Để điều trị chứng tiểu buốt, chúng ta có nhiều phương pháp khác nhau, một trong số đó là sử dụng thuốc. Vậy có những loại thuốc điều trị tiểu buốt nào và có lưu ý gì khi sử dụng các loại thuốc này không?
Mục lục
Tổng quan về các loại thuốc chữa tiểu buốt
Chúng ta đều biết, tiểu buốt xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và với mỗi nguyên nhân lại có phác đồ điều trị riêng biệt. Chính vì thế, cũng có rất nhiều loại thuốc chữa tiểu buốt khác nhau. Bạn có thể được bác sĩ kê một loại thuốc hoặc nhiều loại thuốc kết hợp với nhau, tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
Chẳng hạn như:
- Tiểu buốt do phì đại tuyến tiền liệt: thuốc giảm đau, thuốc chẹn alpha, thuốc ức chế men khử 5-alpha, thuốc ức chế phosphodiesterase-5,..
- Tiểu buốt do sỏi: thuốc chống viêm không steroid (NSAID), allopurinol, thuốc lợi tiểu thiazide, natri xitrat …
- Tiểu buốt do nhiễm trùng: thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau,…
- Tiểu buốt do viêm bàng quang kẽ: thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc kháng histamine, pentosan polysulfate natri.
- .v.v.
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân đi vệ sinh buốt
Phần dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu một số loại thuốc trị tiểu buốt thường được được dùng.
Một số loại thuốc trị tiểu buốt thường dùng
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Nhóm thuốc này có thể được kê để điều trị tiểu buốt do: viêm bàng quang kẽ, sỏi thận, sỏi bàng quang,…
Một số loại thuốc thuộc nhóm này: aspirin, ibuprofen, naproxen, diclofenac, diflunisal, nabumetone, ketorolac,…
NSAID là một nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm. Nó hoạt động bằng cách ngăn chặn enzym cyclooxygenase (COX). Các enzym này là nguồn để tổng hợp nên một hormone gọi là prostaglandin, có vai trò thúc đẩy viêm để chữa lành nhưng chính điều này sẽ dẫn đến tình trạng đau.
Cơ thể bạn tạo ra hai loại COX khác nhau gồm COX-1 và COX-2. Hầu hết các loại thuốc NSAID sẽ ức chế cả hai loại enzym này. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều loại NSAID thế hệ mới, chỉ ức chế chọn lọc COX-2 và chúng được gọi là các chất ức chế chọn lọc COX-2.
Các loại NSAID đều hoạt động giống nhau, nhưng có thể bạn có thể phản ứng tốt hơn với một loại NSAID cụ thể nào đó. Vì thế, bạn đầu bạn sẽ được thử NSAID không kê đơn. Nếu nó không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể kê loại thuốc khác.
Tác dụng phụ:
- Thường gặp: các vấn đề về tiêu hóa (buồn nôn, ợ chua, nôn mửa, đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón),…
- Hiếm gặp nhưng nghiêm trọng: dị ứng, đau tim và đột quỵ, các vấn đề về thận và lưu giữ chất lỏng,…
Thuốc kháng sinh
Nhóm thuốc này có thể được kê để trị tiểu buốt do: viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn, nhiễm trùng đường tiết niệu, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm âm đạo do vi khuẩn,…
Một số loại thuốc thường dùng: trimethoprim / sulfamethoxazole, fosfomycin, cephalexin, ceftriaxone, doxycycline, azithromycin,…
Thuốc kháng sinh hay còn được gọi là thuốc kháng khuẩn, là loại thuốc có khả năng ức chế sự phát triển và nhân lên của vi khuẩn hoặc giết chết nó hoàn toàn. Tùy từng loại thuốc kháng sinh mà chúng sẽ có tác dụng khác nhau, một số loại chỉ được thiết kế để chống lại một số loại vi khuẩn nhất định, một số loại khác được gọi là kháng sinh phổ rộng thì tấn công nhiều loại vi khuẩn khác nhau, bao gồm cả những vi khuẩn có lợi.
