Bạn cho rằng đâu là thiên đường mua sắm? Hong Kong, Singapore, Paris, New York, Rome hay Bangkok? Theo tôi thì bạn hãy thêm vào danh sách đó chữ “sân bay”! Vì sao vậy?
Shopping ở sân bay không phải trả thuế
Ai hay đi du lịch nước ngoài đều biết rất rõ tại các sân bay quốc tế có rất nhiều những cửa hàng miễn thuế (Duty Free Shop – DFS). Dĩ nhiên, các mặt hàng với giá niêm yết tại đây đều là giá không bao gồm thuế (thuế giá trị gia tăng – VAT). Do đó, tuỳ theo từng quốc gia với thuế VAT khác nhau mà các món hàng có giá khác nhau, nhưng đều chung một điểm là rẻ hơn khi shopping ở trong nước.
Trong hành trang kinh nghiệm du lịch qua gần 30 quốc gia và rất nhiều sân bay, tôi luôn để ý và làm các phép so sánh giá cả những món hàng, và nhận thấy nếu mua đồ ở sân bay sẽ tiết kiệm được khá nhiều. Chẳng hạn, mỹ phẩm nếu shop ở Đức (nơi tôi đang sống), cây son Dior có giá 28 euro thì ở DFS, tôi chỉ phải trả có 23 euro mà thôi. Tương tự, các loại nước hoa hay mỹ phẩm, kem dưỡng khác ở sân bay đều có giá rẻ hơn gần 20%.
Tuy nhiên, cũng cần nhắc thêm, với giá cả mua sắm cạnh tranh như thế, không phải bạn muốn mua bao nhiêu cũng được. Mua sắm ở DFS cũng có những điều kiện và quy định rất chặt chẽ do hải quan đưa ra. Trước tiên, khi thanh toán, bạn phải trình “boarding pass” (thẻ lên máy bay) cho biết điểm đến theo lịch trình bay của mình, và người bán sẽ cho bạn biết quy định bạn được mua bao nhiêu thứ cho mỗi sản phẩm. Còn nếu người bán không cung cấp thông tin này thì bạn phải tự tham khảo quy định trước để tránh phải rắc rối vì làm sai luật, có thể bị phạt rất nặng.
Chẳng hạn, khi nhập cảnh vào EU (các nước thuộc châu Âu), người trên 17 tuổi có thể mang theo tối đa 200 điếu thuốc, 1 lít chất cồn, 4 lít rượu, 16 lít bia. Ngoài ra, những sản phẩm khác bao gồm nước hoa thì tổng giá trị sản phẩm không được quá trị giá 430 euro/người, và hàng hoá chỉ dành cho mục đích sử dụng cá nhân.
Những món hàng này sẽ được gói trong loại túi plastic có keo dán đặc biệt, và bạn không được mở nó ra trước điểm dừng cuối cùng của hành trình (nếu mở thì túi sẽ bị rách, không dán lại được).
Hàng miễn thuế, cũng có rẻ và mắc!
Các món hàng miễn thuế ở sân bay không phải lúc nào giá cả cũng giống nhau. Trong nhiều năm qua, tôi hay bay hãng Qatar từ Đức về Việt Nam, với điểm dừng là sân bay Doha. Và trong lúc chờ chuyến bay kế tiếp, tôi dành hết thời giờ để bơi trong bể DFS ở đây. Lúc đầu, tôi cứ ngỡ Doha DFS là rẻ nhất. Nhưng tôi đã nhầm khi phát hiện cùng với một món đồ như thế, thường là mỹ phẩm, nước hoa, ở sân bay Munich luôn có giá rẻ hơn từ 5 – 10 euro.
Nhưng shopping ở sân bay Munich cũng không phải là rẻ nhất. Nói về rẻ thì tôi có thể kể ra là DFS ở sân bay Rome nước Ý, đảo Gran Canaria thuộc nước Tây Ban Nha, sân bay Bangkok, và nằm trong danh sách này còn có cả sân bay Tân Sơn Nhất của Việt Nam (với hàng mỹ phẩm, nước hoa và thuốc lá).
Sự khác biệt này trước tiên là do thuế VAT như đã kể trên, ngoài ra còn có những lý do gì khác nữa thì tôi không rõ, chỉ biết rằng, giá cả các món hàng ở sân bay khác nhau luôn có sự chênh lệch.
Shopping ở sân bay cũng có khuyến mãi!
Thật vậy đấy! DFS ở sân bay suy cho cùng thì cũng là một kiểu làm thương mại. Mà buôn bán, từ bình dân đến cao cấp, cũng đều cần có những chiêu thức để thu hút khách hàng.
