Người tiêu dùng đang phải đối mặt với những vấn đề về an toàn thực phẩm đó là nỗi lo chung của xã hội khi việc lạm dụng các hóa chất vào các thực phẩm chế biến ăn uống hàng ngày.
Tẩy trắng hải sản, nội tạng bằng hóa chất
Để xử lý nội tạng và sản phẩm động vật, thủy hải sản… nhiều người buôn bán đã cố tình sử dụng những chất tẩy trắng công nghiệp, bất chấp hậu quả đối với người sử dụng.
Trên thị trường hiện có hai loại bò viên, một loại màu trắng và một loại có màu sậm đen. Loại màu trắng có giá rẻ hơn khoảng 20% so với loại màu sậm. Loại sậm màu giá phổ biến 190.000đ/kg trong khi loại trắng giá bán chỉ 160.000đ/kg. Một số chủ sạp thịt bò tại chợ Nguyễn Thông (Q.3) cho biết, giá rẻ là do bò viên trắng làm từ thịt bò nạm, còn viên sậm màu làm từ thịt đùi bò, giá cao hơn (?).
Tuy nhiên, theo anh H.V.Th., một người làm bò viên tại Q.8, thịt bò có màu đỏ tươi nên màu đúng của sản phẩm này là màu sậm, hơi đen. Muốn làm bò viên, cá viên, chả cá… phải chọn thịt bò mới giết thịt hay cá tươi, nhưng với “công nghệ” hiện nay thì ngay cả thịt ế, cá ươn cuối ngày cũng có thể làm ra những viên bò, viên cá đẹp mắt. Thịt được đưa vào máy ly tâm (một loại máy chuyên dụng để sản xuất giò chả, bò viên, cá viên), kèm theo là các loại bột phụ gia chống thối, chống nhớt, tạo độ dẻo, giòn, mịn. Sau đó thì chẳng còn phân biệt đâu là nguyên liệu tươi và cũ.
Riêng cách tạo màu trắng cho bò viên, nhiều cơ sở thường dùng một loại hóa chất tẩy trắng để giấu đi màu sắc đã xuống cấp của nguyên liệu, đồng thời có thể pha trộn thêm các loại bột vào để ăn gian chất lượng.
Không chỉ bò viên, ngay cả dồi trường, bao tử heo, lá sách bò, sò huyết… cũng bị nghi ngờ đã qua công đoạn tẩy trắng. Tại khu chợ ngã ba Phan Văn Trị – Thống Nhất, thường thì sau 15g mỗi ngày, luôn có bốn, năm quầy bán nội tạng động vật, nhiều nhất vẫn là heo. Lòng, dồi trường, bao tử… trắng tinh đầy ắp trong các mâm. Người bán cho rằng, màu trắng là do kỹ thuật luộc. Thế nhưng, tại đại lý cung cấp dồi trường Q.H. ở đường Thống Nhất (Q.Gò Vấp), chúng tôi tận mắt chứng kiến dồi trường sống đang được ngâm trong một chậu nước đỏ lừ, bốc mùi hăng hắc.
Chủ hàng nói thẳng: “Hàng ngâm này giao cho quán. Muốn dồi trường ngon, giòn thì mua loại chín, màu tự nhiên. Ở đây hàng màu gì là tui nói màu đó, không úp mở gì hết”. Theo một số chị bán hàng gần đó tiết lộ, bất kể dồi trường sống hay chín đều được ngâm chất tẩy trắng vì toàn bộ là hàng đông lạnh, hàng cũ.
Đối với hải sản, nhiều người chuộng sò huyết trắng vì cho là hàng tươi ngon nhưng dân trong nghề cho biết sò huyết vốn có vỏ đen sậm, muốn trắng phải qua chà rửa nhưng xả nước mạnh quá sẽ làm cho sò yếu đi và chết. Tại một điểm chuyên bán hải sản trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), cô chủ cam kết làm trắng sò huyết theo yêu cầu, nhưng nói thẳng: “Chỗ em chỉ xả rửa bằng nước nên không trắng bóc con sò được mà chỉ trắng một phần, sò trắng hoàn toàn coi chừng người ta ngâm chất tẩy trắng”.
Nguy cơ ung thư
ThS Trần Trọng Vũ – giảng viên Đại học Công nghệ Sài Gòn, cho biết: Có hai loại chất thường được sử dụng phổ biến để tẩy trắng là oxy già (H2O2, dạng dung dịch) và Natri bisulfit (NaHSO3, dạng bột trắng). Theo danh mục phụ gia cho phép sử dụng của Bộ Y tế (quyết định 3742/2001/QĐ-BYT) thì không có oxy già, nhưng thực tế nhiều cơ sở vẫn dùng oxy già để tẩy trắng thủy hải sản, trong đó có mực, sò huyết…
“Oxy già sau khi thực hiện chức năng tẩy trắng xong thì bị phân hủy thành nước và oxy, nên kiểm tra rất khó phát hiện được. Oxy già được xếp vào nhóm các chất không có khả năng gây ung thư cho con người nhưng ở nồng độ cao thì oxy già có thể gây tổn thương niêm mạc mắt và gây bỏng da”, ThS Vũ giải thích.
