Ngày nay không chỉ riêng ở Hà Nội hay các thành phố lớn mà khắp mọi nơi nhiều cửa hàng một giá mọc lên, và để tạo sự tin tưởng cho người mua một số mặt hàng kém chất lượng dược trà trộn để trục lợi…
Treo biển “Hàng một giá” nhưng bán loạn giá
Chúng tôi bước vào “cửa hàng một giá 150.000 đồng” trên đường Tây Sơn (quận Đống Đa). Giật mình bởi khi đã chọn được món hàng ưng ý thì được nhân viên bán hàng phát mức giá 250.000 đồng. Nhân viên bán hàng này quanh co giải thích: “Hai dây quần áo treo giữa này đều có giá 150.000 đồng. Tất cả những dây khác không bán giá đó chị ơi!”.
Chị Lê Thanh Vân (Thanh Xuân) cho biết: “Tôi vào cửa hàng biển hiệu một giá 130.000 đồng trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) cũng gặp cảnh tương tự. Sản phẩm bên trong bán hàng chục, hàng trăm giá khác nhau, chỉ có một quầy toàn hàng xấu, lỗi mốt ở góc là một giá thôi nên tôi không mua”. Với tấm biển “một giá” thu hút đông khách ghé thăm nhưng nhiều cửa hàng “đồng giá” lại biến tướng làm loạn giá khiến người mua thất vọng về kiểu kinh doanh đang “hot” này.
Khảo sát thị trường Hà Nội, hàng một giá tập trung nhiều trên các tuyến đường Bà Triệu, Chùa Bộc, Tây Sơn, Cầu Giấy, Nguyễn Trãi… chủ yếu là các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, túi xách, hàng lưu niệm. Đa phần cửa hàng “một giá” nằm ở vị trí thuận lợi, lại trưng biển hiệu, băng rôn hoành tráng nên chỉ cần đi qua là có thể dễ dàng nhìn thấy. Mỗi hàng áp dụng một mức giá khác nhau từ 50.000 đồng, 70.000 đồng, 160.000 đồng, 239.000 đồng. Nhiều cửa hàng còn tạo ấn tượng riêng bằng cách treo biển “hàng một giá duy nhất 69.000 – 159.000 đồng”.
Tiện ích của hàng một giá là không phải mặc cả, giá hợp lý, chất lượng tạm ổn, mẫu mã đa dạng nên được số đông người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng lợi dụng vào những ưu thế đó để trà trộn hàng kém chất lượng, kinh doanh bát nháo.
Lập lờ đánh lận con đen
“Đặc biệt giảm giá chỉ còn một giá 150.000 đồng”, “đại hạ giá chỉ một giá duy nhất 160.000 đồng”, “xả kho thanh lý toàn bộ chỉ một giá 180.000 đồng” là băng rôn được trưng bày trước nhiều hàng quần áo thời trang. Qua khảo sát của chúng tôi, các cửa hàng trưng biển giảm giá “chỉ còn một giá duy nhất” chỉ là chiêu giảm giá “ảo” để câu khách.
Tại phố Chùa Bộc, hàng thời trang Olivor với tấm băng rôn “một giá duy nhất 160.000 đồng”, Maykhatoco “Xả kho thanh lý toàn bộ chỉ một giá 180.000 đồng” buổi tối đông nghịt người vào xem hàng. 21h ngày 7/3 chúng tôi có mặt tại phố Chùa Bộc, nơi tập trung nhiều hàng một giá thời vụ. Những cửa hàng này người ra, người vào khá tấp nập khác hẳn những hàng bán đúng giá niêm yết kề bên.
Khảo giá một số cửa hàng thì tất cả đều diễn ra tình trạng “hàng một giá” bán… nhiều giá. Tại cửa hàng Olivor “chỉ một giá 160.000 đồng” nhưng quần thô giá 255.000 đồng/chiếc, một áo khoác có giá 549.000 đồng, áo sơmi 165.000 đồng. Hàng Maykhatoco “một giá duy nhất 180.000” thì áo sơmi nam giá 90.000 đồng, áo khoác 250.000 đồng nam, áo khoác nữ 160.000 đồng…
Còn nữa, shop “Ngọc Mốt” phố Tây Sơn băng rôn ghi “khuyến mại chỉ một giá 150.000 đồng” nhưng khi vào mua ở đây giá cả cũng bất nhất. Không niêm yết giá trên sản phẩm mà khi khách hàng chọn, ưng ý mua chủ hàng mới phát giá khiến người mua nhầm tưởng hàng 1 giá.
“Cửa hàng một giá” dường như đang trở thành “mốt” khi xuất hiện khá rầm rộ khắp nơi và trở thành mục tiêu mua sắm của phần đông giới trẻ tại Hà Nội. Về nguyên tắc, sản phẩm trong các cửa hàng trên chỉ được bán một giá như giá đã niêm yết bên ngoài cửa hiệu. Thực tế, cũng đã có nhiều cửa hàng “một giá” tạo dựng được uy tín trên thị trường song cũng đã và đang xuất hiện ngày một nhiều những cửa hàng một giá “treo đầu dê, bán thịt chó”, biến một giá thành “chợ giá”, đánh lừa khách hàng. Vậy nên, người tiêu dùng hãy cẩn thận với những tấm biển “hàng một giá“!