Vào 1 đêm mưa gió, Hằng lén ôm con bỏ về Nam với bố mẹ – nơi sẽ không bao giờ từ chối cô, sau khi đã mang theo đủ các giấy tờ tùy thân cho mình và con. Hằng nhanh chóng xin việc để có thu nhập sau đó thông báo li dị với Ngôn.
Anh Bắc và chị Quế (Tây Hồ, Hà Nội) kết hôn đã hơn chục năm và có với nhau 2 mặt con. Nhìn bề ngoài gia đình chị có vẻ hạnh phúc với kinh tế khá giả, con cái ngoan ngoãn nhưng ít ai biết, khi chị sinh bé thứ 2 cũng là lúc anh Bắc lên chức, từ ấy anh bắt đầu nghiện… ngoại tình.
Vừa chăm 2 con, vừa chịu sự lạnh nhạt, hắt hủi của chồng, nhiều khi còn bị bồ của anh ngang nhiên gọi tới hống hách bắt chị nhường chồng, chị Quế không thể nhẫn nhịn hơn được nữa. Trước đây khó khăn, gian khổ thế nào chị cũng chẳng kêu than một lời, nhưng lòng người đã đổi, anh đã chẳng còn là anh của ngày xưa nữa.
Khi chị đưa lá đơn ly hôn ra thì anh nhất định không chịu kí. Phải rồi, anh sợ bố mẹ, anh em họ hàng đàm tiếu rằng anh ngoại tình bỏ vợ, anh sợ nhân viên, đồng nghiệp cười chê sau lưng, chứ anh đâu còn yêu thương gì chị và các con đâu.
Thấy vợ kiên quyết ly hôn, anh Bắc thủng thỉnh nói: “Ra tòa cũng được, nhưng tôi sẽ giành quyền nuôi một đứa!”. Chị bàng hoàng cả người. Chị không sợ con thiếu thốn tình cảm của cha vì vốn dĩ chúng đâu có được hưởng điều đó. Nhưng chị chẳng muốn xa đứa nào, nhất là con gái lớn không được ở với mẹ sẽ rất thiệt thòi. Hai chị em chúng quý nhau lắm, chị sao có thể nhẫn tâm chia rẽ tình cảm chị em đây?
Chị Quế thôi ý định ly hôn, tiếp tục cuộc sống không khác gì địa ngục khi anh ngang nhiên dẫn bồ về nhà. Anh Bắc biết, chị sẽ không dám ly hôn một khi anh còn đòi quyền nuôi con. Nhưng con giun xéo lắm cũng quằn, chị Quế quyết tâm ly hôn bởi nếu cứ tiếp tục thì sẽ không tốt cho con và chị cũng sẽ héo gầy héo mòn không còn sức chăm con mất.
Chị độc lập về kinh tế nhưng trên luật pháp anh ta là bố của con chị và có đầy đủ điều kiện để nuôi con nên tòa cũng không thể làm được gì khác. Vậy là con gái lớn 7 tuổi của chị ở với bố, chị được đón cháu về chơi vào cuối tuần.
Nhưng lần nào đến đón cháu chị cũng thấy con gái áo quần nhàu nhĩ, mặt lấm lem, khi thì hắt hơi sổ mũi, có lúc còn ho sốt mà chẳng được cho uống thuốc. Nhiều buổi chiều tối tan làm chị ghé qua muốn nhìn cháu một lát thì thấy cô nhân tình của chồng đang đánh mắng cháu, có khi thì chẳng thấy ai ở nhà, còn bé bị nhịn đói nhốt trong nhà. Cá biệt có hôm tối muộn cô giáo của cháu còn gọi chị vì không có ai tới đón cháu tan trường.
Chị Quế xót ruột lắm, nhiều lần đề nghị chồng cũ để chị đón bé về nhưng anh ta nhất định không cho. Chị thừa hiểu điều anh ta muốn không phải là con mà muốn nhìn thấy chị phải nếm mùi đau khổ, vật vã để trả thù cho hành động đòi ly hôn của chị.
May sao sau đó chị quen được một luật sư tốt bụng, nhờ sự giúp đỡ của chị ấy, chị Quế thu thập tất cả những bằng chứng về việc anh Bắc vô trách nhiệm, bỏ bê, thậm chí ngược đãi con gái thế nào để khởi kiện ra tòa. Cuối cùng chị đã giành lại được quyền nuôi con trong niềm hạnh phúc vô bờ, phá tan ý định trả thù của chồng.
