Ngày xưa, các cụ nhà ta thường quan niệm rằng “cái tên nói lên số phận”, vì vậy việc chọn một cái tên cho con thường được chuẩn bị ngay từ trước khi bé chào đời và phải được sự đồng ý của những người thân thiết trong gia đình. Đó là quan điểm ngày xưa, còn ngày nay tuy việc đặt tên cho con có “thoáng” hơn nhưng lại có rất nhiều biến tướng như đặt tên con theo phong thủy, xem bói đặt tên cho con hay mốt đặt tên sính ngoại… Vì vậy mà xoay quanh câu chuyện đặt tên cho con cũng có bao chuyện dở khóc, dở cười.
Mốt đặt tên sính ngoại
Ngày nay, trẻ em Việt được gọi bằng những cái tên Tây hoặc những cái tên nửa Tây nửa Ta không còn là chuyện hiếm đặc biệt ở những thành phố lớn. Rất nhiều gia đình đặt tên cho con trong giấy khai sinh hoàn toàn bằng tiếng Việt nhưng lại gọi bé với cái tên ở nhà là Jack, Jennifer, Andy, Tommy, Elly, Channel… Điều đáng nói là những cái tên này lại thân thuộc với các em hơn cả tên gốc và nực cười là các em lại muốn được mọi người gọi bằng cái tên này để nghe cho sành điệu và hơn người.
Ngoài ra có nhiều ông bố, bà mẹ mặc dù một từ bẻ đôi tiếng Anh không biết, nhưng cũng thích đặt cho con những cái tên nửa Tây, nửa Việt, đơn giản, do họ thần tượng một nhân vật nổi tiếng nào đó của nước ngoài. Thậm chí, nhiều gia đình chọn tên nước ngoài đặt cho con với mục đích sau này cho con du học, làm việc và định cư ở nước ngoài luôn. Khi được hỏi lý do tại sao đặt tên nước ngoài cho con thì nhiều người cho rằng… cho hợp thời. Anh Hồng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Do hai vợ chồng anh đều đi du học nước ngoài về và mong muốn sau này cho con học các trường quốc tế nên ngay từ khi mẹ cháu đang mang bầu chúng tôi đã muốn đặt một cái tên nào đó Tây hóa một chút. Và như thực tế, ở lớp cháu bây giờ hầu như bé nào cũng có “tên Tây”, nhiều bé có tên tiếng Việt còn được cô giáo bản ngữ đặt cho một cái tên Tây dành để gọi ở trường cho dễ gọi”.
Đặt tên dài để con có động lực phấn đấu
Câu chuyện về cái tên của chị Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương (26 tuổi, ngụ xóm 6, xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) – người có cái tên dài nhất Thái Nguyên với 7 âm tiết đã làm xôn xao dư luận trong thời gian gần đây. Tuy cái tên rất dài nhưng khi được hỏi những người xung quanh về cái tên của chị thì không một ai không biết. Có lẽ bởi cái tên quá đặc biệt đến nỗi mà bất cứ ai từ người già đến trẻ nhỏ ở khu vực này đều cố gắng nhớ và học thuộc.
Khi được hỏi về lý do tại sao lại chọn một cái tên “độc” như thế cho cô con gái thứ 3, ông Đào Sinh Hoạt cho hay: Đầu tiên là việc hai vợ chồng ông thi thoảng nghe đài đọc chuyện cổ tích đêm khuya, thấy cái tên nhân vật trong một câu chuyện là Bàng Thị Lung Linh Kim Ánh Hoa, ông Hoạt đã lấy làm tâm đắc vì tên nghe rất hay dù hơi… dài. Vào thời điểm những năm 1985-1986, kinh tế khó khăn nên rất nhiều hộ dân ở Đại Từ rủ nhau đi đào vàng ở Lào Cai, ông Hoạt nghe nói ở vùng đào vàng có một cô gái có cái tên khá dài với phần đuôi là Kim Nguyệt Nga gì đó nên ông lại càng muốn đặt tên cho con mình sau này dài một chút.
Sau một thời gian đi làm kinh tế, ông Hoạt về nhà để chăm sóc vợ sinh con thứ ba. Khi “mẹ tròn con vuông”, ông Hoạt liền đặt cho con cái tên Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương với hai mục đích. Một là để sau này đi học, nhất định các thầy cô giáo sẽ chú ý đến con ông vì cái tên dài dằng dặc như thế. Bị chú ý đặc biệt, đương nhiên con ông sẽ phải có động lực để học hành cho tốt, nếu không sẽ bị thầy cô, bạn bè cười chê. Hai là sau khi vợ sinh con được vài tháng, ông dự định quay trở lại bãi vàng để tìm vận may lần nữa, hy vọng hai từ Long Lanh trong cái tên của con gái sẽ mang lại may mắn cho ông trong quá trình tìm kiếm vàng.
Với những mục đích rất đơn giản như thế mà cô con gái thứ 3 của ông đã mang một cái tên rất đặc biệt và đạt kỷ lục dài nhất tỉnh Thái Nguyên. Đúng là với cái tên này, Ánh Dương được chú ý nhiều hơn thật. Trong cuộc kiểm tra miệng các môn học, Dương luôn là học sinh “được” gọi lên bảng nhiều nhất. Trong các sinh hoạt tập thể, cái tên của cô gái cũng đủ khiến mọi người phải ồ lên mỗi khi xướng đầy đủ. Và thật may mắn là đúng như kỳ vọng của bố mẹ, Dương không chỉ ngoan ngoãn, học giỏi mà còn rất xinh xắn. Cái tên đặc biệt này còn giúp cô sau này lớn lên được nhiều anh chàng chú ý và “trồng cây si” luôn.
