Mỗi người đều có hoàn cảnh sống và môi trường được giáo dục khác nhau nên việc họ nảy sinh những mâu thuẫn với nhau về cách dạy con là điều rất dễ hiểu. Tuy nhiên, đứng trước vấn đề này, hai vợ chồng không nên chỉ chăm chăm tới vấn đề thắng thua mà phải cân nhắc “thế nào là điều tốt nhất cho con”. Bởi vì nếu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, con dễ mất phương hướng, không biết đâu là đúng, đâu là sai. Hơn nữa, mâu thuẫn cũng không được giải quyết.
Cứ dạy con, chồng lại “nhảy lên chồm chồm”
Nhà chị Thanh Miến (Núi Trúc, Hà Nội) tối nào cũng xảy ra chiến tranh lạnh giữa hai vợ chồng chỉ vì bất hòa trong cách nuôi dạy bé Bi.
Cưới nhau được 2 năm, anh chị mới sinh được thằng cu xinh đáo để với bao lo lắng, vất vả thế nên anh Huân – chồng chị cưng chiều Bi lắm. Con cứ đòi gì là anh sẵn sàng đáp ứng, ví như: “con muốn đi dạo” thì dù trời nắng hay mưa anh cũng quyết lái xe chở quý tử đi lượn vài vòng hồ Gươm.
Nhiều khi nhìn vợ ép con ăn mà nó khóc ré lên là anh lại nhảy lên chồm chồm ôm rịt lấy Bi, mắng vợ tới tấp: “Nó đã 2 tuổi rồi, tại sao em cứ ép nó như trẻ sơ sinh vậy. Thời buổi này người ta nuôi con dài chứ ai nuôi con mập?”.
Thế là anh đòi cho con ăn, con từ chối thì anh cho ngừng luôn, anh bảo “thế mới Tây”.
Rồi Bi rất thích ném điện thoại của mẹ vì mỗi khi “tiếp đất”, cái alo của mẹ lại kêu “chít một tiếng rồi tắt ngúm”. Thế là mỗi lần cu cậu thấy nó trước tầm mắt thể nào cũng nhảy lên, nhắm mắt nhắm mũi mà phi cật lực
Chị mắng con thì anh lại cản vợ: “Điện thoại của em sắp hỏng rồi còn gì? Coi như thay luôn em ạ”. Vừa nói, tay anh dúi điện thoại vào tay con: “Chít nữa đi Bi”.
Dù chị Miến có phân bua muốn con vào khuôn khổ, không thể con thích nói không là không mà thích gì là chiều, nhưng nói thế nào thì anh vẫn khăng khăng “Anh là bố nó, anh có quyền, đền em cái điện thoại khác là được chứ gì?”.
Có bố làm “đồng minh”, cứ khi nào mẹ ép ăn hay cấm đoán này nọ là thằng Bi lại hét ầm nhà “ra hiệu” cho bố. Bởi vậy mà Bi càng lớn càng bướng, nói thì không nghe còn có lúc bảo mẹ là: “Con mách bố bây giờ”.
“À, cậu còn dọa cả mẹ nữa đây”, chị nghĩ bụng vừa buồn cười, vừa lo lắng.
Lên trên mạng tìm hiểu và chị quyết tâm về dạy con cho tới nơi tới chốn. Khi thấy con vứt đồ chơi từ trên tầng xuống dưới cầu thang, chị bảo con ra nhặt, Bi bướng, ứ hự: “Mẹ đi mà nhặt ý”, chị đét mạnh vào mông, Bi khóc váng nhà lục đục ra nhặt đồ chơi.
Vừa đi làm về thấy tiếng con khóc, anh chưa kịp dắt xe vào nhà đã hộc tốc phi ngay lên phòng xem sự thể thế nào. Nhìn con là anh hiểu ngay ra vấn đề, anh lừ mắt liếc sang vợ: “Con còn nhỏ, sao em tai quái thế, em thích làm gì thì để anh làm?”
Chị gắt lên: “Bi cũng là con em, anh phải để em dạy con nữa chứ. Không chiều chuộng con được đâu anh”.
Nghe thấy tiếng bố mẹ cãi vã, Bi giật mình bước hụt chân ngã cầu thang.
