Trồng rau tại nhà ở các đô thị lớn đang là xu hướng khá phổ biến. Hiệu quả kinh tế đem lại có thể không cao song sản phẩm rau trồng mang lại tâm lí yên tâm. Để các sản phẩm rau trồng tại nhà thực sự an toàn, người trồng phải kiểm soát được độ sạch của hạt giống, đất trồng, môi trường chăm sóc… Riêng đối với các loại rau mầm đòi hỏi hạt giống tuyệt đối không được sử dụng chất bảo quản, bởi thời gian thu hoạch sản phẩm ngắn do đó dư lượng chất bảo quản chưa phân hủy hết gây mất an toàn cho người sử dụng.
Rau xanh chứa nhiều dinh dưỡng, các vitamin và chất xơ, được sử dụng nhiều trong chế biến các món ăn như các món xào, nấu canh, lẩu… trong bữa ăn của mọi gia đình người Việt. Chỉ cần khéo tận dụng khoảng không gian trống (có ánh nắng) trong ngôi nhà, như sân thượng, balcon, giếng trời, sân trước và sân sau là chúng ta đã có những vườn rau xanh xinh xắn. Ngoài góp phần mang lại những bữa cơm ngon, bổ dưỡng… Trồng rau xanh trong nhà còn là một hình thức lao động nhẹ nhàng, một phương pháp thư giãn thú vị giúp giảm stress hiệu quả đồng thời tạo khoảng xanh cho không gian ở.
Yếu tố ngoại cảnh khi phát triển vườn rau sạch
Việc trồng rau trong nhà cũng khá đơn giản, vì điều kiện trong nhà giúp rau xanh tránh được nhiều sâu bệnh, sương giá, cỏ dại, gió mạnh và nhiều sinh vật muốn dùng rau làm bữa ăn. Tuy nhiên bạn nên chú ý đến một số yếu tố ngoại cảnh sau:
Ánh sáng:
Lựa chọn vị trí thích hợp trong ngôi nhà của bạn, nơi có thật nhiều ánh nắng, càng nhiều càng tốt, ít nhất có khoảng 6-8 giờ được mặt trời chiếu sáng trực tiếp trong ngày, độ chiếu sáng cần thiết trên 400 lux. Bạn có thể chọn vườn rau là sân thượng, ban công hoặc một căn phòng có cửa phía đông hoặc phía tây thì thích hợp nhất. Nêu xoay các chậu rau 180º mỗi ngày để cây nhận được ánh sáng đầy đủ từ các hướng. Rau cải được biết là loài thảo mộc phát triễn nhanh chống dưới ánh nắng đầy đủ hoặc ánh đèn huỳnh quang, nó không giống như cây cảnh, nên phải chú ý đến chúng mỗi ngày.
Nước:
Rau cải nói chung điều có nhu cầu nước tưới trung bình, đất phải ẩm nhưng không được sũng nước, ngập úng. Khi dư nước, cây dễ bị bệnh thối rữa, vàng lá và có thể chết. Tưới nước 2 lần một ngày vào sáng sớm và chiều tối. Có thể tưới nước mưa, nước cất, nước lọc cho cây, nêu sử dụng nước sinh hoạt thì phải để bay hơi chất diệt khuẩn (clo, flo) trước khi tưới cho cây.
Đất trồng, nhiệt độ, độ ẩm:
Các loại đất trồng cây thông thường, giàu dinh dưỡng, tơi xốp thoáng khí, giữ ẩm tốt, thoát nước tốt. Nhiệt độ từ 25ºC-30ºC. Độ ẩm khoảng 60-70% Rh.
Kĩ thuật trồng rau sạch tại nhà
1. Kĩ thuật chọn giống
Khi bạn bắt đầu công việc chọn giống, có thể bạn sẽ nhận ra rằng các lựa chọn cho một vườn rau thực sự là vô tận. Có tới hàng ngàn các giống thực vật khác nhau, ngay cả cà chua thôi cũng có nhiều loại lắm rồi. Khi chọn giống, bạn hãy thật chú ý tới những mô tả, chỉ dẫn trong cửa hàng hoặc trên nhãn, bao bì. Mỗi loại khác nhau sẽ có sự khác biết nho nhỏ. Một số giống cây nhỏ thích hợp trồng trong khu vườn nhỏ hoặc trong chậu. Một số giống cây khác có khả năng kháng bệnh tốt, tăng năng suất, dễ dàng thích nghi với thời tiết và nhiều ưu điểm tốt sẽ rất phù hợp trồng trong khu vườn lớn.
