Bạn không hài lòng khi thấy trẻ vùi đầu xem ti vi hoặc chơi game vào cuối tuần? Hãy tập cho trẻ thói quen đọc sách và hạn chế việc xem ti vi. Điều đó sẽ giúp bạn không còn phải thất vọng vì điểm tập làm văn của trẻ ngày càng kém và không phải điên đầu khi phát hiện phong cách viết lách theo lối cố ý sai chính tả hoặc không đầu không đuôi của trẻ trên blog hoặc facebook.
Tìm hiểu sở thích của trẻ
Nên định hướng rồi để chúng tự quyết định sẽ đọc thể loại nào. Tuy nhiên, nên khuyến khích trẻ đọc sách về những tấm gương vượt khó, lòng hiếu thảo, sự dũng cảm, tính thật thà… để hướng trẻ đến mẫu người biết sống vì người khác và quan tâm đến cộng đồng.
Chú ý đến cách đọc của trẻ
Hãy dạy trẻ về thế giới động vật bằng những hình ảnh đầy màu sắc, tạo sự hứng thú cho trẻ về thế giới quan bên ngoài. Sau khi tạo sự hứng thú cho trẻ, bạn hãy cung cấp nhiều thông tin hơn về những đề tài đó để kích thích niềm say mê của trẻ.
Để trẻ thấy bạn thường xuyên đọc sách
Cha mẹ chính là tấm gương lớn dễ dàng ảnh hưởng đến những sở thích và ý niệm của cuộc đời trẻ. Sau khi đọc xong, hãy tóm tắt cho trẻ biết vì sao bạn say mê cuốn sách này, những bài học kinh nghiệm rút ra từ nội dung đó.
Thường xuyên đưa trẻ đến nhà sách
Các kệ sách trong nhà sách sắp xếp đầy đủ các thể loại, đa dạng và phong phú, cho trẻ tha hồ lựa chọn chủ đề mình yêu thích. Mỗi thể loại sách khác nhau đều có cách hành văn và phong cách riêng, đem đến sự đa dạng cho trẻ trong cách viết văn và dùng từ.
Lên thời khóa biểu cho việc đọc sách
Để sách luôn là người bạn đồng hành không thể thiếu đối với trẻ, nên dành 20 phút trước khi ngủ, nửa tiếng sau bữa tối, vào ngày cuối tuần hoặc bất kỳ thời điểm nào phù hợp với sinh hoạt của gia đình bạn. Chỉ cần 15 phút đọc sách báo mỗi ngày sẽ giúp trẻ cập nhật được thông tin, bổ sung kiến thức và phát triển kỹ năng viết.
Hãy là một cuốn sách biết nói
Giai đoạn đầu, trẻ có thể sẽ không hứng thú lắm với sách báo, nên dành thời gian để đọc sách cho chúng nghe. Khi trẻ đã bắt đầu yêu thích đọc sách, hãy để trẻ tự mình khám phá cuốn sách đó để trẻ “thấm nhuần” cách hành văn hay mục đích sử dụng từ rất “đắt” của tác giả. Hãy tập cho trẻ thói quen viết lại những đoạn văn hay vào cuốn sổ tay nhỏ để có thể đọc lại và ứng dụng vào bài tập làm văn.
Đề nghị trẻ tóm tắt lại nội dung
Cách này không những giúp trẻ rèn luyện trí nhớ của mình mà còn giúp trẻ biết cách tóm tắt nội dung câu chuyện bằng chính lời văn của mình. Điều này cũng giúp trẻ hiểu rõ hơn về tác phẩm.
Hướng dẫn trẻ sắp xếp giá sách gọn gàng
Điều này để dễ dàng tìm sách khi cần và giữ chúng sạch sẽ. Mỗi độ tuổi khác nhau, trẻ sẽ nhận thức về thế giới quan khác nhau. Vì vậy, một cuốn sách có thể đọc đi đọc lại nhiều lần và rất cần cất giữ chúng.
Khen ngợi trẻ
Cần khen ngợi, động viên sau khi trẻ đọc xong một cuốn sách. Điều này sẽ khích lệ trẻ. Phần thưởng có thể là một cái ôm chầm âu yếm của cha mẹ, một cây kem hoặc một quyển sách khác để trẻ tiếp tục mở mang kiến thức của mình.