Một lần trong lúc chờ lên máy bay ở Geneva (Thuỵ Sĩ), tôi không thể nào cưỡng lại việc rút bóp trả tiền cho chai nước hoa Gucci dù không có nhu cầu mấy. Đơn giản vì tôi đọc được cái bảng “Giá cả cạnh tranh, nếu có nơi nào rẻ hơn chúng tôi hoàn lại tiền”. Mà quả thật đúng như thế! Chai Gucci II 50ml đó tôi chỉ trả gần 60 USD, trong khi giá DFS sân bay khác luôn gần 90 USD.
Ngoài việc thỉnh thoảng có những món hàng giá cực sốc như thế, thường thì ở các cửa hàng miễn thuế đều có những sản phẩm “on sale” hoặc “special buy” như nước hoa, mỹ phẩm, túi xách giảm giá (có khi lên đến 50%), mua 1 “pack” 2 chai với giá một chai rưỡi, mua 2 chai rượu tặng thêm 1 chai…
Đặc biệt, mua đồ ở sân bay còn có thêm một cái lợi nữa là giá rẻ mà dung tích lớn. Như rượu, các chất cồn đều đóng trong chai 1 lít mà giá rẻ hơn chai ngoài cửa hàng nhưng chỉ có 0,7 lít mà thôi. Đó chính là lý do vì sao nhiều người rất thích mua sắm ở sân bay.
Shopping trước giờ bay
Mua sắm trước giờ bay dường như là một cái thú của rất nhiều người với nhiều lý do như:
Thời gian là tất cả.
Lý do này thường do đàn ông nêu ra. Nhất là những doanh nhân, những người không có thời gian nhiều sau khi bay đến một nơi để đi công tác, đi họp… Thế là sân bay trở thành địa chỉ shopping yêu thích của họ để làm vui lòng vợ với món quà là chai nước hoa, cây son hay, những gói kẹo chocolate cho con cái. Còn đồng nghiệp, đối tác làm ăn thì đã có thuốc lá, rượu. Quan trọng hơn hết, lại còn được đảm bảo không phải hàng giả. Thậm chí, có người không có thời gian mua sắm ở DFS tại sân bay thì sẽ được “phục vụ” ngay trong lúc bay với DFS trên máy bay.
Quà lưu niệm ở sân bay cũng có đủ loại phong phú.
Tôi đã từng chứng kiến hai cô gái trẻ người Thái Lan ở sân bay Tân Sơn Nhất sung sướng ôm trên tay mỗi người một con gấu bông đội nón lá, trên áo có dòng chữ “I love Vietnam” và ngồi chụp hình với nó mãi. Rốt cuộc, tôi cũng… bắt chước mua một con làm quà cho con gái của người bạn, giá chỉ có 6 USD cũng rất là hợp lý.
Tiêu cho đến đồng cuối cùng.
Đó là khi bạn ra sân bay mà túi vẫn còn lại một số tiền của quốc gia bạn đến, bạn thấy chẳng cần phải đổi lại vì nó cũng chẳng đáng bao nhiêu, cho nên thôi kiếm món gì đó mua cho hết.
Những món đồ đặc biệt.
Tôi để ý, ở các sân bay rất hay bán hàng sản xuất với số lượng có hạn (limited edition), hơi khó mua, thậm chí ở ngoài shop không bán. Cho nên ai có thói quen sưu tầm các loại hàng này thì có thể dễ dàng tìm thấy chúng ở sân bay. Một chị bạn của tôi thích sưu tầm nước hoa, nhưng là loại chai mini 7ml, nằm trong từng set bốn chai. Hiện giờ, chị có hơn một trăm chai khác nhau be bé xinh xinh nằm trong tủ kiếng, nhưng mà không bao giờ dùng tới, chỉ để ngắm thôi!
Riêng tôi hay mua các “Voyage Collection” rất tiện lợi dành cho người hay di chuyển như bộ trang điểm (make-up palette) “all in one” bao gồm những thứ tôi cần cho một chuyến du lịch mà không phải đem theo từng thứ lắt nhắt, hoặc như các sản phẩm dưỡng da trong bộ mini có thể để trong hành lý xách tay.
Shopping để tích điểm. Dùng điểm đổi hàng.
Ngoài các chiêu khuyến mãi đủ kiểu ở sân bay, các hãng hàng không còn kết hợp với DFS mua sắm tích điểm hay đổi điểm lấy quà tặng. Như tôi, sau nhiều năm tham gia chương trình “Miles and More” với hãng Lufthansa tích luỹ được một số điểm đáng kể. Mỗi lần ra sân bay (trong phạm vi nước Đức), tôi có thể dùng điểm đó để đổi quà hoặc ngược lại, tích điểm vào chương trình khi mua sắm ở sân bay. Có lần tôi đã đổi điểm lấy được hai chai nước hoa trị giá gần 120 euro.
