Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết. Bà xuất thân trong một gia đình khá giả. Nhà có nhiều chị em gái, nên cha mẹ rất nghiêm khắc trong giáo dục “công, dung, ngôn, hạnh”. Bà yêu thích nghệ thuật nấu ăn ngay từ nhỏ, từ những món ăn hàng ngày, rồi tới các món ăn trong những dịp giỗ chạp, lễ Tết.
Rồi làm dâu một gia đình “danh gia vọng tộc”, nhiều nghi lễ gia giáo, nên bà càng đi sâu vào nghệ thuật ẩm thực, dần trở thành một chuyên gia, một nghệ nhân nổi tiếng đất Hà Nội và còn vượt biên giới sang các quốc gia khác.
Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết trong quán ăn nhỏ của bà.
Tết Hà Nội xưa trong ký ức của bà là những phong tục truyền thống rất đẹp, rất tinh tế, và cũng cầu kỳ, tỉ mỉ, thể hiện “công, dung, ngôn, hạnh” của người con gái, tài đảm lược của người phụ nữ. Bà kể về “quy chuẩn” một mâm cỗ Tết đặc trưng để cúng tổ tiên trong gia đình bà vào ngày 30 và các ngày đầu năm mới: Ít nhất phải có 4 bát – 8 đĩa với các thực phẩm thượng hạng như vi cá, bào ngư, yến, hạt sen…; Là các món nấu như: Măng, miến, ninh, bóng; Món khô như: giò lụa, chả quế, nem rán, lòng gà xào, gà luộc, cá chép kho… Ngoài ra còn điểm xuyết một số rau củ quả muối chua, mặn. Các buổi chiều trong ba ngày Tết thì sắp mâm cúng tổ tiên các loại bánh mứt như: Mứt bí, phật thủ, gừng, chè kho.. Trà, rượu dành cho mấy ngày Tết cho gia đình và đãi khách cũng chọn lựa kỹ: Trà Ô Long, Thiết Quan Âm, Liên Tâm (sen), rượu cúc, nếp cẩm, Mai Quế Lộ, Sử Quốc Công…
Nhà bà đón Tết năm nào cũng phải có đào. Bà kể, cha bà dặn con gái khi mua đào phải lựa chọn kỹ. Đào phải là bích đào ở Nhật Tân. Chọn một cây đào thế trồng ngoài sân vườn, một cành đào cắm trang trí trong nhà. Cây đào thế nên chọn dáng “Tam đa”- Phúc, Lộc, Thọ, hay “Ngũ Phúc”. Còn cành đào, thì luôn chọn những cành đào có dáng thế tròn, cành nhỏ quấn quýt tụ hội, như một sự tròn đầy viên mãn, hay có dáng vươn cao như một sự phát đạt thăng tiến… Và hoa thì phải theo những quy chuẩn: Nụ phải đầy mập mạp, có chấm hồng sẫm, các nụ phải gần sát nhau, không cách xa rời rạc, nụ cũng phải có đủ ba tầng, từ nụ già, nụ tơ đến nụ mầm để hoa nở liên tục trong ba ngày Tết, và hoa không bị thưa thớt. Cành đào cũng phải có nhiều mầm lá, để sau ba ngày Tết khi hoa rụng thì lá bung ra như lộc non vào nhà…
Đặc biệt, bà kể những mỹ tục nhỏ trong đêm giao thừa ở gia đình bà, nhưng cũng là phong tục truyền thống của các gia đình Hà Nội đón Tết. Gần giao thừa, trước khi ra khỏi nhà hái lộc, trong nhà bà sẽ đổ đầy nước vào các bể chứa, bật sáng đèn khắp trong nhà ngoài sân, khi ra khỏi nhà cầm theo một cái bình không để Giao thừa, đổ đầy nước vào bình mang vào nhà cùng cành lộc… Mỹ tục này có ý nghĩa đầu năm mang phúc, lộc vào nhà, một năm mới làm ăn phát đạt, gia đình hoà thuận ấm áp, con cái học hành thông minh sáng láng… Người Hà Nội còn có tục lệ mua vôi ngày cuối năm để trừ tà, mua muối ngày đầu năm cho tình cảm anh em mặn mà, và đặc biệt mấy ngày Tết kiêng cho lửa hàng xóm, vì sẽ mất may mắn cả năm…