Cũng theo ThS Vũ, Natri bisulfit (NaHSO3) là chất oxy hóa khử mạnh, có tính sát trùng và tẩy màu. Nếu là loại được phép dùng trong thực phẩm thì phải là loại tinh khiết và phải sử dụng đúng liều lượng quy định. Chất này tẩy rất mạnh, chỉ với một lượng nhỏ là đủ để tẩy trắng, nhưng nếu dùng quá liều lượng quy định hoặc dùng loại dùng trong công nghiệp không đảm bảo độ tinh khiết, có lẫn tạp chất, kim loại nặng… thì có nguy cơ gây ung thư cho người ăn.
Nấm tươi không hạn sử dụng
Không khó khăn gì để tìm thấy các loại nấm tươi bày bán tràn lan ở các chợ lớn nhỏ, siêu thị tại Hà Nội. Khi PV, hỏi mua nấm kim châm của một tiểu thương tại chợ Xa La (Q.Hà Đông) thì được chào mời đon đả: “Chỉ 15.000đ/túi thôi, mới nhập về rất tươi, em cứ kiểm tra kỹ đi”.
Vừa nói, người bán vừa cầm túi nấm chỉ cho tôi cách phân biệt nấm kim châm tươi: Nấm màu trắng sáng, tươi tắn, rễ nấm khô, túi không có nước nhờn. Mặt ngoài túi nấm đề chữ “Enoki” kèm dòng chữ tiếng Anh với nội dung “sản phẩm từ Hàn Quốc”.
Không hề có bất cứ thông tin nào của đơn vị sản xuất hay phân phối, không có hạn sử dụng, chỉ hướng dẫn chung chung là bảo quản từ 1-5 độ. Tuy nhiên, người bán hàng tiết lộ, nấm này giữ tươi được lâu, bán không hết để sang ngày vẫn tươi, không cần bảo quản tủ lạnh.
Ngoài nấm kim châm, các loại nấm tươi khác, trừ nấm hương có túi hút chân không, còn các loại nấm sò, nấm tuyết… được bọc rất sơ sài trong túi nylon và không hề có nhãn mác cụ thể. Người bán còn tiết lộ thêm, chỉ có nấm kim châm là nấm Trung Quốc, nhập về từ các chợ đầu mối.
Qua khảo sát, trừ các siêu thị có hệ thống tủ bảo ôn thực phẩm, còn lại các chợ dân sinh nội thành Hà Nội đều bán các loại nấm tươi giữ nhiệt độ thường.
Ngoài ra, trên thị trường cũng tràn lan, phổ biến sản phẩm nấm kim châm hiệu Biovegi trong tình trạng không “date”, không bảo quản lạnh. Thậm chí, có những túi nấm đã thấm nước nhờn vàng nhạt, màu nấm ngả ố nhưng vẫn được bán với giá rẻ hơn, từ 10.000-12.000 đồng/túi. Đây là sản phẩm của Cty TNHH công nghệ xanh Hưng Phát được bán từ 13.000-14.000 đồng/túi.
Chất lượng thả nổi?
Tìm hiểu thông tin về sản phẩm nấm Biovegi, PV đã liên hệ theo số điện thoại của Cty Hưng Phát, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ Cty này. Một nhân viên nữ của Cty trả lời rất chung chung là đã phản hồi thông tin trên nhiều báo chí, nhưng nhất định không cung cấp nội dung phản hồi đó là gì và phản hồi cho báo nào.
Nhân viên này cũng từ chối cung cấp thông tin chính thức từ phía lãnh đạo Cty và… cúp máy. Chính thái độ này của Cty Hưng Phát càng khiến NTD nghi ngờ về chất lượng các sản phẩm nấm tươi do Hưng Phát sản xuất đang bán tràn lan trên thị trường.
Trước đó, vào cuối tháng 9, đoàn kiểm tra VSATTP liên ngành TP.Hà Nội đã phát hiện sản phẩm nấm kim châm Biovegi của Hưng Phát bán với số lượng lớn tại chợ đầu mối Văn Quán (Q.Hà Đông).
Tất cả sản phẩm đều không có bất cứ thông tin về hạn sử dụng, ngày sản xuất. Thay vì phải bảo quản lạnh, nấm được đựng trong các hộp carton xếp ngan ngát trên nền gạch giữa cái nóng 30 độ.
Bộ Y tế đã từng khuyến cáo, thực phẩm khi để quá hạn sẽ tồn tại nhiều vi khuẩn gây bệnh, gặp điều kiện thuận lợi sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe của người sử dụng.
Đặc biệt, các loại độc tố nấm mốc, độc tốc vi khuẩn có thể gây nguy cơ ngộ độc, thậm chí ung thư. Chị Đào Thị Thiện, chủ cơ sở sản xuất nấm tươi lâu năm tại xã Quảng Hội, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, các loại nấm tươi khi mang đi tiêu thụ chỉ để được ở nhiệt độ thường nhiều nhất từ 4-5 tiếng, sau đó phải bảo quản ngay ở nhiệt độ 1-5 độ trong các tủ bảo ôn.
“Nếu để quá lâu ở nhiệt độ thường, dưỡng chất của nấm tươi sẽ giảm rất nhanh, chưa kể tạo môi trường cho các loại vi khuẩn có hại phát triển, ảnh hưởng đến chất lượng VSATTP của nấm” – chị Thiện cho biết.