Đó là tình trạng chưa đến ngày sinh nhưng người mẹ đã bị vỡ ối. Tại sao lại có hiện tượng vỡ ối non? Có cách nào để phòng tránh hiện tượng này?
Đang nằm ngủ, chị Nguyễn Thị Cẩm Tuyền, mang thai 32 tuần, ngụ tại phường 2, quận Bình Thạnh, TP. HCM, bỗng thấy nước chảy ra từ vùng kín. Nghĩ mình bị són tiểu, chị thay đồ rồi ngủ tiếp. Một lúc sau, quần lót chị lại ướt. Lo sợ thai bất ổn, chị vào bệnh viện khám.
Tại phòng khám khoa sản, Bệnh viện Đại học Y Dược, bác sĩ cho biết chị bị vỡ ối non, tử cung đã mở ba phân nên phải nhập viện để sinh.
Những nguyên nhân dẫn đến vỡ ối non
Túi ối là môi trường để thai nhi hấp thụ dinh dưỡng, giữ nhiệt độ cơ thể và bảo vệ bé trước các tác động từ bên ngoài. Đối với thai nhi bình thường, khi người mẹ chuyển dạ sinh, dưới áp lực co bóp của tử cung, màng ối tạo một túi ối có tác dụng nong cổ tử cung, giúp cho đầu thai nhi chúc xuống. Khi đầu thai nhi xuống thấp, màng ối sẽ vỡ tự nhiên hoặc là bác sĩ can thiệp bấm ối và tiến hành đỡ em bé ra. Nếu vì một nguyên nhân nào đó, túi ối bị vỡ trước khi thai được 37 tuần, hiện tượng này gọi là vỡ ối non.
Thạc sĩ – Bác sĩ Bùi Chí Thương, giảng viên Sản phụ khoa, trường Đại học Y Dược TP. HCM, cho biết: “Các nguyên nhân gây ra vỡ ối non như ngôi thai bất thường, khung chậu hẹp, nhau tiền đạo, đa thai, đa ối, hở eo tử cung, viêm màng ối do viêm nhiễm phụ khoa. Nhiều thai phụ xem nhẹ việc khám phụ khoa và chữa trị viêm nhiễm trong thai kỳ. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn di chuyển từ âm đạo lên tử cung, xâm nhập màng ối gây vỡ ối non. Chấn thương do khám phụ khoa hoặc quan hệ tình dục trong ba tháng cuối không đúng cách, cũng có thể gây vỡ ối non”.
Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu, người mẹ ăn uống thiếu dinh dưỡng và vitamin C cũng dẫn đến vỡ ối sớm. Vitamin C với bioflavanoid (vitamin P), kẽm có khả năng làm túi ối chắc hơn. Do đó, bạn cần chú ý ăn đủ chất trong thai kỳ.
Cần nhập viện càng sớm càng tốt
Thạc sĩ – Bác sĩ Bùi Chí Thương cho biết thêm, khi phát hiện có dấu hiệu vỡ ối, bạn nên nhập viện sớm. Nếu xử trí chậm, vi khuẩn từ ngoài có thể xâm nhập vào tử cung gây nguy cơ nhiễm trùng tử cung, vùng chậu. Thai nhi có thể gặp nguy hiểm do nhiễm trùng sơ sinh, hô hấp, màng não, tiêu hóa.
Nếu thai trên 34 tuần tuổi, bác sĩ sẽ chỉ định cho sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng. Nếu dưới 34 tuần tuổi, cổ tử cung chưa mở, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc chống nhiễm trùng và co bóp tử cung giúp bạn dưỡng thai, chờ thai trưởng thành. Trường hợp của chị Tuyền, do tử cung đã mở nên dù chưa đủ 34 tuần tuổi, bác sĩ vẫn yêu cầu chị nhập viện để sinh. Chị sinh một bé gái nặng 2,2 kg, khó thở và có dấu hiệu vàng da nên được chuyển đến phòng dưỡng nhi. Sau tám ngày chăm sóc đặc biệt, bé và mẹ đã về nhà khỏe mạnh.
Không phải trường hợp sinh con nào cũng có kết quả khả quan. Không ít bé gặp phải biến chứng nặng nề về trí tuệ và thể chất, nhất là sinh trước 31 tuần.
Để phòng tránh vỡ ối non và sinh non, bạn nên khám thai định kỳ và kiêng quan hệ trong những tháng cuối thai kỳ. Nếu phát hiện vỡ ối non, bạn cần xử trí theo các hướng dẫn dưới đây của chúng tôi:
Các biện pháp xử trí khi phát hiện vỡ ối
1. Khi phát hiện vùng kín tiết nhiều dịch không màu, bạn không chắc chắn điều gì đang xảy ra. Do đó, bạn có thể theo dõi thêm trong khoảng 30 – 60 phút. Nếu dùng toilet, bạn nhờ người thân vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng. Nên dùng khăn giấy trắng, mềm, dai, không mùi để lau vùng kín từ trước ra sau khi đi vệ sinh.
Nếu chất lỏng có màu vàng, mùi khai của nước tiểu, đó là do bạn són tiểu. Nếu bạn phải thay quần lót khoảng 2 – 3 lần mà thấy vùng kín vẫn tiếp tục rỉ dịch nhiều, không mùi khai, có màu trắng trong hoặc hồng nhạt, bạn nên đến bệnh viện ngay vì đây chính là dấu hiệu của rỉ ối.
2. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ lấy mẫu chất lỏng từ vùng kín của bạn và thử phản ứng trên giấy quỳ để kiểm tra độ pH của chất lỏng. Nếu là nước ối, giấy quỳ sẽ nhanh chóng chuyển màu, vì nước ối nhiều kiềm hơn các chất dịch âm đạo khác. Khi bác sĩ đã xác định vỡ ối, tử cung mở và chỉ định sinh, bạn chớ nên hoảng sợ. Bạn làm theo hướng dẫn của bác sĩ và cần ăn uống vì sắp bước vào cuộc chuyển dạ mất nhiều sức.
3. Tuyệt đối không để có sự tiếp xúc tay vào bộ phận sinh dục. Không cho bất cứ vật gì vào âm đạo để tránh nhiễm trùng. Bạn chỉ dùng băng vệ sinh cho sản phụ và thay sau mỗi vài giờ. Đây cũng là cách giúp bạn theo dõi lượng ối ra nhiều bao nhiêu để báo với bác sĩ.
4. Uống nhiều nước hơn để bù nước ối đã mất. Trong thời gian này, bạn cũng chú ý theo dõi thai máy có đều không. Nếu không, hãy gọi nhân viên y tá ngay.