Trẻ em luôn cần được sự yêu thương, chăm sóc, giáo dục của cả cha lẫn mẹ. Nhưng trong thực tế, có rất nhiều em phải sống trong cảnh thiếu vắng tình thương yêu của mẹ hoặc cha. Chúng ta cần phải giáo dục trẻ như thế nào trong trường hợp này?
Giáo dục những trẻ thiếu vắng cha
Có vô vàn lí do khiến trẻ phải sống trong sự thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc của cha như: cha công tác ở xa; vì một lý do nào đó mà cha mẹ phải li hôn; cha mất vì bệnh tật, ốm đau…; hoặc trẻ ra đời mà không có cha.
Đối với những trẻ có cha công tác ở xa
Đối với bố: Mẹ cần thường xuyên thông tin cho bố biết về trẻ như: hôm nay bé khoẻ mạnh, bé uống hết một li sữa và bé đã mọc được hai chiếc răng… Mẹ có thể kể cho bố về tất cả những sự việc nhỏ nhặt nhất trong đời sống hàng ngày của bé để bố có thể dõi theo từng bước phát triển của bé.
Đối với trẻ: Trong những câu chuyện, mẹ nên thường xuyên nhắc đến bố, nói cho trẻ hiểu là cho dù bố không có mặt ở nhà, nhưng lúc nào bố cũng nhớ, quan tâm và yêu thương con…
Khi trẻ lớn hơn, mẹ hướng dẫn trẻ cách liên lạc với bố qua thư, gọi điện, vẽ tranh… để bày tỏ tình yêu thương của mình dành cho với bố.
Khi được về nhà thăm gia đình, bố nên dành thật nhiều thời gian ở bên con và đưa trẻ đi chơi, đi thăm bạn bè, người thân… Cha mẹ cần tạo cho trẻ thấy không khí gia đình thật đầm ấm, vui vẻ và hạnh phúc.
Đối với trẻ không có cha hoặc cha đã mất
Vì sức ép của cuộc sống nên nhiều người mẹ thường hay cáu gắt khi phải nuôi con một mình. Điều này là rất tự nhiên, nhưng vì sự phát triển toàn diện của con trẻ, người mẹ phải cố gắng để vượt lên những khó khăn, tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho trẻ. Cụ thể, bạn có thể cho trẻ tham gia vào các câu lạc bộ vui chơi, giải trí cùng bạn bè; tạo môi trường sống luôn vui vẻ, thoải mái và đầy ắp tiếng cười…
Đối với những đứa trẻ bị mất cha: Người mẹ cần kể cho con những kỉ niệm đẹp về cha; tình yêu thương của cha dành cho trẻ khi còn sống để trẻ hiểu được tình cảm của cha dành cho mình và từ đó trẻ tự hào về cha.
Ngoài ra, người mẹ hãy tạo điều kiện để trẻ tiếp xúc nhiều hơn với người thân như: ông, chú, bác, cậu… giúp trẻ học hỏi được nhiều điều hay, làm cho quan niệm về người cha của trẻ càng sinh động hơn.
Đối với bé trai: Mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi nam tính như: đá bóng, cầu lông, chơi gôn… và khuyến khích trẻ chơi với các bé trai khác.
Giáo dục những trẻ thiếu vắng mẹ
– Nếu mẹ vắng nhà, người cha sẽ rất vất vả vì phải đảm đương cả hai vai trò là vừa làm mẹ và vừa phải làm cha. Trong trường hợp này, người cha sẽ phải quan tâm đến trẻ nhiều hơn và nên nhờ những người phụ nữ trong gia đình có kinh nghiệm như: bà, bác gái, cô, dì… hỗ trợ trong việc nuôi dạy con cái. Ngoài ra, người cha phải thường xuyên liên lạc với vợ để thông báo tình hình của con, đồng thời qua đó người vợ cũng có thể hướng dẫn chồng cách nuôi dạy trẻ.
– Nếu trẻ bị mất mẹ: Người cha cần nhờ đến sự giúp đỡ của người thân như: bà nội, bà ngoại và học hỏi kinh nghiệm trong việc nuôi dạy trẻ từ những người phụ nữ khác. Nên kể cho trẻ những kỉ niệm ngọt ngào về mẹ; tình yêu thương của mẹ dành cho bé… và tạo cơ hội cho trẻ được gần gũi với những người phụ nữ khác có lòng yêu thương trẻ. Nếu người cha định đi bước nữa thì nên tìm cho trẻ một người mẹ có tấm lòng nhân hậu, yêu thương bé và trẻ có thể hoà hợp được với người phụ nữ đó.