Viêm loét dạ dày là bệnh đường tiêu hóa khá phổ biến. Người bệnh viêm loét dạ dày thường băn khoăn không biết ăn gì để giảm thiểu viêm loét và và hạn chế bệnh tái phát? Để hiểu hơn về thông tin này, các bạn có thể tham khảo qua thông tin bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày
Bệnh viêm loét dạ dày là tình trạng tổn thương có những vết loét sâu dưới lớp cơ niêm mạc khiến cho người bệnh có những dấu hiệu khó chịu, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày có rất nhiều, tuy nhiên, dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu:
Do vi khuẩn Hp- Helicobacter pylori:
Vi khuẩn Hp sau khi thâm nhập vào hệ tiêu hóa sẽ sinh sống và phát triển tại lớp nhầy niêm mạc. Tại đây, chúng sẽ tiết ra độc tố gây mất khả năng chống lại acid của niêm mạc. Nếu tình trạng này không được điều trị kịp thời, bệnh có thể phát triển thành viêm dạ dày mãn tính, ung thư dạ dày.
Lạm dụng thuốc:
Nếu bạn thường xuyên sử dụng các loại thuốc giảm đau và kháng viêm trong thời gian dài, có thể gây ức chế các chất niêm mạc dạ dày, gây đau và viêm loét dạ dày.
Tâm lý:
Tâm lý, stress, mệt mỏi, lo âu ảnh hưởng nhiều đến mất cân bằng chức năng dạ dày, khiến cho dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày bị tổn thương gây viêm loét dạ dày.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt:
Chế độ ăn uống, sinh hoạt ảnh hưởng rất nhiều đến hệ tiêu hóa, nhất là bệnh viêm loét dạ dày. Chế độ ăn uống không khoa học, ăn không đúng bữa, không điều độ, để bụng quá no hay quá đói, uống nhiều bia rượu, ăn thức ăn gây kích thích dạ dày dẫn tới hoạt động co bóp của dạ dày bị ảnh hưởng, dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp bảo vệ niêm mạc bị tổn thương dần sẽ dẫn đến viêm dạ dày và gây loét dạ dày.
Các nguyên nhân tự miễn, do hóa chất …
Bệnh viêm loét dạ dày nên ăn gì?
Nghệ
Nghệ là thực phẩm quen thuộc trong đời sống, nó còn là bài thuốc giúp hỗ trợ, điều trị những vấn đề liên quan đến sức khỏe như tiêu hóa. Trong nghệ có hoạt chất Curcumin giúp hỗ trợ điều trị và xoa dịu các cơn đau dạ dày cũng như đẩy nhanh tốc độ phục hồi của những vết loét. Bạn có thể sử dụng nghệ dài ngày để thấy hiệu quả của nghệ mang lại.
Có rất nhiều cách sử dụng nghệ như:
- Nghệ ngâm mật ong
- Nghệ tươi dừa non
- Tinh bột nghệ…
Gừng
Gừng chính là sự lựa chọn hữu ích cho thực đơn của người bị đau dạ dày. Loại gia vị này cũng được sử dụng dân gian như một phương thuốc tự nhiên giúp khắc phục các triệu chứng bệnh tại nhà.
Trong gừng gồm các hoạt chất Zingiberen, Gingerol, Zingiberol hay Flavonoid có tác dụng giảm đau dạ dày, kháng viêm, chống buồn nôn bằng cách ức chế co thắt cơ trơn và trung hòa axit trong dịch vị dạ dày. Bên cạnh đó, gừng còn có tác dụng cải thiện các triệu chứng của bệnh như ợ nóng, tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu…
Bạn có thể sử dụng gừng bằng cách:
- Pha trà gừng
- Sử dụng gừng cùng một số món ăn
Tinh bột
Tinh bột là loại thực phẩm không thể thiếu với người bệnh viêm loét dạ dày, giúp dạ dày dễ tiêu hóa hơn, hút acid làm giảm sự tiết acid dịch vị tốt cho bệnh dạ dày. Những món ăn từ gạo nếp, bột sắn, các loại khoai ninh nhừ, bánh mì, ngũ cốc… có tác dụng bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày rất tốt.và giúp cung cấp năng lượng hằng ngày.
