Bánh chưng là một món ăn có bề dày lịch sử, đã trở nên quen thuộc, gần gũi với mỗi người dân Việt trong những ngày thường và đặc biệt là dịp lễ tết, giỗ chạp…
Nguyên liệu làm bánh chưng cũng rất đơn giản. Với gạo nếp thật ngon, thịt ba chỉ, đỗ xanh, lá dong, thêm ít hạt tiêu và các gia vị… là đã có những chiếc bánh chưng thơm, ngon, vừa có vị béo ngậy của thịt, vị bùi bùi của đỗ xanh, ngọt dẻo của nếp mới…
Bánh chưng gấc – món ăn dần được yêu thích trong những năm gần đây.
Tuy khiên, do khí hậu từng vùng mà cách ăn bánh chưng của mỗi miền đều có khác.
Người miền Bắc thường ăn bánh chưng với dưa hành với vị chua dịu, ngọt riêng và giòn giòn giúp không bị ngán hay quá nóng do ăn nhiều đồ nếp. Bởi vậy có câu “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ – Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”…
Người miền Trung lại phong phú hơn. Bánh chưng thường ăn kèm với dưa góp với đầy đủ vị ngọt ngọt mặn mặn, hoặc đôi khi chỉ là chén nước mắm hay xì dầu thêm vài lát ớt. Ngoài ra, còn có các món khác như thịt heo ngâm mắm, lạp xường, thịt xá xíu…
Người miền Nam cũng vậy, chiếc bánh chưng cũng là món ăn không thể thiếu, có thể ăn cùng với dưa món, thịt kho tàu, củ kiệu muối chua hay ngâm với giấm pha chút đường có vị ngọt dịu.
Ngoài ra, miền Trung và miền Nam, ngoài món bánh chưng còn có loại bánh khác cũng tương tự vậy là chiếc bánh tét. Các nguyên liệu thì gần giống nhau, nhưng bánh tét được làm hình tròn dài, thường cắt khoanh và bày trên mâm cơm trong những ngày tết. Bánh tét cũng có thể để nguyên, cũng có thể rán giòn chấm mắm, ăn với củ kiệu chua, hoặc kẹp với bánh đa ăn cũng rất ngon.
“Bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành”, đó là những vị của mâm cơm ngày Tết cổ truyền. Người Việt dù sống ở đâu cũng không quên những món ăn thân quen ấy. Chiếc bánh chưng hình vuông, màu xanh của lá dong, dẻo thơm của gạo nếp, đậu xanh, có vị ngậy của nhân thịt… càng nhiều ý nghĩa hơn khi tự mỗi gia đình làm ra.