Con chưa ra đời, chị chồng đã chuẩn bị sẵn một cái tên để Nghĩa đặt cho con, đến việc Thu sinh mổ hay sinh thường cũng đều do một tay chị chồng quyết định. Nhiều khi Thu tự hỏi, chị ấy không mệt khi vừa phải chăm lo gia đình mình, vừa phải can thiệp quá sâu vào chuyện nhà cô sao?
Hồi yêu nhau, Tú (Cầu Giấy, Hà Nội) thấy Thọ – người yêu mình rất thân thiết với chị chồng. Cô thấy cũng hơi lạ lạ nhưng nghĩ Thọ thân với chị ruột chứ có phải thân với em nào đâu nên cô cũng chẳng lăn tăn nữa.
Khi cưới xong, khi về ở chung một nhà, Tú mới thấy cái việc thân thiết quá mức của chồng với chị chồng trong khi cả 2 đều đã có gia đình riêng là cả một vấn đề khiến cô đau đầu nhức óc.
Chuyện của vợ chồng cô dù vui hay buồn, Thọ đều tâm sự với chị. Ngày nào 2 người cũng gọi điện thoại tâm sự với nhau đúng kiểu những đôi tình nhân thắm thiết.
Ai đời, 2 vợ chồng bàn nhau chuyện khi nào quyết định sinh con, Tú thì muốn sinh luôn vì cô cũng chẳng còn ít tuổi nữa, Thọ thì lại thích hưởng cảnh vợ chồng son thêm vài năm. Không thống nhất được, Thọ gọi ngay cho chị chồng… hỏi ý kiến. Đến nước này thì Tú hết chịu nổi, hét lên: “Thế cuối cùng là chị ấy sinh con hay em sinh con?”.
Rồi vợ chồng Tú cãi nhau to, chung quy cũng chỉ vì chị chồng. Thọ vùng vằng giận dỗi bỏ ra ngoài thuê nhà khác sống. Khi bình tĩnh lại, Tú cũng hối hận vì thấy mình nóng nảy và chưa khôn khéo. Cô liền nhắn tin tình cảm với chồng để chồng động lòng, còn nhắc tới cả “chuyện ấy”.
Những tin nhắn gửi đi chẳng có hồi âm, Tú buồn bực bã liền nhấc máy gọi cho Thọ. Nhưng đầu dây bên kia lại vang lên tiếng của chị chồng.
“Tú à, chị Thường đây. Chị lên thăm Thọ, nó ở một mình chị không yên tâm!”- chị gái Thọ liền mở lời trước.
Thấy Tú có vẻ như hơi choáng, chưa nói được gì, chị chồng lại tiếp tục: “Em ạ, đống tin nhắn của em gửi cho nó mấy ngày qua, nó đều đưa chị đọc hết rồi! Mọi việc của vợ chồng em chị đều nắm trong lòng bàn tay, dù lớn hay nhỏ Thọ đều tâm sự với chị.
Chuyện lần này 2 đứa cãi nhau nó cũng kể chị tường tận rồi. Em không có gì phải ghanh tị với tình cảm nó dành cho chị. Chị em chị từ xưa đã như vậy rồi. Bố mẹ đều ở quê, có 2 chị em trên thành phố thôi, ngày xưa chị chưa lấy chồng 2 chị em chị còn ở chung phòng với nhau, đồ đạc của nó từ cái quần lót đều một tay chị sắm. Chị đi lấy chồng rồi, nó vẫn tâm sự với anh chị, cuối tuần nào chị cũng lên quét dọn, nấu ăn cho nó.
Ngay cả việc nó lấy em cũng là chị tư vấn vì chị thấy em có vẻ hiền lành, ngoan ngoãn. Chị nói từ nãy tới giờ là để em hiểu, chị em chị đùm bọc nhau như vậy từ xưa rồi, không thể thay đổi được đâu em ạ! Em cảm thấy chấp nhận được thì tiếp tục, còn không chị cũng bảo nó để em đi…!”.
Tú nghe chị chồng nói một tràng mà sây sẩm mặt mày. Ban đầu là xấu hổ khi những lời tình tứ và chuyện tế nhị đã bị chị chồng đọc được. Nhưng càng nghe chị chồng nói, Tú càng thấy thất vọng và chán nản.
