Kinh tế thị trường đã tác động, làm thay đồi sâu sắc đời sống xã hội. Một trong những tác động đó là trẻ em đã tiếp cận với đồng tiền từ rất sớm. Trong bối cảnh đó, vấn đề cần dạy trẻ cách quản lý tiền vào thời điểm nào và dạy bằng cách nào đã được đặt ra.
Phụ huynh cần chủ động hơn
Qua tìm hiểu 12 bậc phụ huynh có con trong độ tuổi từ 5 – 15 tuổi về việc có cần thiết phải dạy trẻ cách quản lý chi tiêu không, chúng tôi đều nhận được câu hỏi ngược lại: Vậy trẻ có cần tiêu tiền không khi mà mọi sinh hoạt, mọi thứ trẻ muốn đều được cha mẹ đáp ứng và chúng đang phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ? 100% số người được hỏi đều cho rằng, không nên cho trẻ biết cách tiêu tiền sớm, nên bắt đầu dạy trẻ lúc trẻ 10 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong xã hội hiện nay, ngay từ nhỏ, trẻ đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với tiền như: được người lớn cho tiền mừng tuổi, người lớn cho tiền trong những dịp đặc biệt như sinh nhật, thưởng khi đạt thành tích trong học tập… Thậm chí, nhiều người lớn có thói quen cho trẻ tiền khi đến nhà chơi.
Với trẻ ngoan, khi chưa biết tiêu gì, chúng sẽ gửi bố mẹ. Với những đứa trẻ láu cá, chúng giấu tiền đi để mua những thứ mà chúng yêu thích, không có sự quản lý của cha mẹ. Vì vậy, để trẻ không bỡ ngỡ, không sử dụng sai mục đích với những số tiền chúng có (dù ít ỏi), cha mẹ nên chủ động dạy trẻ cách quản lý tiền, tiêu tiền khi cần thiết.
Giúp trẻ nhận thức đúng
Anh Lưu Đức Tùng (số 543 đường Giải Phóng, Hà Nội) có hai con 11 tuổi và 8 tuổi chia sẻ: “Con gái nhỏ của mình có tính nhõng nhẽo, hay vòi vĩnh bố mẹ mua cho cái này cái kia. Mỗi lần vào siêu thị, cháu đòi mua búp bê, đồ chơi, bim bim, giấy dán… nhưng đến khi về cháu chẳng ăn đến, cũng chẳng dùng đến, vứt lung tung ra nhà. Một lần, mẹ cháu nghĩ ra cách cho cháu 50.000đ rồi bảo cháu thích mua gì tự mua, tự trả tiền. Với số tiền đó, cháu đã phải đắn đo rất nhiều. Nhìn cháu lấy ra bỏ vào những thứ cháu thích, tôi hiểu, cháu đã có trách nhiệm với đồng tiền cháu có trong tay và thôi tính vòi vĩnh”.
Chị Nguyễn Hồng Minh (185 phố Xã Đàn, Hà Nội) kể: “Cùng hai con gái nhưng cháu lớn 14 tuổi mỗi khi được cho tiền, cháu thường gửi mẹ còn cháu nhỏ, có được 1 triệu tiền ông bà cho nhân dịp sinh nhật, cháu cất vào ví, thỉnh thoảng đem ra cho mẹ vay. Cái ví cất tiền để lung tung nhưng tờ giấy “ghi nợ” với mẹ thì con bé cất rất cẩn thận. Mọi năm, cháu không bao giờ dùng lại sách giáo khoa cũ của chị, nhưng năm học này, cháu bảo mẹ không cần mua sách mới nữa để tiền mua sách tiết kiệm. Như vậy là cháu có ý thức hơn về đồng tiền”.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, giảng viên trường Quản trị cuộc đời LIMA, TPHCM, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể dạy trẻ quản lý chi tiêu ngay từ khi chúng bắt đầu học lớp 1. Giúp trẻ nhận biết việc sử dụng tiền ngay từ khi chúng bắt đầu có nhận thức về đồng tiền sẽ giúp trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền, giá trị của đồ dùng mà chúng đang sử dụng, phải có tiền thì chúng mới mua được đồ dùng đó.
Hơn nữa, trẻ phải biết được giá trị của lao động. Đồng tiền chúng có được là do bố mẹ làm việc mà có. Việc cho trẻ quyền quản lý chi tiêu sẽ giúp chúng chủ động và có trách nhiệm với số tiền mà chúng có được vì con người ai cũng vậy, khi tiêu tiền của người khác thì luôn tiêu một cách thoải mái nhưng với đồng tiền của mình thì luôn luôn thận trọng, dè dặt.