Hằng là con gái phương Nam, yêu Ngôn rồi theo anh ra Hà Nội sinh sống. Khi về làm dâu, gia đình Ngôn đề nghị Hằng làm việc cho cửa hàng của gia đình anh, cơm ăn đã có bố mẹ anh nuôi, tiêu gì bố mẹ đưa tiền, khỏi phải lo lắng bon chen cho khổ. Hằng nghe thế cũng cho là phải.
Bình thường, ngoài làm việc ban ngày, tối về Hằng vẫn đảm đương tất cả công việc nội trợ trong nhà. Nhưng từ khi cô có bầu, ốm nghén liên miên cũng là lúc cả gia đình anh xúm vào lườm nguýt, xỉa xói cô vô dụng. Ngôn là con út trong nhà, nghe lời bố mẹ và anh chị nhất mực, cũng quay ngoắt 180 độ với vợ.
Một lần, vì Hằng cự nự lại mẹ chồng một câu, bà liền bù lu bù loa, gọi ngay con trai đến dạy vợ. Chẳng cần biết đầu cua tai nheo ra sao, Ngôn đã giáng cho Hằng một cái tát trời giáng, dù cô đang bụng mang dạ chửa. Từ lần đó, thi thoảng không vừa ý anh và mẹ anh lại hùa nhau dạy Hằng bằng cách thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.
Khi cô nằm ổ sinh con cũng là lúc Ngôn có bồ – một cô nàng bỏ chồng nhưng có của, là bạn làm ăn của gia đình và chính mẹ chồng là người “giới thiệu” cho anh. Bà bảo Hằng: “Mày vẫn là vợ của thằng Ngôn, cứ ở đây nuôi con, giúp việc, nhà này sẽ có trách nhiệm nuôi mẹ con mày. Cứ coi con Hương (tên cô cả kia) là… vợ hai của thằng Ngôn đi cho nhẹ lòng. Đàn ông ngày xưa còn 5 thê 7 thiếp cơ mà…”.
Hằng khóc cạn nước mắt. Ngày xưa bố mẹ can ngăn cô hết lời nhưng cô không nghe, quyết tâm theo Ngôn ra Bắc để ông bà phải suy sụp một thời gian dài. Giờ cô sao dám trở về nữa đây? Cô hiểu, mẹ chồng nói thế vì biết cô chẳng còn chỗ nào mà đi ở nơi lạ nước lạ cái, không ai thân thích này. Vậy là gần 1 năm trời sau đó, Hằng sống như kiếp chó chui gầm chạn, làm ô sin trong nhà.
Khi con cứng cáp hơn 1 chút, Hằng đề nghị ly hôn. Một phần do tức tối vì Hằng dám đòi ly hôn, một phần vì không muốn mất đi ô sin không công, cả gia đình Ngôn nhất định không chịu, bảo cô nếu muốn đi thì tự đi một mình, đừng hòng đòi được quyền nuôi con.
Từ một kẻ chẳng ỏ ê gì đến con, cứ về đến nhà Ngôn lại ôm con ra trước mặt Hằng như để đe dọa. Cả gia đình chồng cũng vậy, tất cả đều nắm được điểm yếu của cô là đứa con nên vin vào đó làm công cụ trả thù cho hành động cả gan đòi ly hôn của cô.
Con trai mới hơn 1 tuổi nhưng với hoàn cảnh hiện tại của Hằng, chắc chắn cô sẽ không tranh được với họ.
Lại gần 1 năm nữa qua đi, Hằng không những bị đày đọa về tinh thần mà còn luôn bị chồng đánh đập, bạo hành. Cô cam chịu tất cả chỉ vì không thể xa con nhưng cô cũng âm thầm chuẩn bị …
Vào 1 đêm mưa gió, Hằng lén ôm con bỏ về Nam với bố mẹ – nơi sẽ không bao giờ từ chối cô, sau khi đã mang theo đủ các giấy tờ tùy thân cho mình và con. Hằng nhanh chóng xin việc để có thu nhập sau đó thông báo li dị với Ngôn.
Ban đầu, nhà Ngôn cũng lồng lộn lên nhưng rồi chẳng làm gì được. Xa xôi như vậy, có đi đi lại lại để đôi co với cô cũng chỉ mua thêm phiền phức, với lại Hằng đã ở địa bàn của mình rồi, ai dám ức hiếp cô! Vậy là sau bao tủi nhục, Hằng đã thoát khỏi gia đình ấy và giữ con được bên mình!