Mẹ ơi, cô giáo nói sắp đến ngày 8/3. Chiều qua con đi mua giấy màu về gấp tặng mẹ hai bông hoa. Bông hoa này là của con, còn bông hoa này con gấp hộ ba. Con sẽ là người đàn ông của mẹ. Con sẽ chăm sóc mẹ, mẹ đừng ốm nữa. Con xin lỗi mẹ.
5 giờ chiều ngày nào cũng vậy, cô lại tất tả ngược xuôi với đường xá và chợ búa. Giờ này chắc Tùng Lâm đang dọn dẹp nhà cửa chờ mẹ về rồi. Chỉ cần nhìn thấy thằng bé, nghe thấy giọng con là cô quên đi tất thảy mệt nhọc trong người.
Về đến nhà, cửa vẫn khóa, nhà tối om. Thằng bé sao nay về muộn vậy? 6 giờ, cô ra ngoài, rồi lại ngó xuống cầu thang khu tập thể đã cũ mèm… vẫn không thấy bóng dáng con đâu. 6 giờ 30, cô khoác vội cái áo, run rẩy cầm chìa khóa xe lao đến trường thằng bé. Trường học của Tùng Lâm chỉ cách nhà 3 dãy phố. Hàng ngày con vẫn tự đi bộ đến trường, hết giờ về nhà lau nhà cửa và xem tivi chờ mẹ về. Chưa bao giờ thằng bé la cà ở đâu mà không xin phép cô cả.
Tùng Lâm dù mới chỉ 7 tuổi nhưng rất ngoan, luôn vâng lời và thương mẹ. Vậy mà sao bữa nay con lại về muộn hay con bị phạt phải ở lại lớp? Hay con lại theo bạn nào chơi điện tử rồi? Vừa nghĩ, cô vừa bực. Thằng bé dạo này lại biết theo chúng bạn rồi đấy, về rồi no đòn cho xem. 6h45… bác bảo vệ ngạc nhiên khi nhìn thấy cô. Cô lắp bắp hỏi dồn nhưng chẳng có lớp nào và cháu nào ở lại muộn cả. Cô gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm rồi bố mẹ của các bạn Tùng Lâm vẫn chơi… chẳng có gì cả, chẳng ai biết con cô ở đâu. Cô như chết chân giữa cổng trường…
7h15… cô lang thang từng quán Internet, sân bóng gần nhà, chẳng thấy bóng con, thằng bé chẳng bao giờ đi chơi đâu mà không có cô đưa đi hoặc xin phép cô cả. Vậy mà… Hay có chuyện gì xảy ra với con? Cô loạng quạng xe, rùng mình không dám nghĩ tiếp. Đường phố vẫn tấp nập, dòng người vẫn ngược xuôi, còn con cô đâu? 7h30… như bị ai xui khiến, cô thất thểu trở về nhà. Trước cửa, Tùng Lâm đã đợi cô từ bao giờ. Đôi mắt thằng bé lo lắng, sợ sệt.
Cô nhìn thấy thằng bé mà cơn giận bốc lên, cô lột quần và đánh vào mông thằng bé tới tấp, cô gào lên:
– Cái thằng này, mày đã đi đâu hả? Mày có biết thương mẹ không hả? Sao lại đối xử với mẹ như thế? Có biết mẹ đã khổ sở, vất vả vì mày thế nào không? Sao mày lại như thế?
Tay cô bỏng rát vì đánh con, lòng cô như xát muối và cứ thế, con khóc, mẹ khóc…
Bao nhiêu tức giận, tủi thân ùa về. Suốt 7 năm qua, hai mẹ con cô đã nương tựa vào nhau mà sống. Thằng bé là tất cả những gì cô có, là niềm vui, động lực, là tình yêu giúp cô vượt qua dư luận, vượt qua mọi thứ khó khăn trên thế giới này. Cô không thể quên những lúc con ốm đau ngặt nghẹo, những lúc con khóc vì thiếu sữa, lúc con mới chập chững biết đi và bập bẹ tiếng gọi “Mẹ ơi”, những bước chân đầu tiên cô dẫn con tới trường, bài học đầu tiên của con…
Lúc nào cũng chỉ có mình cô lo lắng cho Tùng Lâm. Cô chỉ sợ con thiếu thốn so với bạn bè, nên cô tâm niệm phải cố gắng, người ta cố một, cô gấp đôi, gấp ba. Cô bỏ cả tuổi trẻ, nhan sắc và cả những nông nổi để gói mình vào cuộc sống với bộn bề, lo toan, khó nhọc mà cô đã không tưởng được khi chấp nhận để có Tùng Lâm. Đổi lại, cô có một đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn. Từ bé, Tùng Lâm đã hay tâm sự với mẹ nên già dặn và hiểu chuyện.