Trái cây tươi
Trái cây tươi là thực phẩm không thể thiếu với cơ thể, nó cung cấp vitamin giúp cơ thể tăng sức đề kháng, hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn.
- Táo: Cung cấp một lượng lớn pectin có khả năng thúc đẩy tiêu hóa, tạo khối cho phân, cải thiện tình trạng táo bón, tiêu chảy hoặc ăn uống lâu tiêu do ảnh hưởng của bệnh đau dạ dày.
- Chuối: Trong chuối có nhiều thành phần kali giúp giảm hiện tượng buồn nôn, tiêu chảy, đồng thời ổn định hoạt động co thắt của các cơ trơn trong ruột, qua đó giảm đau dạ dày một cách an toàn
- Đu đủ: Cung cấp nhiều papain – một loại enzym có khả năng hỗ trợ tiêu hóa, ổn định môi trường axit dạ dày. Không chỉ vậy, lượng papain trong đu đủ còn tác dụng tương tự như chất nhuận tràng, giúp làm mềm phân và cải thiện tình trạng táo bón cho người bị đau dạ dày.
☛ Tham khảo thêm thông tin: Gợi ý thực đơn cho người viêm loét dạ dày
Rau xanh
Người bệnh viêm loét dạ dày thường có triệu chứng khó tiêu, khó hấp thụ các vitamin và khoáng chất. Chính vì vậy, bạn có thể ăn nhiều rau xanh đậm, rau có màu đỏ, vàng như cà rốt, bí đỏ, cải xanh, bắp cải. Đây là những thực phẩm giàu vitamin A, B, C, E, D, acid folic, canxi, sắt, kẽm, magiê góp phần nhanh chóng làm lành vết loét.
Thực phẩm nhiều probiotic
Thực phẩm giàu probiotic có tác dụng tăng cường vi khuẩn có lợi cho đường ruột, giảm các cơn đau dạ dày và cải thiện các triệu chứng như đầy hơi, ăn lâu tiêu, chướng bụng ở những người mắc bệnh dạ dày.
Một số thực phẩm bổ sung probiotic bạn có thể lựa chọn:
Sữa chua
Các sản phẩm được lên men từ sữa có chứa nhiều lợi khuẩn sống ở dạng hoạt động. Bạn có thể sử dụng 1- 2 hũ sữa chua/ ngày giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giảm táo bón, tiêu chảy, xoa dịu kích ứng ở niêm mạc dạ dày, kích thích tái tạo tổn thương ở niêm mạc ruột.
Kefir
Kefir là đồ uống lên men, nó còn được gọi là nấm Kefir hay nấm tuyết Tây Tạng giúp cải thiện sức khỏe dạ dày, kích thích tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón bằng cách cung cấp nhiều vi khuẩn có lợi. Các chuyên gia khuyến cáo, nên bổ sung 500ml Kefir mỗi ngày trong một tháng liên tục để chứng đau dạ dày được cải thiện rõ rệt.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn trong thực đơn ăn uống hằng ngày như miso, kim chi hay dưa bắp cải… Tuy nhiên, chú ý không nên sử dụng quá nhiều nhé.
Thịt và thực phẩm giàu protein
Các bác sĩ tiêu hóa khuyên rằng, những người đang điều trị viêm loét dạ dày nên bổ sung protein giúp cơ thể căn bằng dinh dưỡng bằng những thực phẩm sau:
- Thịt nạc
- Cá
- Trứng
- Bơ
- Các sản phẩm từ đậu nành
- Đậu Hà Lan
Tuy nhiên, người bệnh nên chú ý, thực phẩm cần được nấu kĩ, chín nhừ 1 chút để khi thức ăn nạp vào dạ dày sẽ không phải hoạt động quá nhiều, và quá trình tiêu hóa thức ăn được nhẹ nhàng hơn.
