Hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm phát triển nhà ở xã hội góp phẩn giúp người có thu nhập thấp có nhiều cơ hội hơn trong việc giải quyết nhu cầu về nhà ở ở các thành phố lớn. Một câu hỏi thường được đặt ra đối với những đối tượng khó khăn về nhà ở, thu nhập không cao là mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp và vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Nhà nước như thế nào.
Trên thị trường hiện đang có rất nhiều các dự án đang và sẽ được triển khai nhắm đến đối tượng khách hàng có nhu cầu thật về nhà ở với giá cả hấp dẫn. Trước tiên phải kể đến các dự án của Viglacera ở Đặng Xá, Tây Mỗ; sau đó là dự án của Vinaconex ở Tây Nam Linh Đàm; Dự án nhà ở xã hội Bắc Cổ Nhuế… Đó là các dự án nhà ở xã hội, bên cạnh đó còn có các dự án nhà ở thương mại với giá tương đối rẻ, diện tích vừa phải: Tân Tây Đô, Đại Thanh, Xuân Mai Tower, Xa La, Megastar 409 Lĩnh Nam, An Bình Tower, The Sun Garden, CT12 Kim Văn Kim Lũ, …
Chính phủ đã ban hành nghị quyết 02/NQ-CP triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Với gói hỗ trợ này, thị trường bất động sản dần được phá băng ở phân khúc nhu cầu thật của người dân. Sau hơn 1 năm triển khai, các ngân hàng đã giải ngân được hơn 2000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp và các cá nhân thuộc diện hỗ trợ. Nhìn chung, tiến độ giải ngân như vậy là khá chậm so với yêu cầu của Chính phủ, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Những khó khăn vướng mắc tồn tại ở nhiều khâu, trong đó có những vướng mắc ở bản thân những người có nhu cầu vay mua nhà trong diện được hỗ trợ.

Để có thể thuận lợi trong việc tìm mua và vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Chính phủ, bạn cần tiến hành theo trình tự sau:
– Tìm cơ sở, chỗ dựa tài chính cho mình: Bạn phải chứng minh được mức thu nhập thường xuyên, đột xuất của mình bằng các giấy xác nhận thu nhập của cơ quan, sao kê tài khoản nhận lương qua ngân hàng, bảng lương, các chứng từ tài chính khác. Các giấy tờ của bạn có tính pháp lý càng cao càng tốt, có lẽ đó sẽ là cơ sở chính để ngân hàng quyết định có giải ngân cho bạn hay không, giải ngân ở mức bao nhiêu (phần trăm). Ngoài ra, bạn cần phải chuẩn bị ‘phần góp vốn’ để sở hữu căn hộ, Chính phủ quy định giải ngân tối đa cho mỗi hợp đồng mua bán là 80% nhưng thường thì bạn khó có thể được giải ngân với con số đó.
– Tìm dự án phù hợp với nhu cầu của mình: diện tích, giá cả, tiến độ, chất lượng xây dựng, tiến trình thanh toán, các tiện ích khác: cự ly đến nơi làm việc/học tập, bệnh viện, trường học của con em, môi trường xung quanh, kiến trúc – cảnh quan, nơi mua sắm, giải trí…
– Nhận diện chính xác chủ đầu tư: Đa số những người đi mua nhà thường là mua qua các sàn và trung tâm môi giới, bạn phải biết chính xác chủ đầu tư là ai để có thể giải quyết các công việc tiếp theo.
– Kiểm tra khả năng vay vốn từ ngân hàng khi mua căn hộ của chủ đầu tư mà bạn đã tìm được: Các ngân hàng được tham gia giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ đều có các yêu cầu về thủ tục giải ngân khá phức tạp, bắt buộc phải có sự ràng buộc 3 bên: ngân hàng, chủ đầu tư, người mua nhà. Chỉ những chủ đầu từ có uy tín, chứng minh được tiềm lực tài chính (và có lẽ là họ đã có những cam kết, thỏa thuận hợp tác với ngân hàng) mới có thể được ngân hàng chấp nhận giải ngân cho dự án của họ. Nếu chủ đầu tư có nhiều dự án thì không phải tất cả các dự án của họ đều được ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn. Bạn phải hỏi kỹ nhân viên tín dụng phụ trách giải ngân gói này để biết dự án bạn tìm được có được hỗ trợ vay vốn hay không, tỷ lệ hỗ trợ của ngân hàng là bao nhiêu.
– Cân nhắc, và đưa ra quyết định: Dựa trên các thông tin đã thu thập được, bạn tính toán khả năng tài chính để đưa ra quyết định mua căn hộ (quay lại ký hợp đồng mua bán) và làm các thủ tục vay vốn theo sự hướng dẫn của cán bộ tín dụng.