Chỉ cần dành vài ba phút để nghĩ về loài rau củ yêu thích, bạn dễ dàng liệt kê ra một danh sách dài những cái tên hấp dẫn của chúng. Tuy nhiên, lời khuyên dành cho bạn là hãy thu hẹp sự lựa chọn lại trong khoảng 2 – 3 giống cây mỗi lần sẽ mang tới nhiều hứa hẹn hơn. Bằng cách này, nếu một giống cây không phát triển tốt, bạn sẽ có một loại khác để thay thế. Năm sau, bạn tiếp tục trồng những giống cây tốt và thử thêm cả những giống cây mới.
2. Ngâm ủ hạt giống trước khi gieo
Để giúp hạt giống rau đủ độ ẩm nẩy mầm thì rất cần công đoạn ngâm hạt trong thời gian 6-10 giờ sau đó đem ủ lại trong lớp khăn ướt trong thời gian 1-2 ngày, khi thấy hạt vừa nức vỏ thì mới bắt đầu trồng vào chậu đất. Vì thời tiết Việt Nam khá nóng do sự thay đổi của khí hậu, nên chỉ gieo hạt và tưới nước không đảm bảo ẩm độ cho sự nẩy mầm. Sự ngâm ủ hạt giống trước khi gieo sẽ đảm bảo tỷ lệ nẩy mầm tốt nhất. Hạt giống rau ăn lá như rau dền, rau cải các loại tương đối dễ nảy mầm nên có thể gieo trực tiếp vào thùng mà không cần ủ nước ấm trước.
3. Chọn đất trồng rau phù hợp
Đôi khi người trồng rau chỉ mua hạt giống và tận dụng đất sẵn có tại nhà để trồng rau.Thật ra đất đã sử dụng lâu ngày thường bị chai cứng, ít dưỡng chất cần thiết cho rau. Mặt khác rau là loài cây có bộ rễ ăn cạn trên lớp mặt từ 5-12 cm, nếu đất không giữ ẩm tốt thì rau rất khó phát triển, cây rau cũng sẽ lên nhưng hay bị còi cọc lá nhỏ dần.
4. Chăm sóc rau xanh hiệu quả
Khi hạt nảy mầm mỗi ngày tưới 1 lần vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Tốt nhất là tưới vào sáng sớm, Khi cây được 3 – 4 lá thì nhổ hết tất cả (đối với rau cải). Sau đó sang phẳng đất lại.
Chọn những cây to khỏe để trồng lại. Đối với rau ăn cây lớn thì trồng với khoảng cách 10 x 10cm. Đối với rau ăn non thì trồng theo hàng. Hàng cách hàng 10cm, cây cách cây 3 cm. Đối với rau dền, rau mồng tơi rau muống … cũng không có gì khó. Mật độ dày hay thưa là do chúng ta gieo nhiều hạt giống hay ít hạt giống và theo nhu cầu của người trồng thu hoạch cây con hay cây lớn. Nếu chúng ta thu hoạch cây con thì mật độ trồng sẽ dày hơn, nếu ta muốn để rau lớn hơn nữa thì sau khi trồng 7-10 ngày ta nên tỉa bớt cây con để khay rau có độ thông thoáng hơn, đối với rau dền, rau muống, mồng tơi chúng ta nên gieo thẳng hạt. Các loại rau thơm như: húng quế, tía tô, kinh giới… khi được 20-30 ngày tuổi có thể bấng trồng ra các chậu riêng (1-2 cây/chậu) cây sẽ nhanh lớn, bấm ngọn, bón thêm phân, tưới đủ ẩm để cây phân nhiều cành và thu hái ngọn, lá được lâu hơn (từ 6 tháng đến 1 năm)
Khuyến khích sử dụng các loại phân hữu cơ, phân NPK bón cho cây rau, không nên sử dụng phân hóa học, thuốc tăng trưởng vì chúng có thể gây ngộ độc cho trẻ em và làm ô nhiễm không gian sống của bạn. Thực hiện theo đúng chỉ dẫn trên bao bì, không nên bón nhiều phân bón hơn so với nhu cầu của cây, điều này có thể làm giảm năng suất cây trồng.
