Mỗi đêm trước khi đi ngủ mình toàn phải tự nhủ: Ngủ qua đêm nay, ngày chồng về nhà sẽ ngắn đi một ngày. Cứ thế mình lại cười rồi lại bật khóc”
Vợ chồng xa nhau vài chục đến hàng ngàn cây số, lại ít được gần gũi nhau, nhưng họ vẫn “cơm dẻo canh ngọt”. Dù tủi thân, khổ sở với nhớ nhung nhưng vợ chồng vẫn yêu thương, cố chấp nhận hoàn cảnh và tự nhủ bản thân: “Nào, cố lên! Cố lên!”.
Bốn năm chồng vợ cũng là 4 năm Kim Tuyến – Văn Thành (Hoàn Kiếm, HN) xa nhau đằng đẵng. Hai năm đầu họ xa nhau nhưng khoảng cách chỉ là giữa Hà Nội và Sài Gòn. Trong 2 năm ấy, mỗi tháng Văn Thành cũng “leo lên trời” bay vào Sài Gòn được với vợ 2 ngày cuối tuần. Nhưng 2 năm nay, khoảng cách của họ không ở hai đầu đất nước nữa mà là ở hai đất nước xa xôi Việt – Pháp.
Một năm, Văn Thành cố thu xếp 2 lần từ Pháp bay về Việt Nam với vợ. Mỗi lần về, Thành ở nhà được lâu nhất nửa tháng. Có lúc ở nhà chưa được 1 tuần, vì công việc Thành lại phải đi.
“Những lúc chồng đi xong, mình ở nhà phải mất một tháng trời mới cân bằng lại được tâm lý. Vợ chồng xa nhau cứ người một nơi, hồn một nơi. Bản thân mình không bao giờ tập trung làm được việc. Lúc nào chồng và mình cũng ru rú ở nhà trực chiến với cái máy tính để còn chát chit huyên thuyên với nhau. Cả hai đều thấy thương nửa kia đang ở nhà lủi thủi một mình.
Hai năm nữa là chồng hết hợp đồng công việc ở Pháp, vợ chồng mình sẽ không bao giờ phải xa nhau nữa. Cầu trời cho ngày đó nhanh thành hiện thực. Mình sợ cảnh sống vật vờ khi xa chồng. Có cho tiền hay được ăn ngon mặc đẹp mình cũng không thích bằng được ở gần chồng” – Kim Tuyến giãi bày.
Cũng cùng cảnh ngộ vợ chồng mỗi người một nơi, vợ chồng Bắc – Hạnh lâu nay đang ôm nỗi chạnh lòng như thế. Chỉ khác là, người đi xa chính là Hạnh – vợ Bắc.
Cưới nhau được đúng 2 tháng, Bắc đã phải tiễn Hạnh lên đường sang Nga làm việc tiếp. Những ngày cận kề khi Hạnh sắp phải đi, hai vợ chồng trẻ này thường ôm nhau ngủ mà nước mắt ngắn dài. Là chồng, Bắc cũng cố tỏ ra cứng rắn cho vợ thêm vững vàng. Nhưng Hạnh thì cứ yếu đuối mít ướt. Dỗ dành vợ mãi cũng không được nên Bắc cũng khóc theo vợ luôn.
Từ ngày vợ sang Nga làm việc, cứ từ cơ quan trở về nhà là Bắc lại vào ngay phòng riêng lấy điện thoại, nhắn tin, voice chat với nhau. Thế mà người đàn ông trẻ này vẫn không khỏi hết nhớ nhung người vợ đang xa nhà.
“Có hôm vừa đi làm về và bước vào đến cửa nhà, chẳng hiểu sao mình cứ ngửi thấy mùi hương quen thuộc của vợ. Những tưởng vợ về bất chợt không báo trước để chồng ngạc nhiên. Thế là mình chạy thẳng lên phòng tìm vợ mà chẳng thấy đâu. Rồi những lúc nghe vợ bảo ốm, mình thương vợ đứt ruột. Mình con trai mạnh mẽ đã đành. Đằng này vợ mình là phụ nữ. Cô ấy yếu đuối lắm. Thương vợ ở đất nước xa lạ nên ngày nào đi làm về, mình cũng ăn tối qua loa rồi online chờ vợ…” – Bắc chia sẻ.
Cũng vì thương vợ ở nước Nga thui thủi một mình nên Bắc luôn cố gắng vững vàng trong cuộc sống. Bởi vì: “Hai đứa mình mới lấy nhau, chưa có baby nên không lo lắm. Nhưng mình chỉ mong 1,5 năm làm việc của vợ ở Nga trôi đi thật nhanh để vợ đỡ phải một thân một mình nơi đất khách. Không có mình, những lúc khó khăn, không biết cô ấy có xoay sở tốt không? Càng nghĩ mình càng nhớ và lo lắng cho vợ”.
Bắc còn cho biết, vợ chồng anh còn nghèo, chứ nếu có điều kiện, Bắc đã muốn bay sang với vợ rồi. “Nhiều khi vợ chồng giận dỗi nhau nhiều lắm. Cũng vì cảnh mỗi đứa một nơi. Nhưng sau lại nghĩ, thời gian bên nhau còn chẳng có, lấy đâu ra thời gian giận hờn. Thế là lại làm lành, chả dám giận lâu. Những lúc ấy cả hai vợ chồng đều thấy trân trọng khoảng thời gian bên nhau trước đây có ý nghĩa đến thế nào”.
Khác với 2 cặp vợ chồng trước ở cách xa nhau nửa vòng trái đất, vợ chồng Phương – Hiệp cũng mang nỗi buồn xa cách nhưng khoảng cách vợ chồng xa nhau được thu gọn hơn.
Hiệp là công chức của một cơ quan nhà nước ở Hà Nội. Còn vợ Hiệp vẫn sống và làm việc trên Thái Nguyên. Do đó, cứ cuối tuần, vợ chồng họ mới được gặp nhau một ngày. Từ ngày yêu 2 người đã vậy, cưới nhau xong, mọi chuyện cũng chẳng khác. Gần 3 năm sống xa nhau như thế, nên vợ chồng Phương – Hiệp cũng quen dần.
Mặc dù sống cùng gia đình chồng, nhưng Phương vẫn rất hay tủi thân. Có hôm cô khóc tu tu như trẻ nhỏ trong phòng riêng giữa đêm khuya.
Người vợ trẻ này tâm sự: “Lúc ốm đau phải đi viện một mình thấy tủi thân khủng khiếp. Như lần đầu bị lỡ, mình phải hút thai. Rồi 2 lần mang bầu sau, mình đều bị sảy thai sớm. Những lần như vậy mình đều tự đến viện và nước mắt cứ thế tuôn”.
Phương còn kể rằng, có nhiều hôm đang đi làm hoặc đi chơi với đồng nghiệp, nhìn cảnh vợ chồng người khác tíu tít, không kiềm chế nổi chạnh lòng, nước mắt Phương cứ trào ra.
“Sắp tới 2 vợ chồng lại dự định có bé nữa, không biết sẽ có tin vui sớm không? Mà nếu có thì một mình bầu bí sẽ thế nào đây? Mình toàn phải tự hứa với bản thân, dù gì cũng phải cố để chồng yên tâm công tác. Nhưng thực sự mình cảm thấy khó khăn và khổ sở lắm. Mỗi đêm trước khi đi ngủ mình toàn phải tự nhủ: Ngủ qua đêm nay, ngày chồng về nhà sẽ ngắn đi một ngày. Cứ thế mình lại cười rồi lại bật khóc” – Phương buồn tủi nói.