Bệnh trĩ không phải là căn bệnh hiếm gặp, nhất là trong xã hội hiện đại ngày nay. Bệnh càng phổ biến hơn trong giới văn phòng khiến nhiều người vướng phải căn bệnh ngồi hoài trong nhăn nhó này.
Nguyên nhân bệnh trĩ
Bệnh trĩ rất thường gặp, nhất là ở những người lớn tuổi. Thống kê cho thấy tỉ lệ mắc bệnh trĩ ở những người trên 50 tuổi là 50%.
Bệnh trĩ thường gặp ở những người đứng nhiều, ngồi nhiều, ít đi lại vì thế đây được mệnh danh là bệnh của giới văn phòng vì phải ngồi nhiều 6-8 tiếng mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh trĩ khá cao. Trong thực tế, số lượng nhân viên văn phòng bị bệnh trĩ phải mổ bệnh trĩ là cao nhất. Và đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ hàng đầu ở những người làm việc trong môi trường đứng lâu, ngồi nhiều như thợ may, công nhân…
Những người bị táo bón kinh niên, hội chứng lỵ, sa sàn chậu, những u bướu vùng hậu môn trực tràng cũng dễ dàng mắc bệnh trĩ. Khi bị những bệnh này, bệnh nhân khi đi cầu phải rặn nhiều khiến áp lực trong ống hậu môn tăng lên khiến tĩnh mạch hậu môn bị căng lên khi phân đi qua, lâu ngày sinh ra trĩ.
Các bệnh gia tăng áp lực ổ bụng như viêm phế quản mãn gây ho nhiều, suy tim, xơ gan…, những người phu khuân vác… tạo điều kiện thuận lợi cho trĩ xuất hiện.
Ngoài ra, ở những người bị ung thư trực tràng, có thai ở những tháng cuối… các tĩnh mạch cũng bị chèn, cản trở máu hồi lưu dẫn đến dễ bị trĩ.
Triệu chứng bệnh trĩ
Triệu chứng thường gặp ở bệnh trĩ là có cảm giác khó chịu, đau, bị đi nặng ra máu tươi. Nếu ở mức độ nặng, búi trĩ nhô ra ngoài hậu môn làm chảy chất nhầy và ngứa quanh hậu môn. Nếu trĩ sa bị nghẽn mạch và nghẹt búi trĩ thì gây đau dữ dội.
Chảy máu là triệu chứng xuất hiện sớm nhất và phổ biến nhất của bệnh trĩ. Lúc đầu máu chảy ít, dính vào thỏi phân rắn, máu chỉ gặp khi táo bón, phải rặn khi đại tiện. Về sau chảy máu thường xuyên hơn và lượng máu cũng nhiều hơn. Ở giai đoạn nặng, búi trĩ có thể bị chảy máu thường xuyên hơn, không cần phải đi đại tiện mới thấy.
Khi búi trĩ lớn hoặc trương lực cơ vòng hậu môn yếu thì búi trĩ sa ra ngoài, Người bệnh thường nhận thấy từ cảm thấy khó chịu, vướng ở hậu môn kèm theo đau rát. Ở mức độ tái phát nhẹ, búi trĩ lòi ra ngoài có thể co lại được, hoặc bệnh nhân tự đẩy lên được. Ở mức độ tái phát nặng, búi trĩ lòi ra ngoài nhưng không tự co lại được, luôn nằm ngoài hậu môn nên dễ dàng bị cọ xát, gây viêm nhiễm, chảy máu …
Để chẩn đoán bệnh trĩ, ngoài các dấu hiệu trên, soi hậu môn đại trực tràng là bắt buộc giúp xác định chẩn đoán và loại trừ những bệnh lý u đại trực tràng.
Điều trị bệnh trĩ
Bệnh trĩ ở mức độ nhẹ: Tránh đừng để bị táo bón bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều rau, tập thói quen đi cầu đều đặn. Dùng thuốc chữa trị bệnh trĩ ở dạng các loại kem có chứa corticoid, các chất chống co thắt, các chất bảo vệ mạch máu và chích gây tê tại chỗ để giảm viêm và giảm đau. Có thể dùng Proctolog nhét hậu môn ngày 1- 2 viên; hoặc bôi thuốc mỡ Preparation-H lên vùng bị trĩ bất cứ lúc nào có triệu chứng, 3 – 5 lần/ ngày. Dùng các thuốc làm tăng trương lực tĩnh mạch như Daflon, Ginkor fort…
– Nếu trường hợp nặng hơn: Tiêm thuốc gây xơ hoặc phẫu thuật lạnh bằng chất cực lạnh như khí carbonic, nitrogen lỏng làm lạnh búi trĩ, sau vài ngày thì búi trĩ hoại tử vô trùng không đau, 3 – 6 tuần thì lành sẹo, sẹo mềm và đẹp. Thắt búi trĩ không gây đau đớn bằng dây thun với dụng cụ đặc biệt. Mổ cắt trĩ nếu là trĩ sa.
Phòng ngừa bệnh trĩ
Ăn nhiều các loại rau xanh, củ, hoa quả và các loại hạt ngũ cốc (hay còn gọi là nguồn chất xơ)… không chỉ giúp cân bằng dưỡng chất mà còn hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh, giúp quá trình đào thải cặn bã hiệu quả, ngăn ngừa và điều trị chứng táo bón, táo bón kinh niên – nguyên nhân hàng đầu tác động gây nên bệnh trĩ.
Mỗi ngày uống tối thiểu từ 1,5 – 2 lit nước/ngày là một trong những cách đơn giản nhất giúp phòng ngừa bệnh trĩ. Đây cũng là thói quen giúp tăng cường trao đổi chất và đào thải các chất độc tố ra bên ngoài cơ thể. Uống nước ép hoa quả, sinh tố hoa quả, nước ép rau củ cũng là một cách thức giúp cung cấp chất xơ bằng đường uống.
Đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu cũng là một yếu tố hình thành bệnh trĩ và làm tái phát bệnh ở những người đã điều trị khỏi. Vì vậy, người bệnh vận động thường xuyên để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh trĩ. Đối với những người có công việc đặc thù phải đứng, ngồi nhiều như: người làm việc văn phòng, công nhân nhà máy, xưởng… nên tự tạo điều kiện để cơ thể được đi lại, vận động ít nhất 1 lần/h, làm giảm áp lực liên tục lên vùng hậu môn ngăn ngừa việc hình thành bệnh trĩ.
Nhiều người thường có thói quen đọc báo, dùng điện thoại,…. khi đại tiện hay vì một lý do nào đó mà thường xuyên nhịn đại tiện. Thói xấu này là nguyên nhân gây ra táo bón cũng như khiến bệnh trĩ có cơ hội “tấn công”. Vậy thay vào đó, người bệnh hãy tự tập thói quen đại tiện hàng ngày giúp cơ thể làm quen với việc đào thải chất cặn bã thường xuyên giúp phòng ngừa chứng táo bón cũng như bệnh trĩ.
Tin liên quan:
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” và việc phòng bệnh trĩ cũng không khó để thực hiện. Hãy tự bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và tạo lập các thói quen hàng ngày tốt giúp ngăn ngừa bệnh trĩ .
Theo hanhphucgiadinh.vn