Ở giai đoạn này, nhiều bé đã có thể bò rất tốt. Khi bé tỏ ra năng động thì cần đề phòng bé bị ngã hay gặp nạn và nên chú ý đảm bảo sự an toàn cho bé ngay cả khi bé ở trong nhà.
Bé bắt đầu nhút nhát với người lạ và khóc khi bị mẹ bỏ lại với một người trông bé. Đây là khởi đầu của cảm giác lo lắng khi xa mẹ. Trong thời gian này, bé sẽ học được khái niệm rằng khi mẹ rời khỏi bé, nghĩa là mẹ sẽ trở lại.
Một số bé chưa biết bò khi 8 tháng
Một số bé chưa thể bò mà chỉ biết trườn hoặc lăn. Bé có thể kéo mình đứng lên khi tỳ vào một đồ nội thất. Nếu bạn bé ở cạnh một ghế sofa, bé sẽ dùng chiếc ghế này để hỗ trợ đứng dậy nhưng bạn nên vòng tay đỡ bé phía sau, phòng khi bé bắt đầu chao đảo và ngã.
Quá trình học đứng có nghĩa là bé bắt đầu dễ bị ngã hơn – đây là phần khó tránh của tuổi thơ. Đừng quá căng thẳng mà cấm đoán con, nên thư giãn và để mắt tới bé khi bé khám phá môi trường xung quanh và hoàn thiện các kỹ năng thể chất. Tránh luôn bao bọc con mà nên để bé tự đứng lên để bé học tính tự lập.
Nên đảm bảo an toàn quanh nhà, ví dụ bạn cần loại bỏ đồ dễ vỡ hay những thứ lung lay để chúng không đổ vào người bé.
Bé nhặt được những thứ nhỏ, chẳng hạn mẩu thức ăn.
Bé bắt đầu làm chủ kỹ năng nhón, lấy đồ vật bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ. Khi đó, bé có thể dùng cách này để lấy một mẩu nhỏ thức ăn, chẳng hạn một mẩu bánh. Cần lưu ý với những thứ bé cho vào miệng vì bé có thể bị nghẹt thở.
Sau khi lấy được một vật nhỏ, bé có thể giữ nó trong lòng bàn tay đã nắm thành quả đấm của mình. Ném hay thả đồ trong tay trở thành hoạt động yêu thích của bé. Bé cũng biết tìm kiếm những đồ vật bị rơi.
Giai đoạn trẻ 8 tháng đang tập ăn dặm, cha mẹ cần chú trọng tới chế độ dinh dưỡng của bé. Bé cần ăn dặm đúng cách, khẩu phần phù hợp với từng độ tuổi. Thực tế, nhiều cha mẹ chăm sóc bé không đúng cách, ăn uống không hợp lý khiến trẻ biếng ăn, lâu dần dẫn tới còi cọc, chậm lớn, chậm phát triển.
Bé thể hiện cảm xúc nhiều hơn
Cảm xúc của bé ngày một rõ nét. Bé vỗ tay khi cảm thấy thích thú hoặc vẫy tay tạm biệt, hôn người thân thuộc nếu bé vui mừng.
Bé cũng có thể học đánh giá và bắt chước tâm trạng của người khác và biết thể hiện sự đồng cảm; chẳng hạn, nếu thấy một em bé khóc, bé sẽ tới xem em và bắt đầu thể hiện cảm xúc.
☛ Tìm hiểu thêm: Vài điểm lưu ý về dinh dưỡng của bé 8 tháng tuổi
Giúp bé bớt lo khi xa mẹ
Bé bắt đầu lo lắng hay e ngại khi quanh bé có người lạ, nhất là lúc bé mệt mỏi hay cáu kỉnh. Khi bạn đi và bé không nhìn thấy mẹ, bé trở nên buồn bã và bắt đầu khóc.
Để giúp bé hiểu mẹ đi làm rồi mẹ sẽ về, bạn có thể thử chơi với bé cùng món đồ chơi quen thuộc. Giấu thú bông vào một tấm chăn trong thời gian ngắn và sau đó, lôi nó ra với niềm phấn khởi. Nó sẽ giúp bé hiểu là cho dù bé không nhìn thấy thú bông thì thú bông vẫn tồn tại.
Một khi phải đi làm và để lại bé với ông bà (người trông bé), bạn có thể ôm, hôn và trấn an bé rằng bạn sẽ trở lại. Nếu bé sợ hãi và khóc, bạn cần cho bé chút thời gian để trấn an con. Có thể trao bé cho người nào thân thuộc mà bé an tâm như người bà của bé.
Một số bé quấy khóc khi xa mẹ nhưng có bé thì dễ chịu hơn. Điều này tùy thuộc tính khí của bé và thời gian bé được ở bên mẹ nhiều hay ít. Nếu bạn chỉ ở nhà và chăm con một mình (không có bà hay người trông bé) thì bé sẽ bám mẹ “kỹ” hơn so với những bé có người thân chăm sóc cùng ngay từ khi chào đời.
Cách bé khám phá xung quanh
Bé yêu thích khám phá các đối tượng theo nhiều cách khác nhau, như lắc, đập, thả… chúng. Một loạt các đồ chơi khó vỡ, an toàn để bé đập, bóp, vặn, thả, rung, lắc… sẽ hấp dẫn bé.
Bé cũng hiểu những thứ phù hợp với nhau, chẳng hạn một đồ nhỏ thì được thả vào một đồ lớn. Thị giác phát triển giúp bé nhìn tốt hơn và nhận ra người hay đồ vật quen thuộc từ phòng bên kia. Vì thế, nếu thấy điều gì đó yêu thích, bé sẽ thể hiện niềm vui và bò tới.
Lan bui đã bình luận
Toi thich bay viét nay