Thọ như một cây tầm gửi vì nếu không có chị gái thì không thể sống được. Nếu tiếp tục cuộc hôn nhân này, cô sẽ phải chấp nhận sự thật người mình cưới không phải là Thọ mà chính là… chị chồng!? Tình huống oái oăm khi người thứ 3 ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình chính là… chị chồng khiến Tú thực sự bế tắc, không thể tìm ra lối thoát.
Ngày còn con gái, Thu (Gia Lâm, Hà Nội) có khá nhiều vệ tinh vây quanh. Nhưng cô lại chọn Nghĩa – một chàng trai hiền lành, thật thà bởi cô cảm thấy yên tâm và bình yên khi ở bên anh.
Sau đám cưới ấm áp, 2 người chính thức trở thành vợ chồng. Nhưng về cùng một nhà, Thu choáng váng khi hễ có vấn đề gì là chồng lại: “Để anh gọi hỏi chị đã!”.
Thu muốn lắp tấm rèm mới, Nghĩa bảo: “Khoan đã, để anh hỏi chị xem mua màu gì, vì phòng này chị đi thuê cho anh mà!”. Bất kể chuyện gì, từ bé như con kiến đến to như cái cột đình, Nghĩa đều “tâu” với chị chồng để xin ý kiến.
Hai chị em đều đã có gia đình riêng mà suốt ngày ríu rít như chim non với nhau khiến Thu thành người thừa. Những ngày lễ, Nghĩa luôn có quà to quà nhỏ tặng chị chồng trong khi Thu chẳng được cái bông hoa héo nào.
Tết vừa rồi, Thu đang lên kế hoạch những thứ cần mua thì đã thấy Nghĩa le te gọi hỏi ý kiến “chị đại nhân”, vừa vâng dạ vừa nhanh tay ghi lại những thứ nên mua. Thu thấy thực sự ức chế trước việc làm này của chồng và chị chồng. Đến chuyện đối nội đối ngoại trong nhà cô chị cũng muốn xía mũi vào. Vậy cô là gì trong cái nhà này, là con rối à?
Trong lúc tức giận cô đã gọi điện cho chị chồng nói thẳng: “Em cảm ơn chị quan tâm đến vợ chồng em nhưng chị làm ơn đừng có can thiệp quá sâu vào gia đình em nữa!”.
Nghĩa khùng lên tát Thu vì cô dám xúc phạm chị anh. Lát sau, y như Thu dự đoán, chồng ôm ngay cái điện thoại tâm sự với chị chồng tình hình chiến sự ở nhà và nhờ quân sư cách giải quyết. Xong câu chuyện, Nghĩa mặt lạnh te ra bảo với Thu: “Chị bảo em thích về nhà ngoại thì cứ về”.
Thu chán nản cực độ, quyết định lần này làm đơn ly hôn. Nhưng về nhà ngoại chưa được nửa tháng, Thu lại phát hiện mình có thai. Nghĩ đến con, lại nghĩ Nghĩa chưa hẳn “hết thuốc chữa” nên cô chủ động quay về làm lành với chồng.
Nhưng Thu đâu thể ngờ được, sau đó lại là chuỗi ngày sống trong ngột ngạt và bức bách. Việc khám và siêu âm ở đâu, cụ thể lúc nào cũng đều do chị chồng chỉ định. Việc ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ, kể cả chuyện phòng the cũng liên tục được Nghĩa cập nhật từ chị chồng rồi bắt Thu áp dụng. Nếu Thu làm trái thì Nghĩa nổi giận, không thèm quan tâm đến cô nữa.
Con chưa ra đời, chị chồng đã chuẩn bị sẵn một cái tên để Nghĩa đặt cho con, đến việc Thu sinh mổ hay sinh thường cũng đều do một tay chị chồng quyết định. Nhiều khi Thu tự hỏi, chị ấy không mệt khi vừa phải chăm lo gia đình mình, vừa phải can thiệp quá sâu vào chuyện nhà cô sao?
Rồi bé con nhà cô chào đời. Thế là từ việc con bú mẹ, bú bình, ăn sữa gì, cho đến mấy tháng ăn dặm, ăn gì, sốt, mọc răng, tập ăn tập uống, tâm lý con trẻ…. đủ thứ trên đời mà chỉ có mẹ mới hiểu, chị chồng cũng đòi can thiệp tối đa.
Thu bị stress nặng. Cô ngao ngán tự hỏi không biết mình chịu được cảnh người thứ 3 xen vào gia đình mình là chị chồng thế này đến bao giờ nữa?