Đau vùng xương chậu (đau dưới rốn ở bụng dưới phía trước bao gồm cả cơ quan sinh dục) có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, ví dụ như do vấn đề kinh nguyệt, viêm ruột thừa, bàng quang…
Một số nguyên nhân gây ra tình trạng đau vùng chậu có thể bao gồm:
Mục lục
1: Đau ruột thừa
Ruột thừa là phần ruột nối tiếp giữa ruột non và ruột già, phần ruột này thường mỏng, có kích thước dài khoảng 5 – 10cm. Không phải ai có ruột thừa cũng bị đau. Nếu vì một nguyên nhân nào đó khiến cho phần ruột này bị viêm nó sẽ gây đau đớn cho người bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, giới tính. Nếu phát hiện ruột thừa bị viêm cần phải đưa đi bệnh viện điều trị kịp thời, nếu không sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Viêm hoặc nhiễm trùng ruột thừa thường gây đau vùng xương chậu hoặc bụng bên phải mặt thấp hơn. Các triệu chứng kèm theo có thể bao gồm buồn nôn, nôn mửa và sốt.
2: Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích (còn gọi là viêm đại tràng co thắt), đây là một hội chứng mãn tính, người bệnh bệnh không có dấu hiệu bị tổn thương niêm mạc đại tràng khi thăm khám. Tuy nhiên, lại có rất nhiều triệu chứng về đường tiêu hóa.
Hội chứng này có thể có các triệu chứng như đau đớn trong vùng chậu và vùng bụng kèm theo đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy… IBS thường bị kích thích mạnh bởi yếu tố thần kinh. Vì vậy, chỉ cần người bệnh căng thẳng, lo lắng là các triệu chứng lại bùng lên.
Hội chứng ruột kích thích khiến người bệnh mệt mỏi, suy kiệt, mất ăn, mất ngủ, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống. Việc điều trị gặp nhiều khó khăn vì khó xác định nguyên nhân, người ta chủ yếu hạn chế sự phát triển của các triệu chứng bằng thuốc, kết hợp với thay đổi lối sống.
3: Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) thường xuất hiện trong những ngày trước khi kinh nguyệt xuất hiện. Hội chứng này phổ biến hơn ở những thiếu nữ đang tuổi dậy thì. Qua thời gian, hội chứng này sẽ có xu hướng ít ảnh hưởng hơn.
Hội chứng tiền kinh nguyệt khiến bạn cảm thấy khó chịu bên ngoài vùng xương chậu như đau lưng dưới, đau đầu và ngực. Ngoài ra, còn có rất nhiều biểu hiện khác như là
- Đau, tức ngực
- Rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy hay táo bón)
- Bụng căng chướng
- Chuột rút
- Hay nhức đầu, đau lưng
- Hay cáu giận, thay đổi cảm xúc đột ngột
- Mệt mỏi nhiều, mất ngủ
- Thèm ăn hoặc mất cảm giác ngon miệng…
- Suy giảm hứng thú tình dục
4: Bệnh viêm vùng chậu (PID)
Bệnh viêm vùng chậu (PID) là một bệnh viêm, nhiễm trùng ở các cơ quan nằm tại vùng xương chậu, bao gồm: tử cung, vòi trứng, buồng trứng và phần phụ.
Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh này là cơn đau vùng chậu. Cơn đau sẽ lan đến bụng, dịch âm đạo xuất hiện nhiều, đau khi giao hợp hoặc đi tiểu bất thường…Thậm chí, nhiều người còn không có triệu chứng. Do vậy, họ không biết bản thân đang bị bệnh. Nhiều cặp vợ chồng sau nhiều năm cố gắng thụ thai nhưng không có con mới đi khám thì vô tình phát hiện ra vợ bị viêm vùng chậu. Lúc này đa phần bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính nên khó chữa hơn. Vì vậy, viêm vùng chậu được coi là bệnh lí phụ khoa nguy hiểm hàng đầu, gây vô sinh ở nữ giới.
Xem thêm: Các phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm vùng chậu
5: U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là một khối u phát triển tại buồng trứng, bề ngoài nó trông giống như một chiếc túi, chiếc bọc, bên trong nang có chứa nước, máu hoặc các hỗn tạp khác.
U nang buồng trứng có hai loại là u cơ năng và u thực thể.
Thông thường, những u nang buồng trứng cơ năng là loại lành tính, kích thước nhỏ và có thể tự biến mất sau 2 – 3 kỳ kinh nguyệt không cần điều trị. Hầu hết những khối u này không thấy triệu chứng.
U thực thể là những khối u nang đã phát triển âm thầm qua nhiều năm. Chúng có thể là u lành hoặc mầm mống của ung thư. Nhưng chúng dễ gây biến chứng hơn. U to ra sẽ chèn ép các nội tạng khác và dễ gây biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng u nang buồng trứng thường gặp bao gồm đau vùng chậu mạnh (đau buồng trứng), kinh nguyệt không đều, áp lực vùng chậu hoặc đau sau khi giao hợp. Đau vùng chậu và đi tiểu đau có thể xảy ra khi các u nang đã phát triển lớn.
U nang buồng trứng thực thể được điều trị bằng mổ nội soi hoặc mổ hở. Tùy thuộc vào tính chất của khối u và nguyện vọng sinh sản của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp can thiệp phù hợp.
6: U xơ tử cung
U xơ tử cung là khối u phát triển trong thành tử cung (khối u lành tính hoặc tăng trưởng) và gây ra cơn đau vùng chậu (nhẹ, trung bình hoặc nặng)…U xơ tử cung gây ra các triệu chứng tương tự như u nang buồng trứng. Khối u này có thể điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp bằng phẫu thuật.
7: Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nếu bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn sẽ có các triệu chứng như đi tiểu đau, tiểu khó, thường xuyên muốn đi tiểu, áp lực vùng chậu kèm theo đau… Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể liên quan đến thận nên gây ra tình trạng đau bên sườn, sốt, buồn nôn…
8: Sỏi thận
Sỏi thận thường hình thành trong thận hoặc niệu quản (là ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang). Người bị bệnh sỏi thận sẽ có cảm giác đau vùng chậu vì những viên sỏi này kích thích niệu quản.
9: Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs)
Mặc dù các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) không thường xuyên gây ra đau vùng chậu nhưng nếu một người bị đau vùng chậu và mắc bệnh STD nào đó thì khả năng này cũng có thể xảy ra. Các bệnh STDs gây đau vùng chậu phổ biến nhất là Chlamydia và bệnh lậu.