Việc đưa thuốc kháng sinh vào y học đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc điều trị các bệnh truyền nhiễm, giúp tuổi thọ trung bình của con người tăng lên thêm 8 năm (kể từ năm 1945 đến 1972). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế đang lo ngại rằng việc lạm dụng kháng sinh của người dân có thể gây ra tình trạng kháng thuốc. Họ cũng tin rằng việc lạm dụng này góp phần làm tăng số lượng các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Tại Việt Nam, nhân tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc (18-24/11/2020), WHO đã có cảnh báo về tình hình kháng kháng sinh tại Việt Nam.
Tác dụng phụ:
- Thường gặp: phát ban, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, một số loại thuốc kháng sinh hoặc sử dụng kéo dài gây nhiễm nấm miệng, đường tiêu hóa và âm đạo,…
- Hiếm gặp nhưng nghiêm trọng: hình thành sỏi thận, đông máu bất thường, nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, rối loạn máu, điếc, viêm ruột dẫn đến tiêu chảy ra máu nghiêm trọng,…
Phenazopyridine
Một số loại thuốc thuộc nhóm này: AZO Standard tablet, pyridium, uristat, Azo,…
Phenazopyridine là một loại thuốc giúp mà khi được bài tiết vào nước tiểu, nó sẽ mang lại tác dụng giảm đau tại chỗ. Chính vì thế, nó thường được sử dụng để giúp giảm đau, giảm kích thích ở đường tiết niệu, giảm tình trạng tiểu thường xuyên, tiểu khẩn cấp. Tuy nhiên, nó không điều trị nguyên nhân gây ra bệnh mà chỉ được sử dụng để làm giảm các triệu chứng.
Tác dụng phụ:
- Thường gặp: chóng mặt, đau đầu, khó tiêu, ngứa da, co thắt dạ dày,…
- Hiếm gặp nhưng nghiêm trọng: da xanh hoặc tím, sốt, nhầm lẫn, khó thở, tức ngực, phát ban da, giảm đột ngột lượng nước tiểu, sưng mặt, mệt mỏi hoặc suy nhược bất thường,…
Flavoxate
Flavoxate là nhóm thuốc được chỉ định để làm giảm triệu chứng của chứng khó tiểu, tiểu gấp, tiểu đêm, tiểu buốt, tiểu nhiều và tiểu không kiểm soát, là các triệu chứng có thể xảy ra trong bệnh viêm bàng quang, bàng quang hoạt động quá mức, viêm tuyến tiền liệt , viêm niệu đạo,… Tuy nhiên, nó cũng không điều trị nguyên nhân mà chỉ giúp làm giảm triệu chứng.
Flavoxate là chất chống co thắt có chọn lọc đối với đường tiết niệu. Trong các nghiên cứu trên động vật và con người, flavoxate đã được chứng minh là có tác dụng chống co thắt trực tiếp trên các sợi cơ trơn. Nó ức chế các cơn co thắt bàng quang gây ra bởi các chất chủ vận khác nhau. Ngoài ra, flavoxate cũng có đặc tính giảm đau và gây tê cục bộ.
