Mỗi khi tiết trời trở mùa, sức đề kháng của cơ thể cũng kém làm cho dễ mắc chứng bệnh cảm. Tôi cũng vậy, vài tháng trước, có lẽ vì làm việc thời gian dài không chịu dưỡng sức nên sau một chiều làm việc cơ thể cảm thấy mệt mỏi, ra gió lại sợ lạnh…
Đây là những triệu chứng cho tôi biết rằng sắp bị bệnh cảm! Trên đường về nhà, tôi ghé quán ăn quen thuộc của chị Mai. Vừa nhìn thần sắc của tôi chị Mai liền biết ngay, chỉ hỏi sao tôi trông bơ phờ vậy và trong tích tắc vài phút chị mang ra cho tôi một tô “cháo giải cảm” đúng điệu với các thành phần: gừng tươi, hành lá, tiêu, khuấy chung với một quả trứng gà. Tuy nón cháo thanh đạm, nhưng lại rất ngon, vừa khẩu vị. Mười phút sau khi dùng cháo cơ thể cảm thấy ấm dần, toát mồ hôi, cả người nhẹ hẳn đi. Sáng ngủ dậy không còn cảm giác mệt mỏi nữa.
Mấy tuần gần đây, thời tiết lại thay đổi, có nhiều bệnh nhân mắc bệnh cảm, tôi chợt nhớ đến món cháo giải cảm của chị Mai, nên viết bài này cho quý độc giả cùng tham khảo.
Công thức chế biến món cháo thường rất đơn giản, chủ yếu là gạo và nước. Đặc điểm của cháo là thanh đạm, dễ tiêu hóa nên thích hợp cho mọi lứa tuổi, đặc biệt những người có sức khoẻ kém. Chính vì đặc điểm này mà từ ngàn xưa, các lương y đã biết dùng cháo để giúp tăng cường sức khoẻ và phòng chống bệnh tật.
Sau đây là vài công thức nấu các món cháo có lợi ích cho sức khoẻ.
Lưu ý: tất cả các món cháo sau, quý độc giả có thể tùy ý thêm muối, đường, nước mắm, v.v., nêm sao cho vừa khẩu vị. Bài viết chỉ chú trọng về phần nguyên liệu, không chú trọng về phương thức nấu chi tiết.
Mục lục
1. Cháo giải cảm
Nguyên liệu
2 cọng hành lá xắt nhỏ (cần phải giữ phần trắng gần rễ của hành lá), vài lát gừng, 1/2 muỗng cà phê tiêu, 1 trứng gà, gạo lức 50g
Chế biến
Gạo tẻ nấu nhừ. Lúc cháo còn nóng đập trứng gà khuấy đều, sau đó cho hành lá, gừng, tiêu vào. Dùng lúc cháo còn nóng.
Gừng có vị cay tính ấm, và 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng phát biểu, tán hàn, ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giái độc thường dùng để trợ giúp tiêu hóa, chữa các chứng đau bụng lạnh, ăn không tiêu, cảm cúm, thấp khớp
Hành có tác dụng tán hàn, chữa các chứng cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, tiêu hóa kém, thấp khớn, bí tiểu tiện.
2. Cháo trị ho
Nguyên liệu
Củ cải trắng 200g, gạo lức 80g
Chế biến
Gạo tẻ nấu gần nhừ cho củ cải trắng vào. Nấu khi nào củ cải trắng mềm là được.
Theo Đông Y, củ cải trắng có tác dụng hóa đờm, giảm ho, kiện tỳ, thường dùng cho các bệnh như lao phổi, khan tiếng, mất tiếng, sỏi mật, viêm gan vàn da, thủy thũng, loét khoang miệng do nhiệt, tiểu đường, ho ra máu.
3. Cháo rau củ tốt cho bệnh tiểu đường
Nguyên liệu
Bí đỏ 100, đậu bắp thái nhỏ 100, hạt mè 10g, gạo lức 100g
Chế biến
Gạo tẻ nấu gần nhừ sau cho bí đỏ và đậu bắp vào nấu tiếp cho đến khi bí đỏ và đậu bắp nhừ thì có thể tắt lửa.
Bí đỏ có tác dụng phòng ngừa bệnh tiểu đường. Đậu bắp có nhiều chất xơ nên có tác dụng giúp giảm cân, kiểm xoát lượng đường trong máu, giảm cholesterol, hạ huyết áp, ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ.
4. Cháo dành cho người cao huyết áp
Nguyên liệu
Cần tây 100g, tảo tía 20g, gạo lức 100g
Chế biến
Gạo tẻ nấu nhừ, sau đó cho cần tây và tảo tía vào nấu tiếp cho đến khi cần tây mềm thì được.
