Mang thai và sinh nở là thiên chức và niềm vui không thể nào đong đếm được của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, trong giai đoạn thai kì này, các vấn đề sức khỏe, biểu hiện tâm lý đều có những sự thay đổi nhất định. Trong các vấn đề thường gặp khi mang thai, chứng đi cầu ra máu khiến nhiều mẹ rất lo lắng. Cách điều trị đi cầu ra máu tươi khi mang thai nào là an toàn và hiệu quả cho mẹ bầu? Bài viết dưới đây xin chia sẻ các kiến thức nhằm giúp các mẹ bầu biết cách chăm sóc cơ thể tốt hơn và khỏe mạnh hơn.
Nguyên nhân tình trạng bà bầu đi cầu ra máu tươi?
Bà bầu đi cầu ra máu tươi là do táo bón trong thời gian mang thai. Tón bón làm cho phân bị khô, cứng, đè nén lên trực tràng khiến cho tĩnh mạch dưới niêm mạc trực tràng phải chịu áp lực và gây ra cản trở cho quá trình lưu thông của máu. Bà bầu cố gắng đi cầu như vậy sẽ dễ làm rách niêm mạc hậu môn và gây chảy máu.
Bà bầu đi cầu ra máu tươi là do bệnh trĩ. Trĩ là tình trạng bị suy tĩnh mạch ở trong và xung quanh trực tràng. Nguyên nhân bà bầu bị trĩ có thể đến từ nhiều lý do. Khi thai phát triển lớn, tạo nên sự chèn ép lên tĩnh mạch, ảnh hưởng đến sự hồi lưu của máu, làm cho chùm tĩnh mạch trĩ bị xung huyết, mở rộng ra. Hậu quả là thai phụ dễ mắc bệnh trĩ. Ngoài ra, chứng táo bón trong thai kì làm cho phân bị khô, cứng, đè nén lên trực tràng khiến cho tĩnh mạch dưới niêm mạc trực tràng phải chịu áp lực và gây ra cản trở cho quá trình lưu thông của máu, làm chùn giãn các búi tĩnh mạch trĩ, lâu ngày sẽ hình thành nên bệnh trĩ. Ngoài hiện tượng đi cầu ra máu, bà bầu bị trĩ còn có một số biểu hiện cụ thể khác như: xảy ra hiện tượng sa búi trĩ (búi trĩ lòi ra ngoài hậu môn) và xung quanh khu vực hậu môn xuất hiện dịch nhờn, có cảm giác ngứa, đau hoặc có cả phù nề rất khó chịu. Sa búi trĩ ở mức độ nặng sẽ rất dễ bị tổn thương, nhiễm trùng hoặc có thể hoại tử, bà bầu có cảm giác đau đớn, vướng víu rất khó chịu.
Bà bầu đi cầu ra máu tươi là do bị nứt kẽ hậu môn. Thông thường nếu bà bầu bị tình trạng này cũng kèm với cả chứng táo bón và bệnh trĩ. Việc co giãn quá mức các cơ xung quanh ống hậu môn khiến các niêm mạc bị nứt và lâu dần sẽ bị ăn sâu vào bên trong. Tình trạng này sẽ làm bà bầu bị đau và rỉ máu ở bên trong. Do vậy khi đi cầu sẽ kèm theo cả máu.
Bà bầu đi cầu ra máu tươi là do bệnh kiết lỵ. Đây là căn bệnh rất phổ biến và có biểu hiện chính là đi cầu ra máu và máu lẫn cùng phân, phân lỏng và có chất nhầy; Có cảm giác đau bụng dữ dội và mót rặn, đi ngoài nhiều lần nhưng khó ra phân hoặc chỉ ra máu và chất nhầy. Nguyên nhân gây ra bệnh kiết lỵ thường là do vi khuẩn amip, Entamoeba histolyca, Shigella, lỵ trực khuẩn… gây ra; hoặc do đồ ăn không đảm bảo vệ sinh, đồ ăn sống, lạnh không qua chế biến như: gỏi cá, tiết canh…
Cách phòng ngừa và cải thiện chứng đi cầu ra máu khi mang thai
Nếu tình trạng đi ngoài ra máu giảm sau khoảng 1 đến 2 ngày thì bạn không cần phải lo lắng nhiều. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài và có biểu hiện nặng hơn thì các bà bầu cần thăm khám bác sĩ để kịp thời điều trị.
Việc thay đổi chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng để mẹ bầu giảm chứng đi cầu ra máu và phòng ngừa tình trạng này xảy ra.
