Đi đâu ai cũng nói vợ chồng bằng tuổi nằm duỗi mà ăn. Không biết nhà khác ra sao chứ nhà mình chẳng thấy nằm duỗi mà ăn gì. Mình toàn chạy mới có ăn. Biết làm sao được, vì cùng tuổi nên chồng luôn “non” hơn vợ. Có lẽ thế nên vợ chồng cứ cãi cọ suốt. Đôi lúc buồn muốn khóc mà chẳng dám nói với ai.
Nói đến chuyện vợ chồng bằng tuổi, Quyên (Hoàn Kiếm, HN) không khỏi chán ngán.
Trước đây khi còn yêu Tuấn – chồng Quyên bây giờ, cô bị bố mẹ phản đối khá mạnh. Ngày ấy, bố mẹ Quyên lo ngại vợ chồng bằng tuổi con gái họ sẽ vất vả. Thế nhưng, gạt bỏ lời khuyên can, Quyên vẫn quyết yêu và lấy người cùng sinh năm 84 (Giáp Tý).
Yêu nhau hơn 2 năm mới cưới nhưng khi lấy về, Quyên mới thấy điều bố mẹ cô lo ngại không sai. Vì bằng tuổi nên vợ chồng Quyên không ai nhường ai. Hai vợ chồng suốt ngày nói chuyện ngang cơ, thích nói gì thì nói và không phải ngôi thứ nhiều. Nhưng cũng vì vậy mà vợ chồng Quyên chuyện nhỏ nhặt cũng thành chuyện lớn, vợ chồng cãi cọ suốt ngày.
Chồng Quyên đang làm trong một công ty nhà nước. Dù lương lậu chẳng đủ tiền mua sữa cho con, nhưng anh vẫn an phận làm ở đó. Đã thế, cứ đi làm về đến nhà, chồng Quyên cũng chẳng đỡ đần vợ việc gì. Đến giờ cơm, Quyên còn phải cơm bưng nước rót. Nói chung Quyên đã chán cực độ: “Không nghĩ thì thôi, nghĩ đến là thấy ngán tận cổ, muốn giải tán lắm rồi”.
Đã thế, chồng chưa chín chắn hoặc chín chắn không bằng vợ nên anh xã Quyên chẳng bao giờ lo lắng đến con cái và việc nhà. Nhà có con gái nhỏ nhưng đều do một tay Quyên lo toan, chăm sóc.
Chính vì không phụ giúp vợ làm việc gì nên chồng Quyên rất nhàn rỗi. Cứ được vợ phục vụ cơm tối xong là anh lại qua nhà hàng xóm uống trà để tám chuyện với mấy người đàn ông cùng xóm. Mọi việc ở nhà do Quyên tự lo vừa dọn dẹp, giặt giũ vừa chơi với con…
Con ốm đau, con sốt, con ho… đều một tay Quyên chăm từ A-Z. Bởi vì những lúc ấy, lịch sinh hoạt của chồng Quyên vẫn không thay đổi. Cứ tối đến là anh đi chơi tận 10h đêm mới về. Về nhà là anh lại chơi game online với hàng xóm đến 12 giờ mới đi ngủ.
Vì thế, cuộc sống của Quyên lúc nào cũng một mình trầm buồn. Hầu như vợ chồng cô chỉ nói với nhau vài câu như xã giao bình thường. Tối đến, Quyên ngủ với con còn chồng cô ngủ riêng với lý do “Ngủ chung với con khó ngủ”.
Nhiều lần, Quyên góp ý với chồng thay vì đi chơi buổi tối nên đi làm thêm để có thêm thu nhập. Sắp tới những ngày nắng nóng rồi, Quyên muốn đổi cái tủ lạnh to hơn để dùng. Thế nhưng ông xã Quyên chẳng chịu đi làm thêm vì: “Trước giờ, nhà mình dùng cái tủ lạnh bé này có thấy sao đâu”.
