Giai đoạn 3 tháng cuối trong thai kỳ của bạn đang tiến lại gần, lúc này, bé khá hiếu động và luôn chân luôn tay đấm đá trong bụng mẹ và tử cung của mẹ ngày càng trở nên chật chội với bé.
Sự phát triển của thai nhi
Em bé của mẹ bây giờ đã nặng gần 1.1kg, chiều dài tính từ đỉnh đầu đến chóp gần 25 cm và từ đầu đến gót chân dài khoảng 38cm
Cơ và phổi của thai nhi đang tiếp tục hoàn thiện, tuy còn “non” nhưng với sự giúp sức của y tế, phổi của bé đã có thể hoạt động theo đúng chức năng của mình trong trường hợp bé đòi ra sớm hơn dự định.
Để có chỗ cho bộ não của bé phát triển, đầu của bé càng ngày càng lớn hơn. Bề mặt não thai nhi đã xuất hiện và phát triển không ngừng các nếp gấp. Một số chuyên gia cho rằng bé bắt đầu mơ mộng, ngủ mơ từ tuần thai thứ 28.
Bạn sẽ rất ngạc nhiên và thoáng chút lo lắng khi nghe thấy tiếng nấc của con. Nấc cụt là một trong những hiện tượng phổ biến trong tuần này và trong suốt thai kì. Bé thường bị nấc cụt là vì bé thở trong dung dịch nước ối chứ không phải là như chúng ta thở trong môi trường không khí. Người mẹ có thể cảm nhận những tiếng nấc cụt của thai rõ ràng với những nhịp khá rõ ràng.
Lúc này, bé đang hấp thụ rất nhiều canxi để phát triển hệ xương.Vì vậy, bạn hãy nhớ uống sữa, hoặc các thực phẩm chứa nhiều cãi như phô mai, sữa chua, nước cam bổ sung canxi trong giai đoạn này. Bạn nên bổ sung khoảng 250 mg canxi mỗi ngày để bộ xương của bé cứng cáp dần lên. Bạn cũng đừng quên bổ sung thêm protein, vitamin C, axit folic, và sắt để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng của bé.
Sự thay đổi của mẹ
Bé đang khá hiếu động, bạn có thể được các bác sĩ sản khoa yêu cầu dành một ít thời gian trong ngày để đếm các cú đá của bé. Bạn hãy thông báo với bác sĩ ngay khi nhận thấy con ngày càng trở nên ít hoạt động hơn.
Đây là giai đoạn cơ thể người mẹ đang “nở” ra nhanh nhất trong suốt quá trình mang thai. Tử cung lớn ra, gần chạm tới xương hông cũng có thể góp phần tạo nên bệnh trĩ, chuột rút và giãn tĩnh mạch . Ở vùng hậu môn, những mạch máu sưng lên và hiện tượng này thường biến mất trong vài tuần sau khi sinh. Tránh ngồi hoặc đứng lâu. Bạn nên ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, và tập thể dục thường xuyên để phòng tránh táo bón.
Bạn cần tiêm một mũi kháng D vào tuần này nếu mang nhóm máu RH(-) để chống lại sự không tương hợp giữa máu mẹ và máu con. Và bạn nhớ tiêm nhắc lại vào tuần thứ 36.
Trong giai đoạn này, bạn có thể bị chóng mặt nếu đứng lên quá nhanh. Bạn có thể nằm ngửa thay cho nằm nghiêng và cử động chậm khi đang nằm chuyển sang ngồi rồi đứng để tránh chóng mặt.
Thai phụ có thể lưu ý
Bạn có thể ăn ổi để bổ sung và tăng cường vitamin C cho cơ thể. Bạn nên thêm 1 trái ổi vào các khẩu phần rau quả hằng ngày vì vỏ ổi giàu vitamin C gấp 5 lần so với cam.
Khi cần di chuyển bằng máy bay, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sỹ.