Bạn có biết mong ước thiết tha nhất của đời tôi là gì không? Là một buổi sáng thức dậy bỗng dưng thấy mình trở thành một ông chồng Việt Nam như bạn. Tại sao thế? Tại rất nhiều lý do. Nhưng quan trọng nhất, theo mình là đàn ông Việt Nam rất ít khi phải rửa bát, lau nhà.
Với tư cách đàn ông với nhau, cả bạn và tôi đều hiểu lau nhà, rửa bát không có gì xấu. Thậm chí có những giây phút, có những thời điểm chúng còn đẹp đẽ và tuyệt vời. Nhưng ở đời có thiếu gì thứ không xấu mà đàn ông không làm? Vì hàng trăm lý do, trong đó có lý do quan trọng nhất là vợ không bắt buộc.
Cả đàn ông Tây như tôi lẫn đàn ông Việt như bạn đều có vợ. Nhưng nếu vợ Tây buộc chồng làm việc nhà, thì vợ Việt lại tìm cách thuyết phục. Khác nhau chính ở chỗ này. Cả hai chúng ta đều yêu vợ, điều ấy không có gì phải bàn. Nhưng nếu bạn nghĩ yêu chỉ là nộp tiền lương đầy đủ thì tôi cho rằng còn phải nộp thêm sức lao động nữa. Mà lao động trong một gia đình thì không chỉ có ở bếp, mặc dù bếp rất quan trọng.
Nói cách khác, bạn cho việc rửa bát là vớ vẩn, còn tôi nghĩ rằng khi lau bóng chúng là lau bóng trái tim mình cho nó thơm phức rồi dâng lên nàng, để nàng đựng bất cứ thứ gì nàng muốn, kể cả một bông hoa hồng hay một miếng thịt bò. Điều trớ trêu là vợ Tây phần lớn không đẹp bằng vợ Việt. Họ to hơn, thô hơn, phải vàng hơn hoặc xanh hơn. Nhưng vợ Tây luôn ý thức và được xung quanh luôn cổ vũ cho ý thức rằng nếu chồng muốn có mình, chồng phải làm việc cho mình.
Sự làm việc này, than ôi, không ngoại trừ một lĩnh vực nào cả. Ở công ty, ở ngoài đường, ở phòng ngủ, ở trong bếp, đàn ông Tây lúc nào cũng có những thứ cụ thể để thực hiện một cách trực tiếp và rõ ràng. Còn vợ Việt, ngược lại, rất nhiều cô có sẵn ý nghĩ trong đầu: muốn có chồng thì phải phục vụ chồng.

Điều may mắn đó của bạn nhiều lúc khiến tôi ghen tị đến điên cuồng. Tôi chưa bao giờ dám nói với vợ: anh có tiền nên anh không đón con. Anh đẹp trai nên anh không giặt đồ. Anh là trưởng phòng nên anh không đụng tới vòi nước. Anh có xe hơi nên anh khỏi lau nhà. Tôi mà nói ra như thế thì cả đàn bà, cả đàn ông, cả trẻ con đều nhìn tôi như một tên ngớ ngẩn, thậm chí một tên quái vật. Còn bạn thì sao?
Ngay từ thuở sinh ra, dù không phải điện thoại di động, bạn cũng được mặc định là không phù hợp với việc nhà. Muốn bạn vớ lấy các dụng cụ chùi rửa, các bà vợ phải vắt óc suy nghĩ. Tại sao bạn lại được hưởng cái quyền ấy? Trong khi nhìn chung, bạn chẳng có gì nổi trội hơn tôi. Đó là một câu hỏi mang tầm thế kỷ.
Là chồng Tây, sau bao đêm suy nghĩ, tôi chợt khám phá ra câu trả lời: chồng Việt Nam không khôn hơn ta. Nhưng vợ Việt Nam dại hơn vợ ta. Chỉ có dại, cực kỳ dại mới bước vào một căn nhà và nghĩ ngay bếp là của mình. Họ quên phắt một điều cơ bản: bếp của những người đói, mà đàn ông đói nhiều hơn đàn bà.
Khi đã nhận lấy bếp ngay từ đầu, vợ Việt Nam vô tình hay cố ý đẩy chồng ra phòng khác, phòng ngủ thì tôi không dám bàn vì bản chất tôi là người đứng đắn. Phòng khách không có nước lau nhà, không có xà phòng rửa bát, cũng không có chổi chùi toilet. Phòng khách có trà, rượu, báo chí và ti-vi.
Tại sao bạn lại may mắn thế? Do học hành chăng? Do dòng dõi quý tộc chăng? Hình như không phải. Chẳng qua do bạn được thừa hưởng một cách tự nhiên điều này từ cha, từ ông, hoặc ông cố mình. Đàn ông chúng ta không phải là một cái gì phi thường, vĩ đại. Phụ nữ suốt đời phải thương yêu, giáo dục, quyến rũ, đe dọa, thì chúng ta mới nên người. Vấn đề nằm ở chỗ các bà vợ đứng ở đâu khi làm những công việc đó. Cậu đã vớ bở khi vợ ngay từ đầu đã đứng ở vị trí thấp hơn, ít nhất trong phạm trù quét dọn, lau chùi tổ ấm.
Vợ Tây không thế. Không bao giờ thế. Cho nên nếu muốn trốn việc nhà, tôi chỉ còn cách mơ thành ông chồng Việt Nam. Làm sao biến mơ trở thành thực bây giờ? Bạn giúp tôi đi. Chờ thư bạn từng phút.
she cold đã bình luận
Bạn người nước nào vậy? phải công nhận điều bạn nói, nhưng nếu muốn hiểu được phong tục tập quán hay thói quen sống của một nước hay một vùng nào thì có lẽ phải đặt trong dòng lịch sử ở nơi đó, hơn 1000 năm Bắc thuộc, nước mình đã chịu ảnh hưởng các phong tục đó từ nước đô hộ : trọng nam khinh nữ, xuất giá là người của chồng ( và gia đình chồng) đến khi mất đi điều đó cũng không thay đổi …. các phong tục này rất lạc hậu nhưng nó đã ăn sâu trong tâm khản mỗi người.
Bản thân cũng là một người con gái Việt, nhưng minh lại thích kiểu sống của người phương tây về cả cách quản lí thời gian, tiên bạc ,cuộc sống hôn nhân… ( vì mình cũng ý thức được về con người mình ), bạn đừng nghĩ làm người đàn ông việt sướng vì theo mình biết cũng không ít người đang dần dần thay đổi các quan điểm sống không còn phù hợp
Nguoi co don đã bình luận
Đừng mơ ước trở thành người khác mà hãy thay đổi cách suy nghĩ của bản thân, hay bạn có thể thuyết phục vợ mình thay đổi. Chắc gì được làm người chồng Việt Nam sẽ sướng! Chỉ khi ở vị trí của người đó mới biết người đó sướng hay khổ, đừng vội nhìn nhận sự việc một cách phiến diện 🙂 Chúc bạn sống hạnh phúc!