Với những chị em đi làm xa, đã “luống” tuổi thì mỗi đợt Tết về là thời điểm mà mọi người trong gia đình đều mong muốn có một anh chàng nào đó trong “hành trang” của họ. Đó là sức ép tương đối lớn và có thể khiến họ lẩn tránh những kỳ nghỉ Tết ở nhà.
Hoa 32 tuổi, thuê nhà ở Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Cả gia đình cô đều sống ở một huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa. Mấy năm gần đây, năm nào cô cũng về thăm nhà trước Tết vài tuần chứ không cùng đón năm mới với gia đình, lý do là phải trực ở cơ quan.
Sợ bị đòi “cho ăn kẹo”
Năm nay, khi con gái lại gọi điện báo ngoài rằm tháng giêng mới về vì phải trực, mẹ Hoa thắc mắc: “Sếp con dã man thế, con là con gái mà, sao bắt trực lắm vậy? Năm này trực rồi thì năm sau phải thôi chứ”. Hoa nói quấy quá vài câu rồi cúp máy. Thực ra, cô không nói dối chuyện trực Tết, có điều đây là cô tự nguyện làm thay cho các đồng nghiệp chỉ vì không muốn về quê.
Hoa chỉ mới yêu một lần trong đời, nhưng đó lại là mối tình học trò, tuy rất đẹp song cũng chấm dứt khi họ đỗ vào hai trường ĐH ở hai đầu đất nước. Từ đó về sau, các cuộc tìm hiểu của cô chỉ dừng lại ở vài buổi hẹn hò, bởi cô không thấy xúc động trước một ai. Hoa không muốn “lấy đại” ai đó chỉ để có chồng, rồi sau phải ân hận. Nhưng ở quê cô, con gái không ai để quá 25 tuổi mới lên xe hoa, nên Hoa cứ về nhà là bị hỏi han, nhất là dịp Tết. “Năm nay chắc Hoa cho bác ăn kẹo đấy nhỉ, đấy cái Hồng nhà bác kém cháu mấy tuổi mà đã hai con lớn đùng rồi”. “Ai chẳng biết thời bây giờ phụ nữ cũng phải có sự nghiệp, nhưng mà vừa phải thôi, còn phải lo chồng con chứ cháu?”. “Đừng có kén quá mà cao không tới thấp không thông cháu ạ”…

Tết năm sau con chẳng về nữa, cho mẹ khỏi mất mặt…
Hoa chóng cả mặt, ù cả tai. “Nhiều lúc chỉ muốn hét lên bảo họ đừng có hỏi nữa, hỏi thì cũng có giúp tôi lấy được chồng đâu, chỉ gây ức chế”, cô tâm sự. Ngày thường, cô thấy cuộc sống độc thân cũng không đến nỗi, nhưng khi về đến quê thì thấy chưa có chồng quả thật là một bi kịch.
Là con một nên Lệ Thu (31 tuổi, quê ở Bắc Giang) không dám “trốn” cả cái Tết, song năm nào cô cũng về rất muộn và đến mùng 2 thì kiếm cớ này cớ nọ xách túi đi. Trong những ngày ở nhà, cô hầu như chỉ ở trong phòng ngoài những lúc cần rửa bát. Khác với Hoa, cô gái này đã đưa vài chàng trai về giới thiệu gia đình nhưng rồi không mối tình nào đậu lại, khi thì cô quyết định thôi vì thấy không ổn, lúc cô lại bị bỏ rơi. Quá sốt ruột, bố mẹ Thu thường không ngớt phàn nàn về sự muộn mằn của con gái, nhất là ngày Tết khi ai nấy đến chơi đều hỏi khi nào có rể.
“Bác đi mà hỏi nó ấy. Cái thằng về đây hồi tháng 6 trông khá thế mà rồi nó cũng chê. Cứ thế này thì không biết còn ngồi cồn đến bao giờ”, mẹ Thu vừa thở dài thườn thượt vừa lườm con gái. Bực mình, Thu sẵng giọng: “Thôi, Tết năm sau con chẳng về nữa, cho mẹ khỏi mất mặt”. Thế là bà mẹ quát: “Ý cô là đến năm sau vẫn không chịu lấy chồng phải không? Ối giời ơi…”. Với Thu, thế là mất Tết, cô chỉ muốn chóng đến ngày đi.
Tranh thủ đi du lịch
“Đọc báo thấy nói bây giờ có dịch vụ thuê người yêu giả về ‘trình’ các cụ cho đỡ mệt tai, mình cũng nghĩ hay là cũng làm như vậy cho xong vụ Tết này. Nhưng rồi lại nghĩ, tội gì phải khổ thế. Số tiền ấy, mình để đi du lịch nước ngoài mấy ngày Tết, vừa sướng thân vừa tránh mặt các cụ”, Bích Hường, 33 tuổi, làm marketing cho một doanh nghiệp ở Hà Nội, tâm sự.
Hường vốn thích du lịch, cô tham gia một diễn đàn du lịch trên mạng nhưng không có điều kiện đi nhiều. Tết này, cô đã hẹn với một số thành viên khác đi Thái Lan, tất cả đều độc thân, trẻ hơn cô có, nhiều tuổi hơn cũng có. Việc lên kế hoạch cho chuyến đi khiến Hường rất phấn khích, cô tin rằng mình sẽ có một cái Tết lý thú chứ không stress như những năm trước khi phải đối mặt với phụ huynh về chuyện “ế ẩm” của mình.
Đây cũng là cách mà Hải Anh (30 tuổi, sống ở Từ Liêm, Hà Nội) đã thực hiện trong Tết năm ngoái. “Chưa năm nào vui thế, suốt ngày đi tham quan, mua sắm, trong khi nếu ở nhà thì chỉ vục mặt vào đống bát đĩa, rồi lại cười trừ khi ai đó hỏi chuyện chồng con định thế nào”, Hải Anh nói. Trong chuyến đi đó, cô quen mấy bạn trai mới: “Chỉ là bạn bè thôi, nhưng thế cũng là vui rồi, còn tình yêu là duyên số, không phải cứ sốt ruột là được”.
Tuy nhiên, năm nay, Hải Anh không đi nước nào nữa mà về ăn Tết với bố mẹ. Cô cũng sẽ đi du lịch nhưng sẽ dời đến ra năm, đi vì thích đi chứ không phải để “trốn”. Hải Anh quyết định sẽ “đương đầu’ với những câu thăm hỏi của họ hàng, làng xóm về chuyện chồng con của mình. “Cứ hỏi thế thì không được tế nhị cho lắm, nhưng nếu stress thì chỉ có mình nhức đầu, thiệt thòi thôi. Giờ nếu bị hỏi, chắc tôi sẽ cười phớ lớ, nói mấy câu tếu táo cho vui. Tết là ngày đoàn tụ gia đình, trốn không phải là hay, vả lại năm mới mình phải vui lên thì duyên mới đến được”, Hải Anh nói.