây viêm để giảm viêm; chúng còn ngăn ngừa ung thư và cải thiện chức năng giải độc của gan.
– Trong một nghiên cứu khác thực hiện trên chuột bạch, các nhà khoa học tiến hành chia hai nhóm như sau:
- Nhóm 1 uống cà phê mỗi ngày
- Nhóm 2 không uống cà phê nhưng được ăn nhiều chất béo.
Sau một thời gian nghiên cứu và đánh giá, nhóm 1 có chỉ số mỡ máu được cải thiện đáng kể so với nhóm 2. Nhóm này cũng có dấu hiệu ít tăng cân hơn.
Nghiên cứu sâu hơn các nhà khoa học nhận thấy, cà phê có chứa protein zonulin, giúp làm giảm tính thẩm thấu của ruột, từ đó ngăn ngừa các tác nhân của bệnh mỡ máu cao. Chính điều này đã giúp cải thiện chỉ số mỡ máu ở nhóm 1.
– Một vài nghiên cứu nhỏ lẻ khác cũng cho thấy, những người bị tăng cholesterol do uống cà phê là những người uống hơn 5 cốc/ngày. Nếu uống cà phê cùng với đường, sữa hoặc kem, nguy cơ này sẽ còn cao hơn.
Như vậy, cà phê có thể tác động đến chỉ số cholesterol. Tuy nhiên, chỉ số chỉ tăng đáng lo ngại nếu bạn uống quá nhiều cà phê một ngày. Dựa vào điều này ta nhận thấy, những người bị mỡ máu cao vẫn có thể uống cà phê.
Một số lưu ý khi uống cà phê với người mỡ máu cao
Uống vừa phải
Như đã nói ở phần trên, uống quá nhiều cà phê có thể làm tăng LDL-C. Vì thế, nếu đang bị mỡ máu cao, bạn chỉ nên uống 1-2 tách cà phê một ngày và không nên nạp vào cơ thể quá 400 mg caffeine mỗi ngày.
Trong một số loại đồ uống như: trà, nước tăng lực, soda,… cũng có thể chưa một lượng caffeine nhất định. Khi uống cà phê, bạn cũng nên chú ý tới cả các loại thức uống này để không nạp vào cơ thể quá nhiều caffeine.
Dùng cà phê Decaf
Cà phê decaf là loại cà phê đã loại bỏ ít nhất 97% caffeine, nó nhạt hơn và ít đắng hơn so với cà phê thông thường. Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng vẫn sẽ gần giống với cà phê thường. Nhiều ý kiến cho rằng, uống cà phê decaf ít tăng cholesterol hơn cà phê thông thường.
Uống cà phê lọc
Có nhiều cách pha cà phê khác nhau, nhưng về cơ bản chúng đều được pha theo 2 cách là lọc hoặc không lọc. Cà phê lọc là loại cà phê rất phổ biến tại Việt Nam, nó đặc trưng bởi cách pha với phin, giấy lọc hoặc bình drip. Pha cà phê theo cách này giúp loại bỏ phần nào cafestol và kahweol – là những chất có thể làm tăng chỉ số cholesterol xấu của bạn.
Nếu bị mỡ máu cao, bạn nên sử dụng cà phê lọc.
Để ý lượng đường/sữa/kem thêm vào cà phê
Đường, kem, sữa thêm vào cà phê là những tác nhân làm chỉ số cholesterol tăng cao. Vậy nên tốt nhất bạn nên uống cà phê không đường hoặc hạn chế tối đa việc bỏ thêm những thứ này vào cà phê.
Tránh uống cà phê không rõ nguồn gốc
Cà phê không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể bị pha thêm tạp chất, phẩm màu. Điều này khiến gan của bạn phải hoạt động nhiều hơn để loại bỏ các chất thải. Vậy nên, hãy lựa chọn cà phê từ các thương hiệu có uy tín.
Lưu ý khác
Cà phê có thể gây ra một số triệu chứng như: mất ngủ, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, lo lắng,… ở ột số người. Nếu bạn gặp phải tình trạng này, nên cân nhắc để đổi sang một loại đồ uống khác.
Cà phê cũng có thể cản trở hấp thu của một số loại thuốc. Vì thế nếu đang sử dụng thuốc để điều trị mỡ máu cao, bạn nên hỏi bác sĩ liệu uống cà phê có làm ảnh hưởng gì tới tác dụng của thuốc hay không.
Lời khuyên từ chuyên gia
Thay vì lo lắng quá nhiều tới việc uống cà phê, bạn nên tập trung hơn vào các yếu tố quan trọng khác có thể làm ảnh hưởng đến chỉ số mỡ máu của mình. Chúng là các yếu tố mà bạn có thể kiểm soát được, gồm:
- Chế độ dinh dưỡng
- Cân nặng
- Thể dục thể thao
- Sử dụng rượu và thuốc lá
Nếu bạn xây dựng được chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, thường xuyên tập luyện thể thao và duy trì một cân nặng hợp lý; song song đó không sử dụng rượu và thuốc lá, bạn sẽ cải thiện được đáng kể chỉ số mỡ máu của mình.