Có vợ có chồng, ở cùng nhà, ăn cùng mâm nhưng việc chăm sóc, nuôi dạy con cái chỉ một tay người vợ. Vậy là bao tức bực mệt mỏi khi không ai đỡ đần, chia sẻ đều chút lên đầu lũ trẻ. Tại anh chồng vô trách nhiệm? Hay tại chị vợ quá đảm?
“Thuỷ, con là con hay là mẹ mẹ thế hả? Con vừa nói cái gì? Tại sao mẹ nói mà con lại nói như vậy? Chiều chuộng cho lắm vào để ngày càng láo”… Tiếng chị Hà sa sả mắng con ở phòng bên khiến bà mẹ chồng ở phòng bên vội chạy sang: “Con dạy cháu thì nhẹ tiếng đi một chút. Đang cáu giận thì đừng có kiểm tra bài vở của con mà rồi lại bực mình thêm”. “Bà kệ con, Con này nó láo lắm. Không dạy không được. Con nuôi con một mình nên phải thế”. Bà mẹ chồng như chết điếng người trước câu nói của con dâu…
Nuôi dạy con không chỉ là trách nhiệm của người vợ
Lấy chồng nhưng do không có điều kiện nên chị Hà dọn về ở chung với bố mẹ đẻ. Vốn là con út, được chiều chuộng từ bé nên mọi việc trong nhà đều một tay mẹ chị đảm trách. 2 vợ chồng trẻ chỉ việc ăn, đi làm rồi học hành. Đến khi sinh cháu, vì là “con đầu cháu sớm” lại út ít trong nhà nên mẹ chị nhanh chóng trở thành “vú nuôi”, một tay chăm chồng, chăm con, chăm cháu. Thành ra, không giống như các bà mẹ con mọn, chị Hà tha hồ tung tẩy, đến bạn bè cũng phải bảo: “Mày lạ thật, có con mà cứ như không”.
Chồng chị Hà, anh Hưng, cũng là út, lại ở nhà vợ nên càng được cưng chiều. Đi làm về là ngồi ôm máy tính, mọi việc trong nhà, từ kê dọn, sửa chữa nhà cửa đến chơi với con đều do một tay bố vợ đảm nhiệm. Đôi lúc, Hưng thấy mình như người thừa nhưng vì gánh trọng trách tập trung lo kinh tế cho gia đình nên dần cũng thấy thế là đương nhiên.
Rồi đến lúc 2 vợ chồng cũng ra ở riêng. Thời gian đầu, bà ngoại thương con gái, nhớ cháu ngoại qua thăm nom thường xuyên, ở lại cơm nước phục vụ nhưng dần dần bà cũng không thể bỏ ông mà đi mãi. Vậy là chị Hà một tay phải đảm nhiệm quán xuyến gia đình trong khi chồng vẫn không thay đổi nếp sống cũ, thậm chí còn tự do hơn hồi ở chung, khi con đi ngủ rồi bố mới đi làm về và đều đặn tuần dăm buổi đi qua đêm, không về nhà.
Khi mâu thuẫn với người giúp việc lên đến đỉnh điểm, nhà lại không rộng rãi gì, chị quyết định cho nghỉ thì cũng là lúc gánh nặng gia đình với 2 đứa con tuổi nghịch ngợm như đè nặng trên vai. Một tay chị tất tật lo toan từ việc chọn trường nào cho con đi học, đưa con đi học, đi khám bệnh, đi chơi, cho con ăn, dạy con học… Vậy là bao nhiêu bực dọc, chị chút hết vào con để rồi càng thấy mình bất lực khi thấy con cái khó bảo, bướng bỉnh. Nhiều người ái ngại khuyên chị: “Phải bảo chồng cùng gánh vai nuôi dạy con cái chứ? Cứ thế này thì lớn làm thế nào…” – “Ui dào, mong gì ông ấy! Đến vợ còn chả nhờ được việc gì nữa là dạy con”, chị than mà như khoe.
Cũng đúng thôi, một tay anh lo kinh tế, vất vả nơi thương trường, lo cho cuộc sống mẹ con chị đủ đầy tuy không nhà lầu nhưng cũng xe hơi, tiền tiêu rủng rẻng… hơn nữa lại có mẹ đẻ, có khó khăn gì, chỉ cần ới một tiếng là bà có mặt, cần sửa chữa, làm gì thì có bố, có anh…
Rồi nữa, chị cứ nhìn gương mẹ chị, cả đời chăm chồng, chăm con tận tuỵ đến mức khi chưa lấy chồng, nhiều lúc chị phải thốt: “Mẹ chiều bố quá thể”. Bố chồng chị thì vẫn tự hào là không biết mở cái chạn bát bao giờ. Nhưng giờ lấy chồng rồi, chị bỗng trở thành bản sao lúc nào không biết. Và nếu thấy ông chồng nào chăm vợ chăm con một chút là chị thấy “xốn mắt”, chê bà vợ là lười, là không đảm đang… bởi theo chị “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.