Nếu bạn đang lập kế hoạch chào đón một baby sau tuổi 35, xin chúc mừng! Chỉ cần bạn ghi nhớ những điều đáng cân nhắc sau đây.
1. Việc thụ thai có thể mất nhiều thời gian
Không công bằng nhưng đây là sự thật: Khả năng sinh sản của phụ nữ thấp đi một chút ở đầu lứa tuổi 30, và sau tuổi 35, nó thấp hẳn xuống. Phụ nữ 30 tuổi có 20% cơ hội mang thai mỗi chu kỳ, nhưng lúc cô ấy bước vào tuổi 40, lợi thế mất đi 5% trên mỗi chu kỳ, Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ cho biết.
Nếu bạn đã sẵn sàng để có thai trong khoảng sáu tháng nhưng vẫn chưa gặp may, nên nhờ một chuyên gia về sinh sản kiểm tra, vì người này có khả năng chẩn đoán những rào cản bất lợi, Alyssa Dweck, bác sĩ sản phụ khoa kiêm đồng tác giả cuốn V Is for Vagina, tư vấn. Nhiều yếu tố gây khó khăn cho việc thụ thai của các bà mẹ lớn tuổi có thể được điều trị kịp thời, như bệnh u xơ tử cung ở phụ nữ hay kinh nguyệt không đều.
2. Các khuyết tật về gien phổ biến hơn
Vẻ ngoài của bạn chắc chắn trông trẻ trung và khỏe mạnh, nhưng ở cuối tuổi 30, trứng của bạn đã thuộc loại thâm niên, và chúng không phân chia tốt trong lúc thụ thai. Theo nhiều chuyên gia, điều đó gia tăng tỷ lệ xuất hiện một phôi thai có vấn đề về nhiễm sắc thể, do đó có thể dẫn đến sẩy thai hoặc sinh con khuyết tật.
Đến gặp bác sĩ sản khoa để làm xét nghiệm máu lúc thai 10 tuần tuổi và sau đó là siêu âm lần đầu ở tuần thứ 12 (cùng với siêu âm xương toàn diện ở tuần thứ 20) có thể giúp nhận ra phần lớn các bất thường về di truyền và cho bạn biết em bé có đang phát triển thích hợp hay không.

3. Bạn có nguy cơ gặp các vấn đề nguy hiểm khi mang thai cao hơn
Bệnh tiểu đường và huyết áp cao chỉ là hai trong trong số những vấn đề y khoa có khả năng tấn công các bà mẹ mang thai trên 35 tuổi. Nếu không được chữa trị, chúng có thể gây ra những trở ngại bất ngờ nghiêm trọng về sức khỏe cho họ hoặc em bé.
Hãy đảm bảo rằng bác sĩ biết rõ mọi tiền sử bệnh của gia đình trong những trường hợp này hoặc các bệnh mãn tính khác của bạn; thời điểm đúng để thông báo cho bác sĩ là trong lần kiểm tra trước lúc thụ thai, khi bác sĩ sản phụ khoa đánh giá về sức khỏe trước khi bạn bắt đầu mang thai để phát hiện những trở ngại tiềm tàng.
Ngoài ra, bạn cần thực hiện nghiêm chỉnh các cuộc hẹn kiểm tra đã lên lịch trước ngày sinh, để nếu một trong những trở ngại này xuất hiện, bác sĩ có thể nắm bắt sớm và giám sát bạn một cách chặt chẽ.
4. Bạn có thể sinh nở khó khăn hơn
Nhiều biến chứng có thể xuất hiện trong khoảng thời gian sắp sinh, chẳng hạn như nhau tiền đạo (khi nhau thai chặn cổ tử cung), phổ biến hơn ở các bà mẹ lớn tuổi. Phụ nữ trên 35 tuổi cũng có nhiều khả năng đau đẻ kéo dài hơn 20 giờ và chảy máu quá mức trong quá trình sinh con, và sau cùng họ cần một thời gian phục hồi sau khi sinh mổ nhiều hơn so với các bà mẹ trẻ tuổi. Có thể bạn cần nói chuyện với một chuyên gia trợ giúp sinh đẻ để biết cách chuẩn bị về mặt cảm xúc cho một sự kiện trọng đại như vậy trước ngày sinh.
5. Nhiều khả năng sinh đôi và sinh ba hơn
Khả năng mang thai đôi, thai ba tăng lên ở cuối tuổi 30, ngay cả khi bạn không sử dụng phương pháp điều trị khả năng sinh sản, theo một báo cáo của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ năm 2012.
Nhược điểm của việc sinh đôi, sinh ba là gì? Khi một phụ nữ mang thai càng nhiều em bé, cô ấy càng có nguy cơ sinh non và các trẻ thiếu cân nặng ra đời dễ gặp những vấn đề về sức khỏe kéo dài.