Hàng năm dịp tết sắp đến thì trên khắp các con phố Sài Gòn bày bán các loại bánh kẹo, mứt, hạt dưa, hạt bí phục vụ thị trường tết. Điểm đáng chú ý ở đây là hầu hết các mặt hàng đều không có nhãn mác và chỉ bán cho khách mua theo cân.
Mứt ba không
Giống như mọi năm, thị trường bánh mứt kẹo vẫn là “sân chơi” của các mặt hàng nhập lậu có xuất xứ từ Trung Quốc là chủ yếu. Lý do chính mà hàng Việt bị lép vế ngay trên chính “sân nhà” vì hàng Trung Quốc có mẫu mã đẹp, rẻ nên được các chủ cửa hàng, đại lý nhỏ đem về buôn bán, dễ kiếm lời.
Điển hình là hạt hướng dương, giá từ 60.000-70.000 đồng/kg, hạt bí rang có giá 150.000 đồng/kg, mứt các loại từ 100.000 đồng trở lên. Bánh kẹo được cân có giá bán vô cùng phong phú, từ vài chục cho đến vài trăm ngàn đồng.
Nhìn chung, hầu hết các quầy hàng đều không niêm yết giá bán trên sản phẩm theo quy định mà cứ tùy thích phát giá, đôi khi chiết khấu lớn cho những khách hàng mua buôn bán hoặc mua với số lượng lớn.
Bên cạnh mặt hàng bánh kẹo, mặt hàng sấy khô như sen, mít, đậu, khoai lang được người bán quảng cáo là hàng nhập khẩu, tuy nhiên, những “hàng nhập khẩu” này đều có một điểm chung… không nhãn mác, khách hàng cần bao nhiêu thì người bán sẽ cân ký.
Nhóm PV đi dọc các khu chợ như: chợ Bàu Sen, chợ Lớn (Q.5), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh)… đều nhận thấy có một hiện trạng chung đáng lo ngại, các mặt hàng mứt các loại như: mứt nho, mứt khoai lang, mứt dừa, mứt dâu… đều được để tênh hênh, không che đậy. Khi được hỏi nguồn gốc, người bán chỉ cười trừ “hàng Việt Nam, ăn không chết ngay đâu mà sợ”. Tuy nhiên, theo một số thông tin từ các tiểu thương đến đây, đa phần những loại hàng trên đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng nói hàng Tàu sợ không ai mua nên phải nói hàng Mỹ, Thái Lan, thậm chí là hàng Việt (?).
Hãy là người tiêu dùng thông minh
Ngoài những thông tin về bánh kẹo không nhãn mác bày bán khắp nơi mà phóng viên ghi nhận được, hiện nay còn tồn tại những bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, bánh kẹo “tráo ruột”, sửa hạn sử dụng… được bày bán ngập khắp thị trường. Chính những điều ấy đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người Việt. Thay vì “sính” hàng ngoại để rước lấy nguy hại cho sức khỏe, người tiêu dùng nên bắt đầu hưởng ứng “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
Có thể dễ dàng nhận thấy, những năm trước đây, người mua hàng Viêt Nam luôn hướng đến những nhãn hàng nhập ngoại có xuất xứ từ Thái Lan, Malaysia, Pháp… thì bây giờ đã có sự chú ý hơn đối với hàng Việt. Các nhãn hàng như Kinh Đô, Bibica luôn là sự lựa chọn của nhiều gia đình người Việt.
Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, năm nay, các doanh nghiệp bánh kẹo Việt đã mạnh dạn đầu tư thêm dây chuyền sản xuất để tăng lượng hàng hóa. Đơn cử là Công ty Kinh Đô đã tung ra thị trường hơn 4.000 tấn bánh, Bibica dự kiến sẽ tung ra thị trường 1.300 tấn bánh kẹo, mứt các loại, tăng 10% so với năm ngoái.
Một đại diện của Bibica cho biết thêm, công ty đang đầu tư để đa dạng hóa các chủng loại, mẫu mã. Năm nay, các sản phẩm của công ty sẽ hướng đến tất cả các đối tượng người dùng khác nhau.
Cận Tết, không những các mặt hàng bánh kẹo, mứt, được bày bán khắp nơi trên thị trường, các sản phẩm dùng dể gói quà tết năm nay cũng được đa dạng hóa về mẫu mã cũng như màu sắc. Hiện, các mẫu giỏi quà và giấy gói quà được bán khắp các hệ thống siêu thị như Big C, Co.opmart… đa phần được đóng gói từ các sản phẩm nội địa với mức giá dao động 150.000 – 300.000 đồng/giỏ.