Theo Đông Y, cần tây có các dụng thanh nhiệt, giảm ho. Y học hiện đại cho rằng cần tây có tác dụng hạ huyết áp, cải thiện các bệnh như sỏi nhỏ đường tiết niệu, rối loạn chức năng gan, xơ gan cổ trướng, viêm hệ niệu bàng quang, u xơ tuyến tiền liệt.
Tảo tía có tác dụng thanh nhiệt, hóa đàm, lợi thủy, bổ Thận, dưỡng Tâm. Y học hiện đại cho rằng tảo tía có tác dụng cải thiện các chứng bệnh như cao máu, thủy thủng, viêm phế quản mạn tính, v.v.
5. Cháo cải thiện chứng hay quên
Nguyên liệu
Bạch quả 50g, đậu phộng 20g, gạo lức 100g
Chế biến
Ngâm đậu phụng qua đêm, sau đó nấu chung với gạo tẻ. Khi cháo gần chín thì cho Bạch quả đã nấu chín vào.
Theo Đông Y, Bạch quả có vị đắng, ngọt, tính bình, vào 2 kinh phế và tỳ, có tác dụng liễm phế khí, tiêu đờm, sát trùng. Khoa học ngày nay còn chứng minh rằng Bạch Quả có tác dụng chống Oxy hóa, giúp tăng cường trí nhớ, ngăn ngừa bệnh lãng trí, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, mất trí nhớ ở người lớn tuổi, giảm nguy cơ tai biến mạch máu não, giúp an thần.
Đậu phộng có tác dụng dưỡng huyết, bổ tỳ, nhuận phế, hóa đàm, chủ trị các chứng ho, sản phụ thiếu sữa, loét dạ dày, thiếu máu.
6. Cháo bổ dưỡng giúp đẹp da, sạch mụn
Nguyên liệu
Nhân sâm Hoa Kỳ 20g, Ý Dĩ 50g, đậu phộng 20g, thịt heo 100g, táo đỏ 20g, vài lát gừng, muối
Chế biến
Cho tất cả nhân sâm Hoa Kỳ, Ý Dĩ, đậu phộng, thịt heo, táo đỏ vào nấu chung cho đến khi cháo mềm thì cho gừng và muối vào.
Món cháo này có tác dụng dưỡng da, trắng da, hoạt huyết, điều kinh, trị đau bụng trong lúc hành kinh, trị bạch đới ở phụ nữ, giảm độc tố, điều hòa hóc-môn trong cơ thể.
7. Cháo giúp giảm cân hiệu quả
Nguyên liệu
Lô hội 100g, bí đỏ 100g, tảo tía 50g, gạo lức 100g
Chế biến
Lô hội, bí đỏ thái nhỏ.
Gạo lức nấu cho đến khi gần mềm thì cho lô hội, bí đỏ, và tảo tía vào nấu khoảng 5 phút thì tắt lửa.
Lô hội vị đắng tính hàn vào kinh Can, Tâm, Tỳ, có công hiệu thanh nhiệt bài độc
Bí đỏ có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu đờm, trừ phiền, chữa khát.
Tảo tía có tác dụng thanh nhiệt, hóa đàm, lợi thủy, bổ Thận, dưỡng Tâm. Y học hiện đại cho rằng tảo tía có tác dụng cải thiện các chứng bệnh như cao máu, thủy thủng, viêm phế quản mạn tính.
8. Cháo cho người bệnh trĩ
Nguyên liệu
Rau cần cả lá lẫn rễ 120 gam, gạo lốc 150 gam
Chế biến
Rửa sạch rau cần, thái dạng khúc dài 1 centimét.
Gạo lốc với lượng nước vừa phải, đun sôi bằng lửa to, cho rau cần vào cùng nấu bằng lửa nhỏ cho đến cháo chín nhừ, cho thêm gia vị là có thể dùng.
Người bệnh trĩ thường đi cầu phân táo cứng, người nóng. Món cháo rau cần này có tác dụng bổ mát, thanh nhiệt lợi thấp, nhuận trường, tiêu viêm, chống táo bón, giúp cho các chất thải tống ra khỏi ruột dễ dàng hơn.
Xem thêm:
10 bài thuốc nam thông dụng trị viêm đường tiết niệu
Món cháo dễ tiêu hóa nên rất phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, người già, người ốm bệnh. Ăn cháo kết hợp với một số phương pháp điều trị khác là một cách để tăng hiệu quả chữa bệnh.
Bác sĩ Hồng Việt Hải