Trò may rủi ở sân bay.
Trong nhiều nơi mà tôi đã đi qua, tôi chưa thấy sân bay nào có nhiều trò như sân bay Doha thuộc nước Qatar. Trong khu vực DFS, luôn luôn có một chiếc siêu xe như Bentley, Porsche, Lamborghini, Ferrari… đi kèm là một dòng quảng cáo rất thách thức “Bạn sẽ có cơ hội sở hữu chiếc xe này chỉ với 100 USD”. Đó chính là hình thức mua “chiếc vé may mắn”. Tức là với một chiếc xe có giá trị 100.000 USD chẳng hạn, người ta sẽ bán ra 1.000 chiếc vé tham dự, mỗi vé giá 100 USD, như vậy cơ hội sở hữu chiếc xe là 1/1.000. Kiểu trò chơi may rủi và đầy thách thức này tôi thấy chỉ có… đàn ông là thích mà thôi (bởi vậy giải thưởng luôn luôn là chiếc xe hơi đẹp tuyệt vời). Còn phụ nữ, như tôi chẳng hạn, thường chỉ thích những gì cụ thể, bỏ tiền ra là mang về nhà liền như mỹ phẩm, nước hoa, túi xách… chứ không thích đánh liều làm mất đi 100$ mà khả năng đem về chiếc xe kia quá thấp, lại chẳng có cơ hội lái!
Ngoài ra ở Doha còn có trò “lucky draw” để dụ bạn cứ tiêu 100 USD ở đây thì sẽ nhận được một phiếu rút thăm may mắn, với các phần thưởng cũng rất là hấp dẫn như điện thoại, laptop, máy chụp hình…
Ở sân bay không thiếu thứ gì!
Ai cho rằng shopping ở sân bay rất là hạn chế về mặt chủng loại hàng hoá thì phải… xét lại các sân bay nào mà bạn biết nhé. Khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều quốc gia, thành phố đua nhau xây dựng các sân bay mang tầm cỡ quốc tế về mặt kỹ thuật, diện tích, tiện ích và thậm chí cả kích cỡ, số lượng DFS, cửa hàng… trong sân bay.
Dân sành bay và shopping chắc chắn không thể không cho vào danh sách những điểm đến “hùng vĩ” trước giờ cất cánh và hạ cánh như sân bay Changi ở Singapore, Suvarnabhumi Thái Lan, sân bay Dubai, Abu Dhabi, Heathrow ở London, Leonardo da Vinci ở Rome… đều có diện tích đáng nể với rất nhiều cửa hàng shopping, dường như bất tận. Hàng hoá ở đây chắc chắn đủ làm thoả mãn nhu cầu shopping của bạn như: đồ trang sức, nước hoa, mỹ phẩm, thuốc lá, rượu bia, bánh kẹo, thời trang hàng hiệu, mắt kính, hàng điện tử, đồng hồ, đồ lưu niệm…
Thậm chí ở trong sân bay Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ còn có cả một cái bazar bán đủ hương liệu, vải vóc, hàng thủ công… không khác gì ngoài chợ cả!
Một kỷ niệm khiến tôi không bao giờ quên về shopping ở sân bay chính là xém tí nữa thì lỡ mất chuyến bay, vì mải mê lặn ngụp trong một rừng các DFS mà quên chỉnh đồng hồ theo giờ địa phương.
Vài kinh nghiệm khi mua sắm ở sân bay
– Khi đã định mua món gì đó thì hãy tham khảo giá ở shop trước khi ra sân bay để có thể dễ dàng so sánh.
– Ở sân bay, trả tiền mặt luôn rẻ hơn dùng thẻ thanh toán (Master, Visa…) vì sẽ bị charge một phần phí dịch vụ quốc tế.
– Dùng đơn vị tiền tệ của nước sở tại để mua hàng, vì sử dụng ngoại tệ khác để thanh toán ở sân bay thì sẽ bị tính tỷ giá thấp hơn ngoài thị trường.
– Luôn tham khảo trước quy định về hải quan của nước mình sắp đến để mua số lượng hàng cho phù hợp. Nếu sai quy định, hàng hoá sẽ bị tịch thu và đóng phạt rất cao.
– Trong sân bay không phải shop nào cũng là shop miễn thuế (nhiều khi chỉ là airport shop), hãy hỏi kỹ người bán hàng mình sẽ làm thủ tục hoàn thuế ở đâu và dành thời gian cho việc đó.
– Hãy chỉnh đồng hồ theo đúng giờ địa phương khi đáp đến một sân bay nào đó và tính thời gian chính xác, xem xét vị trí shop cách cổng lên máy bay bao xa, để không bị lỡ chuyến bay kế tiếp do mải mê mua sắm.