Nhiều lúc, nhìn bạn bè lấy chồng lớn tuổi có kinh tế vững vàng và chững trạc hơn mà Quyên không khỏi tủi thân. Thậm chí, có lúc vất vả quá, Quyên còn nghĩ, nếu thời gian quay ngược lại, cô chắc chắc sẽ không bao giờ lấy chồng cùng tuổi.
Quyên than thở: “Đúng là lấy chồng bằng tuổi thiệt thòi nhiều thứ. Giá như chồng hơn mấy tuổi thì kinh tế gia đình đã ổn định rồi. Đằng này, công việc của chồng thì lương thấp. Đã thế, anh lại cứ bằng lòng với hiện tại, không có chí tiến thủ gì cả”.
Để chứng minh thêm, Quyên còn giải thích: “Chồng mình chỉ được cái chiều vợ, vợ kêu chở 2 mẹ con đi đâu là về liền. Đi đâu ai cũng nói vợ chồng bằng tuổi nằm duỗi mà ăn. Không biết nhà khác ra sao chứ nhà mình chẳng thấy nằm duỗi mà ăn gì. Mình toàn chạy mới có ăn. Biết làm sao được, vì cùng tuổi nên chồng luôn “non” hơn vợ. Có lẽ thế nên vợ chồng cứ cãi cọ suốt. Đôi lúc buồn muốn khóc mà chẳng dám nói với ai”.
Ngọc Anh (Hà Đông, HN) cũng thấy oải vì vợ chồng bằng tuổi. Vợ chồng Ngọc Anh cùng tuổi Ngựa, nhưng mệnh Hoả, nên khắc khẩu suốt. Được biết, hai vợ chồng họ còn là bạn học thời phổ thông với nhau và có tình yêu đẹp hơn cả tiểu thuyết.
Nhưng mới chỉ sau hơn 5 năm chung sống, Ngọc Anh dần nhận ra những vất vả của một phụ nữ khi lấy chồng bằng tuổi. “Lấy chồng bằng tuổi, vợ phải lo toan cuộc sống gia đình nhiều lắm. Hầu như tôi phải thay chồng là trụ cột gia đình luôn. Nhà tôi đây, dù tôi chưa phải lo toan nhiều như các phụ nữ khác nhưng nhiều lúc cô đơn khi phải đối mặt hay ra quyết định một vấn đề nào đó của cuộc sống, tôi cần lắm sự tư duy hay một tầm nhìn từ chồng mà không có”.
Nhìn bên ngoài, ai cũng nghĩ người phụ nữ này tốt phước vì có nhà cao cửa rộng với chồng con ngoan hiền. Thực tế, chồng Ngọc Anh ngoài đi làm về thì cũng giúp trông con, làm các việc vặt trong gia đình.
Ngọc Anh cũng không phải bận tâm nhiều đến con cái như các phụ nữ khác. Ngoài ra, cô cũng yên tâm phần nào với chồng vì anh không ham mê cờ bạc, không rượu chè, gái gú… Song những việc lớn khác như mua nhà cửa, phấn đấu sự nghiệp, công việc nội ngoại thì chồng cô lại ù ù cạc cạc mặc kệ vợ tự xoay xỏa. Vì phải một mình xoay xỏa, lại không được nhờ vả ông bà nội ngoại nên lắm lúc bà mẹ một con này thấy oải vô cùng.
“Chồng chỉ đỡ đần mỗi việc chăm con, nhà cửa. Chứ mọi việc lớn trong nhà và kiếm tiền toàn tự tôi lo liệu hết. Nhiều lúc muốn kêu mà chẳng biết phải kêu ai. Là phụ nữ tôi không muốn phải làm trụ cột gia đình bất đắc dĩ thế này” – Ngọc Anh than thở.
Xuân (Kim Liên, HN) và chồng cô cũng cùng tuổi con lợn và lấy chồng được hơn 3 năm nay. Thậm chí, tính ngày tháng chính xác, Xuân còn lớn chồng 4 tháng nữa.
Hơn 3 năm vợ chồng, đến nay, Xuân cũng có một bé trai hơn một tuổi. Nhưng từ ngày kết hôn đến nay, Xuân chưa bao giờ thấy hạnh phúc. Lúc nào cô cũng chỉ thấy mệt mỏi và chán nản. Và đến bây giờ cô cũng mới thấm câu “Lấy trẻ con về làm chồng”.
