Kinh nguyệt là một trong những đặc điểm sinh lý mà chỉ có ở người phụ nữ. Nhưng không phải chị em nào cũng có chu kì kinh nguyệt đều đặn. Nhiều chị em không may mắn, có thể gặp rắc rối trong chuyện “đèn đỏ”, một trong những triệu chứng điển hình và phổ biến nhất là vô kinh. Vậy vô kinh kéo dài có ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ, cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết sau.
Vô kinh (còn được gọi là mất kinh nguyệt) được hiểu đơn giản là không có chu kì kinh nguyệt ngay từ khi dậy thì cho đến sau này (vô kinh nguyên phát) hoặc trước đó đã có kinh nguyệt nhưng liên tục bị mất kinh trong 3 chu kì hoặc nhiều hơn 3 chu kì nhưng không phải có thai (vô kinh thứ phát).
Chu kỳ kinh nguyệt được chi phối bởi hoạt động trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng với cơ quan đích là tử cung. Vì vậy nếu một trong những “mắt xích” này bị ảnh hưởng thì tất yếu rối loạn kinh nguyệt sẽ xảy ra, trong đó có vô kinh.
Nguyên nhân dẫn đến vô kinh
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vô kinh, có thể là do tự nhiên (do cấu tạo bất thường trong cơ quan sinh dục của phụ nữ), do tác động của một số loại thuốc hoặc cũng có thể do tình trạng sức khỏe gây ra. Vô kinh một cách tự nhiên thường xuất hiện trong thời kỳ mãn kinh, người phụ nữ có thai hoặc thời gian cho con bú. Vô kinh tự nhiên còn được gọi là vô kinh sinh lý, những trường hợp này là hoàn toàn bình thường nên không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát đều là những dạng vô kinh bệnh lí cần được phát hiện và điều trị kịp thời.
Sau đây là tổng hợp về những nguyên nhân có thể gây vô kinh ở nữ giới:
Vô kinh do tổn thương bẩm sinh tại đường sinh dục: Nếu cơ quan sinh dục phát triển bất thường như là không có âm đạo, sẹo tử cung, không có tử cung, vách ngăn âm đạo,… thì những trường hợp này khi đến tuổi dậy thì sẽ không thấy có kinh nguyệt. Mặc dù một số người kinh nguyệt có thể xuất hiện nhưng lại không thể chảy ra ngoài do những dị tật đã chặn dòng máu kinh. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra vô kinh nguyên phát.
Sử dụng thuốc tránh thai: Trong một số trường hợp, chị em dùng thuốc tránh thai lâu dài hoặc không phù hợp cơ địa cũng có thể dẫn tới tình trạng vô kinh. Và khi ngưng uống thuốc, có người sẽ thấy kinh nguyệt xuất hiện trở lại ngay sau đó nhưng cũng có người mất kinh tới tận 6 tháng hoặc lâu hơn. Các biện pháp tránh thai liên quan đến hormone khác như cấy, tiêm hoặc dụng cụ tử cung cũng có thể dẫn đến hiện tượng vô kinh.
Sử dụng một số loại thuốc khác lâu ngày: Tình trạng vô kinh còn có thể xuất phát từ nguyên nhân dùng thuốc kéo dài. Các loại thuốc như thuốc chống loạn thần kinh, thuốc chống trầm cảm, hóa trị liệu trong trường hợp bị bệnh ung thư và các loại thuốc để kiểm soát huyết áp… cũng có thể có thể tác dụng phụ là gây rối loạn hormone, ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt và gây vô kinh.
Vùng dưới đồi bị ảnh hưởng do lối sống kém khoa học: Ngoài ra, các chị em cũng cần chú ý đến lối sống hay các thói quen của mình trong cuộc sống hàng ngày. Nên tuyệt đối tránh các trạng thái căng thẳng thần kinh, thừa cân, thiếu cân hay tập thể dục quá nhiều… Sở dĩ chị em phải chú ý những điều này là vì chúng có tác động trực tiếp tới vùng dưới đồi – nơi chi phối hoạt động của tuyến yên, buồng trứng. Nếu vùng dưới đồi gặp trục trặc, quá trình tiết hormone sinh dục và giải phóng trứng cũng rối loạn theo dẫn tới chu kỳ kinh nguyệt không đều. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể làm cho chu kì kinh biến mất và dẫn đến vô kinh.
Do các bệnh về nội tiết: Mất cân bằng nội tiết gây ra do hội chứng buồng trứng đa nang, sự cố tuyến giáp, khối u tuyến yên hoặc mãn kinh sớm… nếu không được điều chỉnh kịp thời cũng dễ dàng làm cho chu kì kinh nguyệt bị gián đoạn kéo dài, kể cả tình trạng vô kinh cũng có thể xuất hiện.
Ảnh hưởng sức khỏe của hiện tượng vô kinh
Dấu hiệu phổ biến nhất khi bị vô kinh là không có chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, nó cũng có thể có một số triệu chứng khác kèm theo, chẳng hạn như dịch tiết âm đạo, sữa, đau đầu, rụng tóc, mọc nhiều lông trên mặt, giảm thị lực… Nếu bạn bị mất ít nhất 3 chu kỳ kinh nguyệt, bạn nên đi khám sớm để biết bệnh của mình và có hướng khắc phục kịp thời.
Vô kinh là nguyên nhân khiến phụ nữ bị mãn kinh sớm, các triệu chứng như khô âm đạo, teo âm đạo, giảm ham muốn tình dục, bốc hỏa, mất ngủ, mồ hôi trộm thường xuyên xảy ra. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống cũng như tâm lý của nhiều chị em.
Một biến chứng nguy hiểm khác của vô kinh phải nói tới đó chính là tình trạng hiếm muộn – vô sinh. Nếu bạn rơi vào trường hợp vô kinh nguyên phát thì chắc chắn hoạt động của buồng trứng sẽ không thuận lợi như bình thường, sự phóng noãn có thể diễn ra nhưng rất khó thụ thai. Một năm số lần rụng trứng của người bệnh chỉ vào khoảng 3 – 4 lần, thậm chí có những trường hợp 6 tháng mới có kinh (số lần rụng trứng là 2 lần/ năm). Vì thế, kể cả cố gắng thụ thai nhưng vẫn rất khó khăn để sinh con. Nhiều cặp vợ chồng sẽ phải chạy chữa rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để mong có con như bình thường. Hiếm muộn ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của phụ nữ, đặc biệt là khi họ đã kết hôn nhiều năm, tác động từ phía gia đình càng lớn sẽ gây nhiều áp lực cho họ, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.
Còn trong trường hợp vô sinh thứ phát, hoạt động rụng trứng của người phụ nữ cũng không đều đặn, do đó, việc thụ thai cũng gặp khó khăn lớn.
Vì thế, bạn không nên xấu hổ khi nói về tình trạng vô kinh vì đây là điều có thể xảy ra với bất kì người phụ nữ nào. Nếu thấy có hiện tượng này, tốt nhất bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.