Tác dụng phụ:
- Thường gặp: nôn mửa, đau mắt, mờ mắt, khô miệng hoặc cổ họng, đau bụng, tăng độ nhảy cảm của mắt với ánh sáng,…
- Hiếm gặp nhưng nghiêm trọng: nhầm lẫn (đặc biệt là ở người già), phát ban da, đau họng kèm sốt, nhịp tim nhanh hoặc không đều, chóng mặt hoặc buồn ngủ nghiêm trọng,…
Thuốc chẹn alpha
Đây là một loại thuốc giúp làm giảm các triệu chứng xảy ra ở tuyến tiền liệt, như: tiểu buốt, tiểu khó, tiểu ngắt quãng, tia nước tiểu yếu,…
Một số loại thuốc thuộc nhóm này: alfuzosin (Uroxatral), prazosin (Minipress), silodosin (Rapaflo), doxazosin (Cardura),…
Thuốc chẹn alpha được chia thành ba loại khác nhau: thuốc chặn alpha không chọn lọc (alpha-1 và alpha-2), thuốc chẹn alpha-1 có chọn lọc và thuốc chẹn alpha-2 có chọn lọc. Trong đó, thuốc chặn alpha-1 được chấp thuận để điều trị bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Nó hoạt động bằng cách làm giãn cơ trơn ở tuyến tiền liệt, cho phép nước tiểu chảy ra dễ dàng hơn ở niệu đạo.
Tác dụng phụ: Trong 2 tuần điều trị đầu tiên, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ như buồn ngủ nhẹ, nhức đầu và chóng mặt. Hiếm khi chúng có thể gây ra các vấn đề tình dục. Sau đó, các tác dụng phụ này sẽ tự biến mất.
Pentosan polysulfate natri
Pentosan polysulfate natri hoạt động giống như một chất chống đông máu (làm loãng máu), giúp ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông. Tuy nhiên, nó cũng được sử dụng để điều trị đau bàng quang và khó chịu do viêm bàng quang kẽ. Thuốc có thể hoạt động bằng cách hình thành một lớp trên thành bàng quang và bảo vệ nó khỏi các chất gây hại/ngứa trong nước tiểu.
Tác dụng phụ:
- Thường gặp: buồn nôn, tiêu chảy, đau dạ dày; rụng tóc; chóng mặt nhẹ; tâm trạng chán nản,…
- Hiếm gặp nhưng nghiêm trọng: chảy máu cam; tiểu ra máu, ho ra máu, chảy máu lợi, cảm giác như bạn có thể bất tỉnh.
Allopurinol
Thuốc này được sử dụng để điều trị bệnh sỏi thận (sỏi urat) và bệnh gút.
Thuốc này nằm trong nhóm thuốc gọi là chất ức chế xanthine oxidase. Nó hoạt động bằng cách làm giảm sản xuất axit uric của cơ thể, từ đó ngăn chặn hình thành các tinh thể urat trong thận, khớp.
Allopurinol có thể được sử dụng như một phần của liệu pháp kết hợp. Điều này có nghĩa là bạn có thể cần phải dùng nó với các loại thuốc khác.
Tác dụng phụ:
- Thường gặp: tiêu chảy, buồn nôn, phát ban da, thay đổi kết quả xét nghiệm chức năng gan,…
- Hiếm gặp nhưng nghiêm trọng: da có vảy, đốm đỏ hoặc tím trên da, ớn lạnh, khó thở, sưng mặt hoặc cổ họng, tổn thương gan,…
Làm thế nào để dùng thuốc an toàn?
Sử dụng đúng cách, thuốc giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn và hết tình trạng tiểu buốt. Tuy nhiên nếu dùng sai, bạn có nguy cơ gặp phải những tác dụng phụ nghiêm trọng.
Để sử dụng thuốc điều trị tiểu buốt được an toàn và hiệu quả, bạn có thể thực hiện một số bước đơn giản dưới đây.
Nói chuyện với bác sĩ
Trước khi được kê đơn thuốc, bạn nên nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc mà bạn đang sử dụng (bao gồm cả thuốc không kê đơn, thuốc bổ hoặc vitamin, trà thảo mộc,…); các loại thuốc mà bạn bị dị ứng; bạn đang mang thai hoặc cho con bú.
Điều này giúp bác sĩ cân nhắc để tránh kê các loại thuốc có thể tương tác với thuốc bạn đang dùng hoặc tránh kê các loại thuốc ảnh hưởng tới mẹ và bé.
