U nang buồng trứng là những khối u có lớp vỏ bao bọc bên ngoài, bên trong chứa nước hoặc dịch nhầy hay những hỗn hợp phức tạp. U nang buồng trứng có thể xuất hiện ở nữ giới với mọi lứa tuổi. Bệnh lý này gây rối loạn kinh nguyệt, đau bụng, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của chị em. Thậm chí, một vài khối u còn có khả năng chuyển biến thành ung thư gây nguy hại cho tính mạng người bệnh.
Phân loại u nang buồng trứng
U nang buồng trứng được chia thành 2 dạng căn bản, đó là u nang cơ năng và u nang thực thể.
1/ U nang cơ năng:
Là những tổ chức lành tính, không phát triển thành ung thư. Đa phần, những loại u này không cần điều trị, u có thể tự biến mất sau 3 – 6 tháng, có thể sử dụng thuốc tránh thai để ngăn ngừa sự phát triển của khối u. U nang cơ năng bao gồm các dạng cụ thể như sau:
U nang noãn:
Phụ nữ có u nang noãn hầu như không nhận biết được tình trạng của mình, bởi bệnh rất hiếm khi gây ra triệu chứng. Hơn nữa, triệu chứng của bệnh cũng dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh phụ khoa khác. Do đó, cần chẩn đoán cần phân biệt u nang buồng trứng với những bệnh lý khác như là viêm vòi trứng, lạc nội mạc tử cung, nang hoàng thể, khối u khác.
Người bị u nang này có thể xuất hiện những dấu hiệu sau: ra máu âm đạo bất thường (không phải do kinh nguyệt), đau bụng, đau nhiều hơn khi giao hợp, chu kỳ kinh nguyệt không đều. U nang phát triển lớn hơn cũng có thể gây xoắn hoặc vỡ, tình trạng này phải điều trị ngoại khoa khẩn cấp.
U nang hoàng thể:
U nang hoàng thể được chia làm 2 loại nhỏ, đó là u nang tế bào vỏ và u nang tế bào hạt.
– Nang hoàng thể tế bào hạt: là u nang cơ năng, xuất hiện sau quá trình phóng noãn, các tế bào hạt trở nên hoàng thể hoá. Bệnh nhân bị u nang này thường thấy cảm giác đau vùng chậu, kinh nguyệt ít, vài tháng mới có kinh một lần, thậm chí là vô kinh. Những triệu chứng của u nang hoàng thể tế bào hạt dễ nhầm lẫn với chửa ngoài tử cung. U nang tế bào hạt cũng có thể lớn lên gây xoắn và vỡ. Nếu gặp biến chứng này, thông thường bệnh nhân sẽ phải mổ nội soi hoặc mổ hở để bóc tách u ra ngoài.
– Nang hoàng thể tế bào vỏ: loại nang này có kích thước không lớn, có thể xuất hiện ở cả 2 bên buồng trứng. Dịch trong u nang có màu vàng rơm. Loại nang này thường gặp trong hội chứng buồng trứng đa nang, chửa trứng hoặc quá mẫn trong kích thích phóng noãn.
Nang hoàng thể trong thai nghén
Là những nang phát triển trong thời kỳ mang thai. Nó có thể xuất hiện ở cả 2 bên buồng trứng. Tuy nhiên, loại u nang này kích thước nhỏ thường dưới 5cm và có thể tự biến mất sau khi thai nhi được 12 tuần tuổi mà không cần điều trị.
2/ U nang buồng trứng thực thể
U nang thực thể được coi là những loại u bệnh lý, có khả năng ung thư hóa trong tương lai. Chúng chiếm đến 60% các loại u nang.
