Các chuyên gia đã chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến lượng bò nguyên con nhập khẩu tăng trong thời gian gần đây, bán với giá khá cạnh tranh là do được ưu đãi thuế nhập khẩu vào thị trường nội địa.
Theo ghi nhận, giá bán lẻ thịt bò tươi của Úc tại các cửa hàng thực phẩm và siêu thị ở TPHCM là 244.000 đồng/kg sản phẩm nạc đùi (giá thị bò trong nước là 230.000 đồng/kg), 180.000 đồng/kg gầu (giá thịt bò trong nước ở mức 200.000 đồng/kg). Loại thịt bò thăn và philê của Úc có giá là 320.000 đồng/kg, trong khi giá thịt bò cùng loại trong nước được bán với giá hơn 280.000 đồng/kg.
Chị Trần Lê Châu, nhân viên văn phòng ở quận Tân Phú, TPHCM, cho biết, giá thịt bò Úc nhập ngoại không chênh lệch nhiều so với giá thị bò trong nước, chỉ dao động từ 10% đến 15%. “So với cách đây 2 năm, giá thịt bò nhập ở thị trường Việt Nam đã giảm mạnh và cạnh tranh tốt so với thịt bò trong nước”, chị Châu nhận xét. Chị thêm rằng giá thịt bò nhập ngoại cao hay thấp còn tùy vào độ tươi của thịt và hạn sử dụng.
Theo cam kết Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN – Australia (Úc) và New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực từ năm 2010, thuế nhập khẩu sản phẩm thịt bò từ Úc vào các quốc thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam qua sơ chế dao động từ 14% đến 30%, cao hơn rất nhiều so với thuế nhập khẩu bò sống nguyên con là 5%. Đó là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp nhập khẩu bò nguyên con về giết mổ để giảm bớt mức thuế phải nộp.
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung Tâm WTO TPHCM, cho biết không những các mặt hàng thịt nhập khẩu của Úc được hưởng mức thuế ưu đãi mà công nghệ, kỹ thuật cũng như kinh nghiệm quản lý trong chăn nuôi của họ tốt hơn Việt Nam nhiều.
Một chuyên viên của Chi Cục Hải quan TPHCM cho biết, thịt bò đã qua sơ chế có các mã chủ yếu được vận chuyển trực tiếp từ Úc hoặc New Zealand bằng đường hàng không do phụ thuộc vào một số điều kiện bảo quản. Các mặt hàng như bắp bò, thịt thăn bò, cẳng bò, nạm, nạc lưng bò… ướp lạnh được nhập khẩu về qua các sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất.
Đơn giá ở cửa khẩu của các mặt hàng này cao hơn từ mười đến hàng chục lần so với nguyên con bò nhập khẩu được khai có xuất xứ từ Úc kể trên. Ví dụ thăn bò Úc không xương ướp lạnh có giá nhập khẩu 9,25 đô la Mỹ/kg, bắp bò không xương ướp lạnh có giá nhập khẩu 7 đô la Mỹ/kg. Cá biệt, thịt qua sơ chế của bò giống Wagyu, được nhập khẩu về bán tại nhiều nhà hàng, khách sạn ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM với tên gọi bò Kobe có giá nhập khẩu lên đến 70 đô la Mỹ/kg, cao hơn từ 7-10 lần so với thịt bò bình thường.
“Nên sản phẩm của họ xuất sang Việt Nam có giá cạnh tranh là chuyện đương nhiên”, ông An nói. Ông thêm rằng ngành nông nghiệp trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn vì khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu được ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định đã ký kết.
Cũng theo AANZFTA, bò nguyên con nhập khẩu từ các nước ASEAN cũng có thuế suất tương tự 5%, nên nguồn bò Úc được nhập khẩu thông qua nhiều con đường khác nhau. Theo hải quan cửa khẩu một số tỉnh miền Trung, bò sống còn được nhập khẩu từ Úc về Thái Lan, sau đó được vận chuyển bằng đường bộ qua cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Bình, cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị để vào thị trường Việt Nam.
Trọng lượng phổ biến của bò thịt dao động từ 250kg đến 350 kg/con và cao hơn, từ 400kg đến nửa tấn/con. Doanh nghiệp thường khai đơn giá mỗi con bò trung bình 250 đô la Mỹ/con. Nếu thuế suất nhập khẩu đối với loại động vật sống theo AANZFTA là 5% thì cứ mỗi con bò nhập khẩu có đơn giá 250 đô la Mỹ/con sẽ chịu thuế 12,5 đô la Mỹ.
Theo Cơ quan Thú y vùng VI, trong 9 tháng đầu năm 2013, số lượng bò Úc nhập khẩu vào Việt Nam lên 32.500 con. Cơ quan này không có số liệu thống kê về lượng bò Úc nhập khẩu nguyên con trong năm 2012, vì số lượng không đáng kể.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, các doanh nghiệp bắt đầu tăng nhập bò nguyên con vào Việt Nam để thăm dò thị trường tiêu thụ trong nước và cùng để làm quen với các nhà cung cấp từ Úc nhằm tận dụng ưu đãi thuế của Hiệp định thương mại châu Á – Thái Bình Dương (TPP) nhiều khả năng có hiệu lực vào năm 2014.
Nếu chính thức là thành viên của TPP trong năm tới, thuế xuất khẩu thịt bò vào thị trường Việt Nam từ các quốc gia thành viên như Úc, Mỹ, Nhật và New Zealand sẽ ở mức 0%.
Theo ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thực tế không đợi đến khi TPP có hiệu lực, thời gian qua, thịt nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng mạnh.
“Những hiệp định thương mại song phương khác mà Việt Nam đã ký kết với đối tác trong thời gian qua đã có nhiều ưu đãi về thuế quan cho các quốc gia xuất khẩu nông sản vào Việt Nam. Cụ thể là các sản phẩm thịt nhập ngoại”, ông nói.