5. Tái sử dụng đất trồng
Về lý thuyết là đất trồng rau có thể sử dụng được nhiều lần, tuy nhiên do còn tồn dư một phần rễ rau sót lại sẽ là mầm bệnh tồn dư cho lứa trồng rau lần sau. Để có thể tái sử dụng lại đất sau khi thu hoạch nên nhặt hết lá rễ thừa còn phía dưới, xong đem trải mỏng phơi dưới ánh nắng mặt trời từ 4-5 ngày cho tiêu diệt mầm bệnh. Sau đó trộn thêm đất dinh dưỡng hay phân trùn quế với tỷ lệ 1:1 rồi đem trồng lại rau mới. Tuy vậy, bạn không nên tái sử dụng quá nhiều lần dễ phát sinh mầm bệnh ở các lần sau.
6. Lưu ý lượng nước tưới rau
Rau trồng tại nhà có nhu cầu nước rất cao, nếu mùa nắng gắt như hiện nay thì phải tưới 2 lần trong ngày, trường hợp rau còn nhỏ hay khi vừa mới trồng sang chậu thì cần che bớt ánh nắng gắt lúc giữa trưa giúp rau không bị héo lá.
Ngược lại khi mưa bão kéo dài, thời tiết trở lạnh đột ngột thì rau rất dễ nhiễm bệnh do nước mưa làm dập lá rau, hay nước dư thừa dẫn đến làm hư thối rễ rau. Nên có biện pháp che không cho nước mưa rơi trực tiếp xuống chậu rau, có thể phun thêm phân bón lá vitamin và vi lượng tăng đề kháng cho rau trồng.
7. Cách thu hoạch rau trồng
Đối với loại rau có thể thu hoạch nhiều lần như mồng tơi, rau muống thì sau 30-35 ngày sau khi gieo hạt thu hái phần ngọn non, tiếp tục bón phân, chăm sóc để thu hái các lứa tiếp theo 5-7 ngày sau đó. Khi cắt rau nên dùng dao hay kéo bén cắt rau không làm dập thân nhánh thì cây rau sẽ cho lại nhánh mới. Nếu trồng các loại cải nên nhổ cả cây tỉa thưa ăn dần, các cây cải còn lại sẽ nhanh lớn hơn do không bị canh tranh dinh dưỡng. Sau mỗi đợt nhổ hay cắt rau thu hoạch nên bổ sung phân vô cơ và hữu cơ ( phân trùn quế) để rau trồng mau mọc thêm nhánh lá mới.
Các loại rau thu hoạch 1 lần như: rau mùi (ngò rí), thì là: 40-45 ngày sau gieo có thể thu hái để sử dụng. Thu hết thì đem giá thể phơi khô, trộn thêm đất hoặc giá thể mới để trồng lại lứa khác.
8. Phương pháp trồng rau xanh
Hiện nay có rất nhiều phương pháp trồng rau sạch tại nhà, phổ biến nhất vẫn là trồng rau bằng dung dịch thủy canh và trồng rau thổ canh. Trồng rau thủy canh có hai loại chính: thủy canh tĩnh và thủy canh hồi lưu. Thủy canh tĩnh, nguyên liệu chính là mùn cưa, hộp xốp và dùng dung dịch thủy canh để tưới rau, bao ni lông đen để lót đáy hộp xốp. Phương pháp thủy canh tĩnh chi phí đầu tư phấp, có thể trồng rau xà lách, các loại rau gia vị chỉ với diện tích 1m2. Phương pháp trồng rau thủy canh hồi lưu chỉ sử dụng dung dịch dưỡng chất, giá thể và hạt giống.
Trồng rau thổ canh là trồng trong hộp xốp, không chỉ trồng được các loại rau ăn lá, mà còn trồng được các loại rau ăn quả như bầu, dưa gang, bí ngô, dưa chuột… Trồng rau trong hộp xốp cầu kỳ hơn trồng rau theo dạng thủy canh. Hộp xốp phải được đục lỗ cho thoát nước, đất trồng là đất vi sinh được ủ sẵn, hạt phải được ủ cho nảy mầm trước khi gieo, khi cây lên, tưới cây cũng phải nhẹ nhàng bằng bình xịt.
Những loại rau xanh có thể trồng trong nhà
Rau thơm: tía tô, kinh giới, thì là, húng quế, húng chó, ngò rí, rau răm…
Rau mầm: cải xanh, cải ngọt, cảnh bẹ xanh, cải thảo, cải củ, đậu xanh, rau muống, mồng tơi…
Rau củ: nghệ, gừng, riềng…
Dây leo: Bầu, bí, mướp, khổ qua, đậu Hà Lan…
Một số loại cây khác: chanh, ớt, cà chua, hành lá,…