U nang thực thể gồm có: u nang nước, u nang nhầy, u nang da, u lạc nội mạc tử cung
U nang nước:
Là loại u có vỏ mỏng, cuống thường dài, chứa dịch trong, kích thước thường to, có khi choán hết ổ bụng, là loại khối u lành tính, có thể có nhú ở mặt trong hoặc mặt ngoài vỏ nang. Những khối u lành tính thường có vỏ nhẵn, chứa dịch vàng nhạt. Nếu có nhú thường là ác tính.
U nang nước hay phát hiện ở những phụ nữ trẻ tuổi <30, ngoài ra cũng gặp ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh.
Nếu phát hiện có u nang nước, cần xử trí bằng cách phẫu thuật để loại bỏ, đồng thời mẫu mô của u nang phải được đem đi sinh thiết để chẩn đoán ung thư.
U nang nhầy
Chiếm khoảng 10-20% các loại khối u biểu mô, và khoảng 85% u nang nhầy là lành tính, tuổi thường gặp từ 30-50.
U nang nhầy vỏ mỏng và nhẵn, ít khi có nhú, vỏ nang gồm 2 lớp: tổ chức xơ và biểu mô trụ. U nang gồm nhiều thuỳ ngăn cách bởi các vách ngăn, trong chứa chất dịch nhày vàng, kích thước thường to nhất trong các u buồng trứng.
Xử trí: mổ cắt bỏ u nang.
Lạc nội mạc tử cung tại buồng trứng
U nang này hình thành do tế bào nội mạc tử cung di chuyển ngược lên trên buồng trứng và phát triển tại đó. U nang lạc nội mạc tử cung thường được phát hiện thông qua nội soi ổ bụng hoặc trong phẫu thuật.
U nang lạc nội mạc tử cung có tính chất dính, dễ vỡ, lớp vỏ mỏng, dịch bên trong có màu nâu như lẫn máu.
Nếu được chẩn đoán có u nang này, phụ nữ cũng cần phải phẫu thuật để loại bỏ ra ngoài, đồng thời sinh thiết để tiên lượng nguy cơ ung thư.
U nang da ( u nang bì)
Chiếm tỷ lệ 25% khối u buồng trứng. Thành phần bên trong u nang da là những tổ chức phức tạp phát sinh từ tế bào mầm, chúng có thể là răng, tóc hay thậm chí là ngón tay, ngón chân của thai nhi. U nang bì thường lành tính nhưng cũng có thể trở thành ác tính. Loại u nang này được phát hiện ở những phụ nữ trẻ tuổi < 30. Khoảng 20% phát triển ở cả hai bên buồng trứng.
Khi bị u nang da, người bệnh sẽ ít nhận biết được triệu chứng. Đa phần thông qua kiểm tra phụ khoa hay khám sức khỏe định kỳ người bệnh mới được biết rằng mình có u nang trong buồng trứng.
Tương tự như các loại u bệnh lý khác, u nang da cũng được loại bỏ bằng phẫu thuật. Nếu nang nhỏ nên cắt bỏ phần u, để lại phần buồng trứng lành.
U nang buồng trứng có nguy hiểm không?
Nói chung, các u nang cơ năng có kích thước nhỏ không đáng ngại, vì bản thân người bệnh không cần phẫu thuật hay điều trị đặc biệt, chúng sẽ tự tiêu biến.
Tuy nhiên, những khối u cơ năng lớn hoặc u thực thể bất kể là kích thước nào thì khi phát hiện đều cần phẫu thuật để ngăn chặn biến chứng.
U không được phát hiện kịp thời sẽ lớn dần lên và chèn ép vào các nội tạng trong ổ bụng, gây ra các triệu chứng rối loạn đại tiểu tiện, phù nề hai chi dưới.
U có thể bị vỡ hoặc xoắn gây mất nhiều máu trong thời gian ngắn, đặc biệt nếu dịch tràn trong ổ bụng có thể gây ra viêm phúc mạc cấp. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu nhanh chóng.
