Mắt là cơ quan thụ cảm vô cùng quan trọng của con người nhưng lại rất dễ bị tổn thương. Việc chăm sóc và bảo vệ đôi mắt của trẻ là việc cần làm của mỗi chúng ta.
Tỷ lệ bệnh nhân đến khám do chấn thương mắt các loại tại BV Mắt Trung ương là khoảng 20%, trong đó có nhiều em là học sinh. Điều đáng nói là về cơ cấu các loại chấn thương đã thay đổi rất nhiều so với thập niên trước. Hoạt động học tập, nếp sinh hoạt, học cụ, môi trường học đường, các loại đồ chơi… đã thay đổi rất nhiều. Chúng ta gần như không gặp chấn thương mắt do pháo, do súng cao su, do đánh khăng mà thay vào đó là chấn thương mắt do súng đồ chơi Trung Quốc, do chơi đùa bằng học cụ: bút chọc, keo 502… Trẻ em nông thôn hay gặp tai nạn khi chơi đùa ở nhà, trong khi đó các em học sinh thành phố tai nạn lại chủ yếu là ở lớp học hay khi tham gia giao thông.
Các tác nhân gây chấn thương mắt
Chấn thương mắt thường rất đa dạng, căn cứ vào tổn thương có thể chia thành một số nhóm chính: Chấn thương mắt do đụng dập – thường do vật tù gây ra: do cạnh bàn ghế, bóng; Chấn thương xuyên nhãn cầu – do vật sắc nhọn gây ra: bút chì, compa…; Chấn thương xuyên có dị vật nội nhãn – thường do hỏa khí gây nên: các vụ nổ, súng đồ chơi…; Bỏng mắt các loại – do nhiệt, hóa chất, tia xạ, bỏng axit, bỏng vôi…
Hoàn cảnh chấn thương cũng rất đa dạng
Tai nạn thường xảy ra trong trường học, khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, trong các lớp bán trú, khi sinh hoạt xã hội hay tại gia đình. Con mắt có thể tích rất nhỏ, khoảng 5-6cm3; có cấu trúc quang học, thần kinh rất tinh vi và liên quan chặt chẽ với nhau. Rất nhiều cấu trúc giải phẫu của mắt khi bị tổn hại không thể phục hồi hay sản sinh mới được, cũng không thể cấy ghép hay dùng bộ phận nhân tạo được. Chính vì vậy, chấn thương mắt thường gây ra những tổn hại không hồi phục, đi kèm với nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ giảm thị lực và mù lòa còn rất cao tuy đã có rất nhiều tiến bộ trong việc chẩn đoán và điều trị. Với trẻ em, vấn đề còn phức tạp hơn bởi tỷ lệ viêm nhiễm do chấn thương của các em sẽ cao hơn người già như viêm màng bồ đào, đáng sợ hơn là nhãn viêm giao cảm – bệnh gây hại cho mắt lành (mắt còn lại). Tương lai của các em còn dài, do vậy, công việc phục hồi thị lực hữu ích để các em có thể tự phục vụ sinh hoạt, lao động nuôi sống bản thân hay cống hiến cho xã hội sẽ đè nặng lên các thầy thuốc chúng tôi.
Cách xử trí đúng
Ngoài việc điều trị bằng thuốc hay mổ thì việc điều trị bổ sung bằng tập luyện mắt, dùng các phương pháp chỉnh quang – chỉnh thị, theo dõi lâu dài sẽ đòi hỏi sự phối hợp bền bỉ giữa bản thân các em, các bậc phụ huynh và thầy thuốc.
Khi các em gặp phải tai nạn. chúng ta nên khẩn trương tiến hành cấp cứu nhưng cũng không nên bấn loạn kẻo lợi bất cập hại. Nhân viên y tế và phụ huynh không nên hoảng sợ đè ép vào vết thương bằng khăn, bông, giấy ăn… hay cố gắng lấy vật gây chấn thương ra ngoài mà nên trấn an các em, dùng giảm đau, kháng sinh phổ rộng hay tiêm huyết thanh chống uốn ván rồi đưa các em đi cấp cứu.
Với chấn thương do va đập – chấn thương đụng giập, chúng ta nên chườm lạnh (nếu vết thương không chảy máu) hay băng mắt nếu vết thương có chảy máu và chuyển các cháu đi khám mắt.
Với các vết thương có thông thương giữa mắt và môi trường bên ngoài (vết thương xuyên): nên băng mắt bằng băng vô khuẩn, dùng kháng sinh liều đầu, giảm đau và chuyển các em khám cấp cứu tại các cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất.
Với bỏng mắt các loại: Nên rửa mắt ngay lần đầu bằng nước sạch sẵn có, giảm đau, không băng mắt và chuyển các em đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất.
Phòng và điều trị chấn thương mắt
Phòng tránh tai nạn thương tích cho các em cần có sự phối hợp của nhiều bên: nhà trường, phụ huynh, ngành y tế, nhà cung cấp thiết bị giáo dục hay đồ dùng học tập. Quan trọng hàng đầu vẫn là ý thức phòng chống tai nạn, tự bảo vệ của chính các em. Sự bất cẩn của cha mẹ, người lớn hay thầy cô giáo cũng có thể khiến tai nạn xảy ra. Các nhà cung cấp thiết bị học tập, đồ chơi cũng nên tuân theo những quy định bắt buộc về an toàn cho người sử dụng: đồ chơi phải an toàn cho mắt, dụng cụ học tập nên thay kim loại bằng plastic, vật sắc nhọn bằng vật tù, có nắp bảo vệ…
Kinh nghiệm cho thấy, khi cha mẹ bất cẩn thì tai nạn thường xảy ra với con em họ. Nhắc nhở bảo ban con em mình thường xuyên để các em tự bảo vệ bản thân là việc đầu tiên nên làm. Nếu bắt buộc phải làm việc hay thao tác với các vật dụng có khả năng gây hại cho mắt thì ý thức của các em phải rất nghiêm túc. Đùa nghịch – chơi ném nhau bằng bút, compa, nghịch ngợm trong phòng thực tập hóa học… chơi đùa quá khích trong giờ thể dục hay hoạt động ngoại khóa là nguyên nhân gây rất nhiều tai nạn đáng tiếc. Dùng kính đi đường hay kính bảo hộ trong một vài hoàn cảnh cũng sẽ giúp ta tránh được nhiều tai nạn cho mắt.