Quyết định mang thai là một trong những quyết định quan trọng trong cuộc đời của mỗi người mẹ. Mọi đôi vợ chồng đang mong muốn có con đều cần chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe và tinh thần để mang thai.
Bạn cần lưu ý 10 điều cơ bản dưới đây để lên kế hoạch mang thai và sinh con của mình.
1. Cần bao nhiêu thời gian để ngưng sử dụng thuốc tránh thai?
Cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc tránh thai có ảnh hưởng đến thai nhi nếu bạn có thai trong khi hoặc sau khi sử dụng thuốc tránh thai. Nhưng, bạn cần ngưng sử dụng thuốc tránh thai ít nhất là ba tháng trước khi thụ thai.
2. Nếu 2 vợ chồng bạn không sử dụng biện pháp tránh thai mà vẫn không có thai thì thời gian bao lâu là đáng lo ngại?
Nếu sau 12 tháng, hai vợ chồng sinh hoạt tình dục không dùng biện pháp tránh thai với tần suất 2-3 lần/tuần mà vẫn chưa có thai thì có thể bạn sẽ được chẩn đoán là hiếm muộn và vợ chồng bạn nên đến các phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán, tìm nguyên nhân và điều trị.

3. Thời gian nào là tốt nhất để thụ tinh? Làm sao để xác định được ngày rụng trứng?
Bạn sẽ có kinh nguyệt sau 14 ngày rụng trứng mà trứng không được thụ tinh. Ngày rụng trứng dự kiến được tính bằng cách lấy ngày kinh dự kiến trừ đi 14 ngày trở về trước. Vì vậy, thời gian để thụ thai tốt nhất là từ ngày 8 đến ngày 19 của chu kỳ kinh nguyệt.
4. Bạn cần chuẩn bị sức khỏe như thế nào để mang thai? Những cần tránh những thói quen nào?
Luyện tập thể dục đều đặn để rèn luyện sức khỏe và giúp tinh thần sản khoái, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh. Trước khi mang thai, bạn nên có một chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý. Hạn chế stress, loại bỏ căng thẳng, không uống rượu, bia, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.
5. Có nên bổ sung các loại vitamin và khoáng chất trước khi mang thai không?
Để dự phòng khuyết tật ống thần kinh cho trẻ, bạn nên uống acid folic trước khi mang thai khoảng 3 tháng. Nếu bạn đang bị thiếu máu, thì bạn cũng cần bổ sung thêm sắt vào thời gian này.
6. Bà mẹ có nên tiếp tục sử dụng thuốc điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ không?
Bạn cần trình bày và xin tư vấn của các bác sĩ điều trị để được chỉ định thuốc điều trị bệnh hợp lý trong thời gian mang thai.
7. Trước khi mang thai, cần tiêm những loại vaccin gì?
Vaccin rubella, sởi, thủy đậu, cúm, viêm não Nhật Bản, uốn ván, viêm gan B là những vaccin bạn nên tiêm trước khi mang thai.
8. Trước khi mang thai, bạn cần kiểm tra sức khỏe không?
Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai, xét nghiệm hóa sinh và công thức máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng, điện tâm đồ, xét nghiệm bệnh truyền nhiễm, xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm, khám phụ khoa là tất cả những gì bạn cần làm.
9. Bạn cần phải lưu ý về tiền sử bệnh lý của gia đình khi quyết định thụ thai?
Bạn cần gặp các bác sĩ di truyền khi vợ hay chồng hoặc trong hai gia đình đã có thành viên bị mắc một số dị tật di truyền như chậm phát triển tâm thần và trí tuệ, não úng thủy, thừa ngón (6 ngón) hoặc dính ngón, teo cơ, down, rối loạn thị lực, cao huyết áp, béo phì, dị ứng mãn tính, ung thư, trầm cảm… để tham khảo ý kiến và xin tư vần trước khi quyết định sinh con.
10. Cân nặng trong khoảng bao nhiêu là tốt cho việc mang thai? Và nên thay đổi cân nặng khi nào?
Suy dinh dưỡng hay thừa cân, béo phì đều không tốt cho phụ nữ khi mang thai. Khi BMI = Cân nặng / (chiều cao x chiều cao) < 18,5: thì bạn quá gầy. Còn khi BMI > 23 bạn đã bị thừa cân, béo phì. Vì vậy, trước khi mang thai 6 tháng trước là thời điểm để bà mẹ điều chỉnh cân nặng cho phù hợp để mang thai.