Đối với biến chứng xoắn u nang: biến chứng này hay gặp ở những khối u nhỏ, cuống dài, không dính. Triệu chứng xoắn u nang là đau rất dữ dội, cơ thể yếu ớt đột ngột, toát mồ hôi, tụt huyết áp, nôn ói, sốc.
Hình ảnh một u nang buồng trứng bị xoắn nhiều vòng.
Đối với biến chứng vỡ u nang: thường xảy ra khi u nang quá lớn, bị tác động cơ học, va chạm nên bục vỡ hoặc vỡ sau khi u bị xoắn nhiều vòng. Vỡ nang gây ra nhiễm khuẩn rất nguy hiểm.
Phụ nữ mang thai bị u nang buồng trứng cần theo dõi chặt chẽ, bởi nếu u nang ngày càng lớn nó sẽ chèn ép, khiến thai nhi không còn chỗ phát triển. Hơn nữa, u nang có thể làm tăng tỷ lệ sảy thai, sinh non ở các bà bầu. Không hiếm trường hợp, thai phụ bị biến chứng u nang nên buộc phải đình chỉ thai nghén và phẫu thuật để bảo vệ sức khỏe cho người mẹ.
Điều trị u nang buồng trứng
Khi phát hiện có u nang buồng trứng, thông thường người bệnh sẽ cần theo dõi tại nhà và khám phụ khoa định kỳ thường xuyên hơn (khoảng 1 tháng tái khám 1 lần) để kiểm tra xem u có biến mất hay không.
Nếu sau 2 – 3 kỳ kinh nguyệt, u biến mất thì không cần điều trị.
Tuy nhiên, nếu u có dấu hiệu phức tạp như là:
- U phát triển kích thước và không biến mất
- U có biến chứng vỡ, xoắn, nhiễm khuẩn
- U có dấu hiệu là ung thư
Thì cần điều trị bằng phẫu thuật. Hiện nay, người ta áp dụng 2 phương pháp phẫu thuật chủ yếu trong điều trị u nang buồng trứng đó là:
Phẫu thuật nội soi: áp dụng với những u nang lành tính, kích thước còn nhỏ, dễ can thiệp.
Hình ảnh một ca phẫu thuật nội soi để loại bỏ u nang buồng trứng.
Phẫu thuật mở ổ bụng: áp dụng với những u có tính chất phức tạp, u lớn, u có thể là ung thư, u nằm ở vị trí khó bóc tách.
Riêng đối với phụ nữ có thai, nếu theo dõi u nang không có biến trứng, thì thời gian phẫu thuật phù hợp nhất là từ tháng thứ 3 – 6. U nang càng lớn thì sẽ càng chiếm hết không gian phát triển của bào thai. Do đó, cần phải loại bỏ.
Tuy nhiên nếu u nang được phát hiện muộn trong thai kì thì việc điều trị được trì hoãn cho tới thời điểm em bé sinh ra ngoài. Các bác sĩ sẽ lấy u nang đồng thời sau khi bé sinh ra.
Với những bệnh nhân lớn tuổi, không còn nguyện vọng sinh nở thì đa phần các bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ buồng trứng để ngăn ngừa tái phát trong tương lai.
Với những bệnh nhân có u nang bệnh lý, nghi ngờ là ung thư thì cần sinh thiết mẫu tế bào u nang để kiểm tra xem có chắc chắn là ung thư hay không.
- Trường hợp không phải là ung thư, quá trình phẫu thuật coi như hoàn tất.
- Trường hợp, u nang là ác tính, thì bệnh nhân sẽ có thể phải cắt bỏ 1 bên hoặc cả 2 bên buồng trứng nhằm tránh nguy cơ di căn.
U nang buồng trứng có tỷ lệ tái phát cao sau phẫu thuật. Vì thế, mặc dù đã được điều trị nhưng bệnh nhân vẫn cần chú ý hơn đến việc thăm khám phụ khoa định kỳ và chăm sóc sức khỏe sau phẫu thuật để ngừa tai biến.