Nhiều cử chỉ, hành vi cho thấy một điều là con bạn đang dần trở thành người vô cảm. Nhưng thật đáng tiếc vì nhiều ông bố bà mẹ đã không hề phát hiện ra vấn đề đó. Nguyên nhân của việc này là do những biểu hiện đó quá nhỏ nhặt, quá bình thường.
“Em thấy con bé càng lớn càng vô tâm, chẳng thèm để ý các thành viên trong gia đình đang làm gì chị ạ. Mới hôm qua, lúc đi siêu thị về, em bảo con mang đồ vào phụ mẹ thì nó phụng phịu rồi chạy tọt vào nhà mở tivi”. Tâm sự của cô đồng nghiệp khơi nguồn cho hàng loạt chia sẻ của những bà mẹ trẻ đang đau đầu với cách ứng xử của con cái.
Thực tế cho thấy thái độ lạnh lùng, thờ ơ của trẻ chịu ảnh hưởng ít nhiều từ cách cư xử của người lớn. Gia đình chị Ngân giàu có lại chậm con, nên khi cu Bo chào đời được dòng họ chào đón như “ông trời con”. Ông bà nội đã về hưu, muốn gần cháu nên lúc cu cậu bốn tuổi, mọi người vẫn chưa cho đi nhà trẻ. Hễ Bo té là người lớn lại mắng té tát cô giúp việc. Thấy vậy, Bo hỏi mẹ: “Sao nội la cô Bê hoài vậy mẹ?”. Đang bận đi họp nên Ngân chỉ nói qua loa: “Ai làm cục cưng của mẹ buồn thì bị la thôi”. Nghe vậy, “ông chủ con” cười khoái chí và bày đủ trò phá phách, mặc cho cô Bê quần quật suốt ngày để dọn “bãi chiến trường”.
Đến bữa ăn, chỉ cần ai làm Bo phật ý là sẽ bị cậu la làng: “Giận mẹ luôn, giận ba luôn”. Khi Bo lên sáu tuổi thì chị Ngân cho con đến trường. Đi học mới một tuần mà ngày nào Ngân cũng nghe cô giáo phàn nàn. Hỏi ra mới biết, ở trường Bo chỉ thích ra lệnh cho người khác. Có hôm cả lớp đang an ủi bé Na vừa bị té thì Bo cau mày: “Nó chơi ngu ráng chịu!”.
Vợ chồng chị họ tôi làm nghề sửa xe. Mỗi khi chị nhờ đứa con gái học lớp 8 làm việc gì là ông chồng lại giành làm tất cả “để con có thời gian học”. Những lúc nhàn rỗi, hai vợ chồng lại thay nhau “kể tội” chuyện nhà cô Sáu dưới quê nghèo mà làm phách, chuyện con bác Tư chê chồng giàu lại đi lấy một ông giáo làng… Ngày nào cũng được nghe những câu chuyện như vậy nên trong suy nghĩ của cô con gái, dòng họ mình toàn những người kém cỏi. Có lần đến nhà anh chị thăm chơi, thấy chị hết nấu ăn lại chạy ra tiệm bán hàng, tôi liền nhắc nhở cô bé nên phụ giúp mẹ. Nào ngờ cô bé dửng dưng: “Hồi nào giờ mẹ vẫn làm một mình mà”.
Tiếp xúc với chuyên viên tư vấn, các bà mẹ trẻ trên đã nhận ra cách ứng xử của con trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn của môi trường xung quanh. Một người mẹ trẻ tâm sự: “Nhiều lần thấy con trai học lớp 5 cầm con mèo quay như chong chóng, tôi góp ý làm như vậy là không yêu thương động vật thì nó vùng vằng “mẹ nói nhiều quá” rồi bỏ vào phòng chơi game”. Khi chuyên viên tâm lý hỏi: “Trước đây vợ chồng chị có hành vi nào tương tự?”. Suy nghĩ hồi lâu, người mẹ ấy đáp: “Ờ… thì trước kia nhà chật nên mỗi khi đụng phải chó, tôi thường hất chúng qua một bên, thi thoảng phát hiện con mèo ăn vụng thì ông xã hay đuổi ra ngoài”. Chuyên viên tâm lý giải thích: “Hành động của bé xuất phát từ việc thấy ba mẹ mình đối xử với vật nuôi như vậy nên bé nghĩ những gì mình làm hôm nay là bình thường. Bé không quan tâm chuyện nhà chật nhà rộng mà chỉ biết hành động đó không đáng lên án (vì ba mẹ từng làm vậy). Có những hành vi cho thấy con bạn đang dần trở thành người vô cảm nhưng vì nó quá nhỏ nhặt, quá bình thường đến mức nhiều ông bố bà mẹ không hề phát hiện ra”.
Tôi chợt giật mình khi nghĩ về cu Bin nhà mình. Tôi còn nhớ có đêm con qua phòng định nhờ tôi giải thích một số điều gì đó nhưng công việc bận rộn nên tôi phớt lờ. Hay hôm nọ hai mẹ con đi ăn sáng, thấy một cụ già bán vé số ngồi trên xe lăn, cu Bin định xin tiền tôi để cho cụ nhưng bị tôi nạt: “sao con biết người đó tốt xấu mà cho tiền bừa bãi vậy?”. Phải chăng sự vô tình của tôi khiến con ngày càng nghèo nàn cảm xúc và đẩy bé đến gần hơn với sự vô cảm?