Tuy nhiên, “khổ chủ” cũng tâm sự rất nhiều rắc rối với cái tên quá dài khi hồi đi học thường bị bạn bè trêu đùa, rồi khi viết tên vào các giấy tờ cần thiết thường bị viết tắt hoặc bỏ bớt một số chữ. Bi hài nhất là sau này cô đi làm, Dương đã gặp không ít khó khăn vì công việc liên quan đến làm báo cáo thuế và kế toán, Dương thường xuyên phải giao dịch với các ngân hàng. Khi ký tên mình, các cơ sở giao dịch thường yêu cầu cô phải ký và ghi rõ họ tên chứ không được viết tắt bất kỳ chữ nào. “Ký và ghi rõ họ tên một vài chứng từ không sao, đây cả một tập cần xác nhận nên việc ghi và ký tên mình thôi cũng đủ khiến tôi mệt phờ”, Dương cười mếu.
Khi được hỏi sau này Dương có ý định đặt tên con dài như thế không? Cô cười và lắc đầu nguầy nguậy: “Chắc không. Từ bản thân mẹ nó mà đã đủ rắc rối rồi. Thôi, con mình sau này chắc cứ đặt tên cháu bình thường thôi”.
Đua nhau xem bói đặt tên cho con
Từ ngày mang bầu, chị Hà (Định Công, Hà Nội) ngày ngày mò mẫm lên mạng vào những trang xem bói, phong thủy để tìm một cái tên cho con. Vốn là chị đang mang bầu một thằng cu lại đúng năm Nhâm Thìn (được mọi người bảo là rất đẹp) và chỉ cần tìm được một cái tên hợp nữa là đứa con chị sẽ rất hoàn hảo. Vì vậy việc anh chị dày công mày mò tìm kiếm một cái tên hợp với mệnh Trường Lưu Thủy không có gì là lạ.
Do trên mạng mỗi người một ý kiến nên chị đã quyết định tìm đến một thầy bói để chọn tên cho con trai. Dù có hơi tốn kém một chút vì thủ tục xem bói chọn tên khá lằng nhằng nhưng anh chị vẫn an lòng vì đã chọn được một cái tên phù hợp cho con qua sự giúp đỡ của thầy.
Tuy nhiên, chuyện hài hước là khi tìm hiểu ra chị mới biết rằng cái tên con mình trùng với rất nhiều tên con người khác trong năm nay chỉ bởi họ cùng nghe theo lời thấy bói. Lúc đó anh chị mới té ngửa ra rằng đối với năm Nhâm Thìn này, thầy sẽ chọn ra một vài tên đẹp và bất cứ ai đến xem thầy cũng khuyên đặt tên như thế.
Cái tên có làm nên tất cả?
Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh đặt tên con quá dễ dãi hoặc quá cầu kỳ. Có nhà đặt tên theo thứ tự sinh như Hai, Ba, Bốn, Năm… hay tên theo con giáp năm sinh như Thân, Dậu, Sửu, Mùi… Bên cạnh đó, có không ít gia đình quá cầu kỳ khi đặt tên cho con. Hậu quả là một số đứa trẻ phải mang những cái tên dài lòng thòng, rối rắm, khó nhớ và khó hiểu theo suốt cuộc đời. Thậm chí có người còn lôi cả tiếng Tây vào tên con mình nghe rất phản cảm. Ngoài ra, một số bậc cha mẹ còn đặt tên con theo phong thủy hay khi sinh con thường đi xem thầy tướng số, tra tử vi, xem ngày giờ sinh, xem cung mệnh… rồi mới đặt tên.
Theo các chuyên gia Tâm lý, cái tên không chỉ để phân biệt người này với người khác mà nó còn là tài sản của mỗi người. Việc đặt tên con tùy thuộc vào quan niệm của từng người, từng gia đình và từng dòng họ. Cái tên cũng là một yếu tố để kích thích con cái nỗ lực đạt được hy vọng ấy của bố mẹ. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào khẳng định cái tên có ảnh hưởng quyết định đến số phận con người. Do đó, các bậc cha mẹ không nên tin vào bói toán, tướng số để đặt tên cho con, kẻo mất tiền oan. Theo truyền thống của người Việt, việc đặt tên nên tham khảo ý kiến những người lớn tuổi trong gia đình, dòng họ, bởi những người này nắm được hệ thống tên của những người trong dòng họ, tránh “phạm húy”. Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên đặt tên sính ngoại cho con vì điều này không hợp với thuần phong mỹ tục và không thể hiện được cảm xúc, không tạo ra sự thân mật, gắn bó như tên Việt.
Dù biết rằng cái tên là ‘thương hiệu’ của mỗi người, khi đặt tên cho trẻ cần cân nhắc nhiều nhưng không phải vì thế mà quá cầu kỳ và cầu toàn để gây ra những chuyện dở khóc dở cười như trên. Các bậc cha mẹ hãy dành thời gian để chăm sóc, giáo dục em bé, quan tâm đến gia đình – đó mới là điều quan trọng nhất.