Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về việc hoán đổi ngày nghỉ hàng tuần và ngày nghỉ lễ, Tết năm 2012 đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Căn cứ vào lịch nghỉ bình thường, công chức được nghỉ Tết Nhâm Thìn từ ngày 21/1/2012 (thứ bảy) đến ngày 26/1 (thứ năm), rồi tiếp tục đi làm ngày 27/1 (thứ sáu), sau đó lại nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Thời gian nghỉ bị ngắt quãng, có một ngày đi làm xen kẽ các ngày nghỉ.
Vì vậy Bộ Lao động đề xuất với Thủ tướng hoán đổi ngày nghỉ hàng tháng vào dịp Tết âm lịch năm 2012 đối với cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, công chức, viên chức nghỉ liền từ 21 đến 29/1 (tức từ 28 tháng chạp đến mùng 7 Tết), nhưng phải đi làm ngày 4/2 (thứ bảy) để bù cho ngày 27/1.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị Thủ tướng ủy quyền cho Bộ thông báo cho các cơ quan hành chính sự nghiệp thực hiện lịch hoán đổi này. Còn các doanh nghiệp tùy thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.
Theo Bộ luật lao động, người lao động được nghỉ Tết âm lịch 4 ngày (từ 30 đến hết mùng 3 Tết). Từ 2 năm qua, Bộ Lao động đã hoán đổi lịch nghỉ nên công chức, viên chức thường được nghỉ dài hơn quy định.
Trước đó, tại buổi thảo luận về dự án Bộ luật lao động sửa đổi của Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị tăng thời gian nghỉ Tết nguyên đán thêm một ngày. Lý do là ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ 4 ngày, công chức lao động nói chung chủ yếu thăm hỏi, chứ chưa thực sự làm việc.
Tiếp thu ý kiến này, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã trình phương án tăng thời gian nghỉ Tết thêm một ngày, nâng số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm lên 10, thay vì 9 ngày như hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ chưa đồng ý vì cho rằng vấn đề này chưa được nghiên cứu kỹ.
Thảo luận tại hội trường tại kỳ họp vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng ý với phương án nâng thời gian nghỉ Tết lên 5 ngày bởi hiện ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam mới là 9 trong khi Trung Quốc nghỉ 11 ngày, Indonesia 13, Hàn Quốc 17, Campuchia 25 ngày.