Hai vợ chồng Xuân lớn lên trong 2 gia đình có cách giáo dục hoàn toàn trái ngược. Bố mẹ Xuân để cô tự lập từ nhỏ và hoàn toàn để cô tự quyết định mọi thứ có liên quan đến bản thân. Vì thế, Xuân rất năng động, quyết đoán. Ngoài ra, các công việc trong nhà như điện nước hư hỏng, Xuân đều có thể tự sửa chữa được.
Trong khi đó, chồng Xuân lại khác. Học đến cấp 3, dù trường cách nhà không xa hay có thể tự đi bộ được nhưng anh vẫn được người nhà xe đón xe đưa. Những công việc đáng lẽ của đàn ông thì chồng Xuân lại mù tịt. Nói chung, anh không biết biết làm gì và đúng nghĩa một “cậu ấm”.
Từ khi lấy chồng, dù 2 vợ chồng có điều kiện mở công ty riêng nhưng chưa bao giờ Xuân nhận được một sự quan tâm đúng nghĩa của chồng. Tất cả mọi chuyện trong gia đình, chuyện con cái và công ty đều đè nặng lên vai Xuân.
Trong công việc, hễ Xuân bàn bất cứ việc gì với chồng thì toàn chỉ nhận được sự bàn lùi. Thậm chí, với công việc chồng Xuân cũng không quan tâm. Anh chỉ suốt ngày ăn chơi và coi đó là hoạt động chính. Tất cả suy nghĩ, hành động của chồng Xuân đều như một đứa trẻ mới lớn dù đã 30 tuổi.
“Lúc nào mình cũng có cảm giác là người mẹ độc thân nuôi “hai con” khôn lớn. Khuyên bảo nhiều lần, nhẹ nhàng có, cáu gắt có nhưng tất cả vẫn chỉ là con số không. Lúc trước, mình không biết phải làm sao với ông chồng trẻ con nên cứ xác định bơ đi sống cho nhẹ nhàng, sống vì con vậy” – Xuân tâm sự.
Nhưng thấy chồng bằng tuổi “ậu ấm” mãi như vậy không ổn, Xuân ngầm lên kế hoạch thay đổi chồng. Từ khi lên kế hoạch, những công việc được cho là của đàn ông, dù thừa làm được nhưng Xuân không bao giờ đụng tới.
Ngược lại, cô luôn khuyến khích chồng làm. Đến những lần chăm con ốm, Xuân cũng nhờ chồng lấy chai thuốc ho cho con dù rằng chai thuốc đó ngay trước mặt nhưng chồng cô cũng phải mất một hồi tìm kiếm mới ra được.
Trong công việc, Xuân khuyến khích chồng chấp nhận hướng đi nào đó dù nhiều lúc phải nhận rủi ro. Có những hướng làm ăn của chồng, khi nghe chồng nói ra, Xuân đã biết chắc thất bại. Nhưng Xuân không cản mà còn khuyến khích chồng làm. Đến khi chồng thất bại, Xuân vẫn cười an ủi.
Vì thế, sau hơn 3 năm lấy chồng và “tập huấn” chồng bằng tuổi, chồng Xuân từ một “cậu ấm” giờ đã dần người lớn và chịu khó làm ăn hơn.
Sau nhiều đợt “tập huấn” riêng cho chồng, với Xuân lúc này: “So với những người đàn ông khác tuổi chồng mình thì anh chưa là gì nhưng với mình như vậy là có tiến bộ lắm rồi. Hiện, nhiều lúc mình vẫn phải dỗ dành như trẻ con, cơm bưng nước rót nhưng mình sẽ cố gắng cho chồng công tử và bằng tuổi trưởng thành hơn”.
luyến đã bình luận
Không phải ai bằng tuổi cũng thế đâu, tất cả đều là tính từng người đấy, có người ít tuổi họ vẫn chững chạc lắm