Thấy con bị ngã, anh chị cùng chạy ra đỡ, thật may con chỉ bị u đầu nhè nhẹ. Anh lên giọng bảo chị: “Đây là còn may, nếu nó có bị làm sao thì tôi hận cô cả đời. Cô là mụ vợ tai quái! Thích thì bỏ nhau đi, đỡ khổ con cái”.
Nói xong anh bế phắt con ra phòng khác chơi bỏ mặc vợ nước mắt ngắn nước mắt dài đứng nhìn.
Khi chồng làm… bố trẻ con
Cùng cảnh có chồng chen ngang trong việc dạy con là nhà chị Thủy Linh (Quận 3, TPHCM). Thế nên cứ khi nào muốn uốn nắn Chít (3 tuổi) là chị phải nhìn trước ngó sau “xem bố nó có nhà không”.
Có mấy lần chị bị “bố nó bắt quả tang” khi đang mắng con, chị bị anh giận nguyên một tháng trời.
Chồng chị là người đàn ông nổi tiếng chiều con, cơ quan có dịp gì là anh lại dắt Chít đi cùng bằng được để khoe. Chưa cần đòi hỏi mà thậm chí chỉ cần thấy con liếc nhìn một món đồ chơi nào là ngay hôm đó món đồ này sẽ có mặt trong phòng con.
Chưa đầy 3 tuổi mà gia tài đồ chơi của Chít không đếm xuể, bạn bè Chít đến cứ gọi là lác mắt. Cứ cuối tuần con lại vòi vĩnh bố cho đi trung tâm thương mại chọn đồ chơi, lần nào về cũng túi lớn, túi nhỏ
Thấy chồng yêu chiều con, chị hạnh phúc lắm nhưng điều đáng nói là kinh tế nhà anh chị không quá dư dả. Nhiều lần chị can ngăn nhưng anh chỉ cười hì hì rồi đâu lại hoàn đó.
Vì thế, tính Chít bây giờ rất hư, thích gì là đòi bằng được.
Ipad làm việc của mẹ giờ cũng nằm trong đống đồ chơi của con chỉ vì “bạn con có Ipad chơi game”.
Thấy không ổn, chị quyết tâm “tay hòm chìa khóa” chặt hơn để không cho chồng “manh động”. Sự việc được cải thiện rõ rệt, 1 tuần liền không có món đồ nào xuất hiện trong nhà.
Một điều không hay xảy ra đó là một lần cô giáo ở nhà trẻ có gọi điện đến thông báo cho anh chị là Chít lấy búp bê của bạn nhét vào túi mang về nhà.
Lúc này thì anh lại quay ra mắng chị như tát nước “vì cô mà nó mới có thói xấu này đấy. Nếu đầy đủ thì có bao giờ con lấy đồ của người khác mang về đâu. Có người mẹ như cô thì đứa con nào cũng khổ, cũng hư”.
Anh chị giận nhau không ai nói với ai câu nào trong một thời gian dài.
Dạy con đừng ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’
Trả lời về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Đoàn Thúy Hương – Trung tâm tư vấn Tình yêu Tình dục thành phố Hà Nội cho rằng, một trong những lý do dễ gây xung đột giữa hai vợ chồng chính là mâu thuẫn khi dạy con.
Mỗi người đều có hoàn cảnh sống và môi trường được giáo dục khác nhau nên việc họ nảy sinh những mâu thuẫn với nhau về cách dạy con là điều rất dễ hiểu. Tuy nhiên, đứng trước vấn đề này, hai vợ chồng không nên chỉ chăm chăm tới vấn đề thắng thua mà phải cân nhắc “thế nào là điều tốt nhất cho con”. Bởi vì nếu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, con dễ mất phương hướng, không biết đâu là đúng, đâu là sai. Hơn nữa, mâu thuẫn cũng không được giải quyết.
Vợ chồng nên tôn trọng bạn đời trước mặt con cái – đây là giải pháp giúp tháo gỡ vấn đề một cách hữu hiệu nhất. Hai người nên chia sẻ và bàn luận với nhau về những kiến thức nuôi dạy con một cách khoa học, phù hợp với độ tuổi của con.
Một gia đình hạnh phúc bao giờ đứa trẻ cũng có thể phát triển một cách toàn diện nhất.