Bột yến mạch
Bột yến mạch chính là một gợi ý tuyệt vời cho bữa sáng của người bị viêm loét dạ dày. Lý do bởi, yến mạch giúp cung cấp nguồn chất xơ dồi dào cùng nhiều loại vitamin và các khoáng tố thiết yếu cho cơ thể. Ngoài ra, bột yến mạch còn giúp hỗ trợ đường ruột, giúp tiêu hóa thức ăn, bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm nguy cơ bị trào ngược axit – một trong những bệnh lý thường gặp có thể dẫn đến các cơn đau dạ dày.
Bạn có thể sử dụng bột yến mạch theo gợi ý dưới đây:
- Nấu cháo yến mạch
- Trộn bột yến mạch với trái cây
- Sữa chua yến mạch
- Sử dụng bột yến mạch cùng sữa
Cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể
Ngoài lựa chọn trái cây, rau xanh và các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như trên, người bệnh viêm loét dạ dày cũng cần đảm bảo bổ sung nước cho cơ thể. Bởi nước giúp làm dịu kích ứng ở niêm mạc dạ dày, hỗ trợ đào thải độc tố, vi khuẩn có hại cùng axit dư thừa ra khỏi dạ dày, đồng thời đảm bảo cho quá trình tiêu hóa diễn ra bình thường.
Những trường hợp bị viêm loét dạ dày nên cung cấp đầy đủ 2-2,5 lít nước/ ngày, nhất là nước ấm. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung song song nước cùng các loại nước trái cây như nước dừa, nước rau củ luộc, các loại trà thảo mộc tốt cho bệnh viêm loét dạ dày như tà cúc, trà bạc hà, trà cam thảo….
Người bệnh viêm loét dạ dày nên kiêng ăn gì?
Song song với việc bổ sung những loại thực phẩm tốt cho bệnh viêm loét dạ dày, người bệnh cũng cần hạn chế sử dụng những loại thực phẩm gây kích ứng hệ tiêu hóa, khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn:
- Tránh các thực phẩm chứa nhiều acid: Những loại thực phẩm có tính acid cao gây kích ứng niêm mạc dạ dày của bạn như: cam chua, chanh chua, xoài chua…
- Tránh các thức ăn cay, chiên nhiều dầu mỡ: Những thức ăn cay, nóng, chiên xoài nhiều dầu mỡ và chất béo có thể gây kích ứng dạ dày vì thế bạn nên tránh chúng trong khi bạn đang có một vết loét dạ dày: Các loại thực phẩm nhiều gia vị như ớt, bột ớt, hạt mù tạt, hạt nhục đậu khấu và hạt tiêu nóng dẫn đến đau bụng.
- Tránh ăn các loại thực phẩm tươi sống, chưa chín, gỏi, rau sống….bởi chúng có thể là nguồn chứa vi khuẩn H. pylori – Đây cũng là một trong những tác nhân chính gây viêm loét dạ dày.
- Hạn chế đồ uống chứa caffeine và cồn: Đồ uống chứa cồn, Caffeine có thể làm tăng sản xuất acid dạ dày, có thể làm tăng kích thích và gây ra những cơn đau dạ dày, khiến mài mòn niêm mạc dạ dày và dẫn đến chảy máu từ vết loét của bạn.
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm loét dạ dày nên ăn những loại thực phẩm nào chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo. Đây là bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp và gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Khi có nghi ngờ hay phát hiện có triệu chứng của bệnh, bạn nên đến cơ sở y tế hoặc phòng khám chuyên khoa càng sớm càng tốt. Nếu để lâu, bệnh có thể chuyển biến nặng và phát sinh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.