Đặt câu hỏi
Khi được kê đơn thuốc, nếu chưa rõ về mỗi loại thuốc bạn dùng, hãy đặt câu hỏi cho bác sĩ, như:
- Tên thuốc là gì?
- Thuốc dùng để làm gì?
- Thuốc có tác dụng phụ hoặc cảnh báo đặc biệt nào không?
- Nên làm gì nếu tôi bắt đầu có tác dụng phụ?
- Tôi có thể dùng nó nếu tôi đang mang thai hoặc cho con bú không?
- Tôi nên tránh những loại thuốc hoặc thực phẩm nào nếu dùng thuốc này?
Ngoài ra, bạn có thể đọc thêm thông tin về thuốc trên nhãn hướng dẫn.
Trước khi ra khỏi nhà thuốc, hãy kiểm tra thật kỹ lại các loại thuốc của mình trước khi rời đi, xem đã đúng và đủ thuốc hay chưa.
Làm đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ
Hãy sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng dùng, cách dùng, thời gian dùng. Đừng nghĩ rằng dùng thuốc nhiều hơn liều quy định sẽ giúp bạn khỏi bệnh nhanh hơn, điều này thậm chí còn có thể khiến bạn tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng. Nếu bạn quên uống một liều thuốc, có thể hỏi bác sĩ về các dùng liều bổ sung.
Ngoài ra, để tránh gặp các sự cố với thuốc, bạn cũng nên chú ý:
- Không dùng chung thuốc hoặc chia sẻ đơn thuốc với người khác.
- Không sử dụng thuốc trong bóng tối nơi bạn không thể nhìn rõ nhãn thuốc
- Kiểm tra ngày hết hạn thuốc. (Thuốc hết hạn sử dụng có thể không an toàn hoặc hoạt động mạnh hơn).
Để lọa bỏ thuốc không còn sử dụng, bạn có thể hỏi bác sĩ xem có nên:
- Xả nó xuống bồn cầu hoặc bồn rửa.
- Cho vào túi ni lông buộc kín cùng bã cà phê hoặc phân mèo và vứt vào thùng rác.
Theo dõi khi dùng thuốc
Trong quá trình sử dụng thuốc, bạn nên chú ý phản ứng của cơ thể với thuốc. Nếu cảm thấy mình có bất kì triệu chứng bất thường nào, hãy liên lạc lại với bác sĩ.
Ngoài ra, bạn cũng nên viết các loại thuốc mà mình sử dụng ra giấy và mang theo chúng khi đi khám. Bạn cũng có thể tạo một bản sao tên các loại thuốc để đưa cho mọi người trong gia đình hoặc bạn bè cất giữ, phòng trường hợp bạn gặp tình trạng y tế khẩn cấp.
Đặt thuốc ở nơi an toàn
Thuốc cần được bảo quản đúng cách để không bị biến đổi và sử dụng được lâu hơn, hiệu quả hơn. Bạn nên bảo quản thuốc bằng cách:
- Đọc hướng dẫn bảo quản thuốc và chú ý tới các loại thuốc cần được bảo quản đặc biệt. Thông thường, thuốc được bảo quản trong tủ thuốc hoặc nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời.
- Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và thú nuôi trong nhất. Bạn có thể cất thuốc trong hộp cá nhân có khóa.
Kết luận
Trên đây là thông tin về một số loại thuốc giúp điều trị tiểu buốt. Các thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, giới thiệu và không thay thế cho bất kì chẩn đoán y tế chuyên nghiệp nào. Để điều trị bệnh hiệu quả, bạn cần đi khám để xác định nguyên nhân và được kê loại thuốc phù hợp.
Nguồn bài viết:
- https://vuongbao.vn/thuoc-chua-dai-buot-21408/
- https://www.fda.gov/consumers/women/use-medicines-wisely
- https://www.webmd.com/drugs/2/drug-1237/phenazopyridine-oral/details
- https://www.webmd.com/drugs/2/drug-12412/flavoxate-oral/details