Các bà bầu cần uống nhiều nước. Bình thường trong thành phần của phân chứa khoảng 75 – 78% nước. Nếu tỉ lệ nước trong phân giảm xuống còn 50% đã làm khối phân khó khăn di chuyển theo ruột già, còn nếu tỉ lệ nước trong phân xuống còn 20% thì khối phân hoàn toàn bị tắc. Vì vậy bà bầu cần bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể, khoảng 1,5 – 2 lít nước một ngày, bao gồm nước có canh và nước uống ở các dạng khác nhau (nước đun sôi để nguội, nước chè, nước hoa quả…). Buổi sáng ngay sau khi ngủ dậy nên uống một cốc nước lạnh (nước sôi nguội, nước khoáng, nước quả) sẽ có tác dụng kích thích nhu động ruột, giúp đi tiêu dễ dàng hơn.
Bà bầu cần tăng cường ăn các thức ăn có nhiều chất xơ: rau xanh, hoa quả, trái cây khô, hạt ngũ cốc, bánh mỳ đen, gạo lứt. Các thức ăn này tạo điều kiện thuận lợi cho các chủng vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển, ức chế các quá trình gây thối, ngoài ra các chất độc hại sẽ bám vào các chất xơ và được thải ra ngoài cơ thể. Ngoài ra, ăn các chất này làm tăng khối lượng phân – kích thích lên thành ruột, gây tăng nhu động ruột và gây cảm giác mót đi ngoài.
Các thức ăn có chứa nhiều magiê như sữa, kê, đậu đũa, khoai lang và một số loại rau như rau đay, rau dền, mùng tơi, rau khoai lang, củ quả (khoai sọ, đu đủ xanh, chuối tiêu). Magiê có vai trò quan trọng trong việc tăng cường nhu động ruột, sẽ hỗ trợ rất nhiều khi bà bầu bị táo bón.
Ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi để phòng ngừa bệnh kiết lỵ
Nên ăn sữa chua để cải thiện chủng vi khuẩn có lợi trong ruột.
Tránh ăn các chất kích thích như hạt tiêu, ớt cay, nước chè đặc, ca cao, rượu nho đỏ.
Hạn chế uống rượu, cà phê, hút thuốc lá; các thức ăn nóng, các thức ăn tinh chế như cháo, súp đặc (khoai tây, cà rốt nghiền…); các thức ăn nhanh (fast food); thức ăn có chứa tinh dầu (tỏi, hành, củ cải), nấm, các đồ rán.
Các bài tập nhẹ nhàng giúp thức ăn di chuyển nhanh hơn qua ruột già, giúp cơ co thắt và đào thải phân dễ dàng hơn. Các bài tập phù hợp với bà bầu như là đi bộ, yoga, bơi lội. Lưu ý là hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tập, để đảm bảo đó là những bài tập an toàn cho bà bầu và thai nhi.
Việc ngồi lâu gây sẽ làm tăng áp lực đối với tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng. Vì thế, bà bầu nên kết hợp giữa ngồi, đi lại với nằm nghỉ ngơi.
Ở tư thế ngồi xổm, việc đi tiêu sẽ tự nhiên và thoải mái hơn. Bà bầu có thể kê chân lên ghế khi ngồi bệ xí để tạo thành tư thế ngồi xổm khi đi vệ sinh. Tuy nhiên không nên ngồi vệ sinh lâu hơn 5 phút.
Nếu nhịn đi đại tiện quá lâu sẽ tăng áp lực phân đè nặng lên đại tràng. Không những vậy, chất thải tích lâu ngày trong đại tràng sẽ bị mất nước và khô cứng, làm cho việc đại tiện trở nên khó khăn hơn.
Nếu bà bầu đi ngoài ra máu tươi là do chứng nứt kẽ hậu môn thì cần dùng một số kem bôi, kem thoa tại chỗ nhằm chống viêm, làm giảm đau rát, hết chảy máu hậu môn, cải thiện tuần hoàn máu, giúp bền thành mạch, giảm bớt sự khó chịu, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho em bé trong thời kì cho con bú.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, khi chữa chứng đi cầu ra máu tươi, bà bầu cần lưu ý chữa các bệnh toàn thân để phối hợp điều trị, như điều chỉnh cách ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Lưu ý là mỗi người sẽ có các tình trạng khác nhau nên không được dùng kinh nghiệm của người này để chữa cho người kia mà phải tùy theo mức độ để điều trị. Bà bầu cần thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa để được điều trị hiệu quả nhất.