Trước tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm liên tục bị phát hiện như hiện nay thì nguy cơ đối với sức khỏe xuất hiện ngay trên bàn ăn của mỗi gia đình là điều đáng lo ngại.
Thịt nhiễm vi sinh, dư tồn hóa chất, bơm nước
Theo thống kê tại Hà Nội có khoảng 3.000 cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ dạng “chọc tiết, cạo lông” dưới sàn nhà bẩn. “Các điểm giết mổ trên đa phần không nằm trong quy hoạch xây dựng của chính quyền các cấp. Khu vực giết mổ, đồ nghề, nước, chất thải, môi trường… đều không đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định”, ông Nguyễn Đình Đảng – Phó Chi cục Thú y Hà Nội cho hay.
Trên thực tế, Hà Nội từng có 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với dây chuyền hiện đại, nhưng hiện chỉ có 2 cơ sở đang hoạt động ở mức 10-20% công suất thiết kế. Như vậy, đa phần người dân Thủ đô đang tiêu thụ thịt từ các lò mổ thủ công không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Không chỉ tại Hà Nội, kết quả đánh giá các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại 31 tỉnh, thành trên cả nước của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản cũng cho thấy, gần 45% các cơ sở đánh giá lần đầu xếp loại C (không đạt tiêu chuẩn).
Đại diện Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ông Lê Bá Lịch chủ tịch còn cho biết thêm: Việc kiểm soát chất lượng thịt có dư chất kháng sinh, chất độc hại rất khó. Nguyên nhân là do nước ta gần như chưa sản xuất được các loại chất phụ gia, bổ sung trong thức ăn chăn nuôi, giúp gia súc, gia cầm tăng trọng nhanh. Các doanh nghiệp nhập khẩu lại không thông qua Hiệp hội nên cũng khó quản lý.
Chưa hết, mới đây, Chi cục Thú y Đà Nẵng đã lập biên bản cảnh cáo 3 trường hợp bơm nước vào bò trước khi mổ để thu lợi bất chính. Tại một số cơ sở giết mổ gia súc ở địa phương này, người giết mổ thường “cưỡng bức” bò uống nước để tăng trọng lượng thêm khoảng 20%, tương đương tăng lợi nhuận 2 – 3 triệu đồng/con bò.
Với hành vi này, người tiêu dùng không chỉ bị “móc túi” vì bị gian lận về trọng lượng mà nguồn nước không đảm bảo vệ sinh được bơm vào đường tiêu hóa có thể khiến thịt nhiễm vi sinh hoặc kim loại nặng. Những yếu tố này đều nguy hại đến sức khỏe của người sử dụng. Còn người tiêu dùng không thể biết, họ đang “rước bệnh vào thân”.
Rau đẫm hóa chất, gạo mốc vẫn trắng thơm
Nằm cách Hà Nội khoảng 10 km, xã Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội) là nơi cung ứng rau sạch với số lượng lớn cho nội thành Thủ đô. Tuy nhiên, trái hẳn với những tấm biển đề “Khu sản xuất rau an toàn”, “Mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng Gap”… , dọc các kênh mương người dân vẫn vứt đầy vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Khi có khách hàng hỏi mua, dù vừa phun thuốc trừ sâu cực độc, người trồng vẫn đồng ý bán và bảo chỉ 15 phút sau là có thể thu hoạch.
Ngay cả gạo tẻ, cơm trắng thực phẩm chính trong bữa ăn của người Việt, gần đây người tiêu dùng cũng “tá hỏa” trước thông tin gạo cũ mốc được tẩy trắng, thơm như gạo mới. Cơm chín nhanh và nở nhiều gấp 2 – 3 lần bình thường nhờ hóa chất.
Theo một người đã xay xát gạo nhiều năm, cách này mới được áp dụng, loại chất tẩy trắng không có tên, chỉ biết là của Trung Quốc. Nếu muốn gạo trắng tinh 100kg gạo trộn 1kg bột này vào, còn muốn trắng đục thì chỉ cần 500g là được.
“Nếu nhìn bằng mắt thường rất khó có thể nhận biết được đâu là gạo mới và đâu là gạo mốc vừa được “hóa phép”. Vì vậy, chỉ có thể phân biệt bằng cách ngửi thật kỹ, gạo đánh bóng lại có mùi thơm nồng, còn gạo mới mùi thơm thường dịu”, chị Thúy Ngân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay.
Không chỉ “hô biến” gạo cũ, mốc thành mới, gần đây tại Tp.HCM, các chủ quán cơm bụi còn “rỉ tai” nhau về một loại bột trắng giá rẻ giúp cơm chín nhanh và nở nhiều gấp 2 – 3 lần bình thường.
Cứ 3kg gạo cho một gói bột nở, nấu khoảng 5 phút bớt nước và rắc thêm một ít bột trên mặt là cơm sẽ thơm ngon và dẻo. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, loại bột giúp làm cơm chín nhanh và nở nhiều là loại hóa chất giúp giữ hơi nước trong hạt gạo cũng như tổng hợp các chất khí giúp hạt gạo nở to hơn bình thường, điều này có thể nguy hại đến sức khỏe người sử dụng.
Quả thực, với các “chiêu trò” này, người tiêu dùng thật khó có thể yên tâm với những thực phẩm hàng ngày vẫn được đưa vào cơ thể. Về phía cơ quan quản lý lẽ nào vẫn cứ khoanh tay để người dân “vừa ăn, vừa lo” như hiện nay?