Hiện nay, hiện tượng dậy thì sớm đang có xu hướng tăng lên và mang đến nhiều nguy cơ đối với trẻ, phổ biến với em gái và em gái cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn. Trái ngược với hiện tượng đó là hiện tượng dậy thì muộn, nó gây ra những hậu quả nặng nề hơn đối với em trai.
Thế nào là dậy thì muộn
Những trẻ phát triển chậm về giới tính và thể chất thường được xem là dậy thì chậm. Ở con gái, đó là dấu hiệu vú không to lên, không có lông ở cơ quan sinh dục khi đã 14 tuổi hoặc kể từ khi vú bắt đầu to ra đến khi có kinh lần đầu kéo dài quá 5 năm. Những em gái có phát triển đặc tính giới thứ phát (lông, ngực…) nhưng tới 16 tuổi vẫn không có kinh lần đầu cần được khám để xem có phải đã bị vô kinh nguyên phát không. Ở con trai, chậm phát triển giới tính căn cứ vào dấu hiệu tinh hoàn không to ra khi được 14 tuổi, hoặc thời gian kể từ khi bắt đầu cho đến khi hoàn chỉnh sự phát triển cơ quan sinh dục ngoài vượt quá 5 năm.
Nguyên nhân
Chậm phát triển về thể trạng:
Tuổi dậy thì có thể đến chậm ở cả những trẻ khỏe mạnh. Những trẻ này phát triển về chiều cao và cân nặng bình thường khi sinh ra và có vẻ phát triển bình thường trong vài năm đầu, nhưng đến tuổi 13-15 thì sự phát triển lại chậm so với trẻ khác. Đó là trường hợp ta không thể phát hiện được một nguyên nhân cơ năng hay thực thể nào của hiện tượng dậy thì muộn. Ngoài ra, khi mắc những bệnh tật có tính chất toàn thân như thiếu dinh dưỡng, quá gầy, bệnh đường ruột mạn tính, thiếu máu, bệnh thận, công năng tuyến giáp trạng kém… hay việc vận động quá nhiều nhiều như múa ba lê, tập thể thao chuyên nghiệp … đều có thể gây nên chứng dậy thì muộn ở bạn gái.
Thiểu năng tuyến yên:
Do nhiều bệnh có tác động đến trục đồi thị – tuyến yên gây ra. Tùy vào mức độ ảnh hưởng của chức năng tuyến nội tiết, các em sẽ thể hiện sự kém phát triển, thiểu năng tuyến giáp thứ phát, suy chức năng tuyến thượng thận, đái tháo nhạt cũng như dậy thì chậm. Việc điều trị nhằm vào nguyên nhân chính, kết hợp với liệu pháp hoóc môn thay thế.
Bất thường về thể nhiễm sắc:
Ở các em gái, thường gặp nhất là hội chứng Turner. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể chỉ có dấu hiệu kém phát triển và dậy thì chậm hoặc có những dấu hiệu đặc thù như sụp nếp góc mắt trong, cổ ngắn, có yếm, “lồng ngực hình mai rùa” (gồ lên như cái khiên) với núm vú cách xa nhau.
Ở con trai, bất thường phổ biến nhất là hội chứng Klinefelter. Bệnh nhân điển hình có tầm vóc cao lớn, thân hình giống người bị thiến hoạn (nghĩa là chi dưới dài nhưng cánh tay tương đối ngắn, tỷ lệ thân/cánh tay lớn hơn 1). Tinh hoàn nhỏ nhưng chắc, thường kèm theo vú to.
Nhiều vấn đề về thể chất và sinh hóa liên quan tới những rối loạn tuổi dậy thì có thể chữa trị hiệu quả. Tuổi dậy thì đã là một tiến trình khó khăn đối với vị thành niên bình thường nhưng càng gay go hơn với những em có sai lạc trong độ tuổi này. Do đó, các em cần được thày thuốc có hiểu biết và kinh nghiệm chăm sóc. Liệu pháp tâm lý đóng vai trò quan trọng nhằm giúp trẻ phát triển lành mạnh.
Ảnh hưởng của dậy thì muộn
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra chứng dậy thì muộn mà ảnh hưởng của nó đến tâm, sinh lý khác nhau. Một đặc điểm chung về tâm lý dễ nhận thấy thấy là khi dậy thì muộn thì các bạn trẻ cảm thấy xấu hổ với bạn bè đồng lứa và sự lo lắng về khả năng sinh sản sau này.
Tuy nhiên, nhìn chung, dậy thì muộn không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn gái sau này. Sau khi dậy thì, có thể bạn gái sẽ vẫn có khả năng sinh sản bình thường. Bạn gái cần biết điều này để có cách ứng xử phù hợp với khi bản thân hoặc bạn bè gặp phải hiện tượng dậy thì muộn.
Những chàng trai mắc căn bệnh dậy thì muộn thì thiệt thòi và phức tạp hơn nhiều như khó làm chồng, làm cha…
Trách nhiệm của “các bên có liên quan”
Để tránh những trường hợp phát hiện và điều trị muộn, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục đầy đủ những kiến thức về giới tính rất quan trọng. Ngoài ra bố mẹ cũng cần thường xuyên quan tâm, theo dõi sự phát triển của con em mình nói chung, quá trình dậy thì nói riêng để kịp thời xử lý. Hầu hết các em trong lứa tuổi dậy thì đều rất ngại trao đổi hay hỏi han người lớn. Một yếu tố khác khiến phụ huynh ít để ý hơn là vì biểu hiện dậy thì của trẻ trai kín đáo hơn trẻ gái. Các em gái thì có mẹ quan tâm, còn các em trai lớn ngại để mẹ biết trong khi bố thường đi suốt ngày.
Thông thường, đến 18 tuổi với nam, nếu không thấy các biểu hiện sinh lý như vỡ giọng, nổi hạt tí gây đau ngực, mọc ria mép, mọc lông mu…, gia đình phải đưa con em đi khám ngay. Càng điều trị sớm càng có nhiều hy vọng lấy lại được sức khoẻ sinh dục, sinh sản bình thường.
Các bạn gái cần kiên nhẫn đợi đến thời điểm dậy thì của mình. Trong trường hợp bạn gái có những yếu tố có thể gây ra tình trạng dậy thì muộn như: di truyền (mẹ hoặc chị gái dậy thì muộn), suy dinh dưỡng, thiếu máu … thì cần sớm đi khám để được điều trị những bệnh này, không để ảnh hưởng đến quá trình dậy thì. Còn đối với những bạn gái có cường độ vận động quá nhiều thì cần giảm bớt khối lượng vận động một cách thích hợp, hoặc điều chỉnh phương án tập luyện thì vẫn có thể có được sự dậy thì tự nhiên. Nếu đã 14 tuổi mà bạn gái vẫn chưa xuất hiện một dấu hiệu sinh dục phụ nào hoặc trên 16 tuổi mà chưa xuất hiện kinh nguyệt thì mới cần đi khám để các bác sỹ đánh giá tình trạng sức khoẻ, tìm nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp. Tất cả những rối loạn hoạt động ở vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc buồng trứng, những dị tật bẩm sinh ở buống trứng đều cần được điều trị thì mới không ảnh hưởng đến quá trình dậy thì của bạn gái.
Các bạn có thể tâm sự, chia sẻ với những người mà các bạn tin cậy những cảm giác lo lắng của mình để có thể giải tỏa gánh nặng về tâm lý, tránh nảy sinh những hậu quả nghiêm trọng.