Con biết mẹ vất vả và nhà mình không có tiền để thuê người giúp việc nên con luôn chịu khó giúp cô dọn nhà. Con chẳng bao giờ vòi vĩnh cô mua đồ chơi hay đi chơi như những đứa trẻ cùng độ tuổi. Cô bận việc ở công ty từ sáng đến tối, còn Tùng Lâm thì chỉ quanh quẩn chơi một mình ở nhà. Cô tự hào vì con. Đối với cô, Tùng Lâm là số phận, là sinh mệnh mà cô không bao giờ nuối tiếc điều gì để đổi lấy.
Hồi còn nhỏ, Tùng Lâm đã rón rén hỏi cô về ba nó. Cô ngập ngừng bao lần rồi cuối cùng cũng quyết định nói với con:
– Tùng Lâm chỉ có mẹ thôi. Mẹ sẽ thương con cả phần của ba nữa con nhé!
Kể từ đó đến giờ, Tùng Lâm chẳng một lần nào hỏi cô nữa. Biết bao đêm, cô ôm con khóc. Cô thương thằng bé bao nhiêu thì lại thấy ghét bản thân mình bấy nhiêu. Cô có thể chịu vất vả, chịu đau khổ nhưng sao thằng bé cũng phải chịu cảnh này? Trẻ con thì không được chọn bố mẹ nhưng ít ra cô có thể chọn cho thằng bé cuộc sống có đủ cả cha lẫn mẹ. Cô có yêu và thương con bao nhiêu thì liệu cô có bù đắp cho con đủ tình cảm của người cha?
Đến ngày hôm nay, cô càng cay đắng nhận ra rằng có lẽ mình đã chọn sai con đường, đã sai lầm khi sinh con và nuôi con một mình. Không phải vì cô sợ vất vả, không phải vì cô hy sinh quá nhiều mà vì cô không thể mang lại cho con đầy đủ như sự quan tâm, sẻ chia và dạy dỗ của một người cha. Cô thấy bất lực, đánh con, con đau một thì cô đau mười.
Cô sốt mê man cả đêm. Sáng, mở mắt đã thấy một bàn tay bé xíu của con run run đặt lên trán mẹ, bao nhiêu hờn giận như tiêu tan cả. Trên tay thằng bé là hai bông hoa hồng được cắt và gấp bằng giấy. Khuôn mặt nhòe nước mắt, thằng bé mếu máo:
– Mẹ ơi, cô giáo nói sắp đến ngày 8/3. Chiều qua con đi mua giấy màu về gấp tặng mẹ hai bông hoa. Bông hoa này là của con, còn bông hoa này con gấp hộ ba. Con sẽ là người đàn ông của mẹ. Con sẽ chăm sóc mẹ, mẹ đừng ốm nữa. Con xin lỗi mẹ.
Cô như chết lặng. Ôi bé con của mẹ, thiên thần của mẹ. Vậy mà mẹ đã làm gì thế này? Ôm thằng bé vào lòng, cô nức nở:
– Mẹ xin lỗi con, con là cuộc đời của mẹ, là tình yêu của mẹ, là con trai của mẹ và bây giờ con thực sự là người đàn ông trưởng thành rồi, “người đàn ông” của mẹ.
luyến đã bình luận
cmar động quá chị thật xứng đáng vì có con như vậy chúc 2 mẹ con chị luôn hạnh phúc
muathu đã bình luận
Rưng rưng dòng lệ