Thư cảm ơn tôi muốn gửi đến người lái xe buýt số 29. Xin lỗi vì quá ngỡ ngàng nên không kịp nhìn biển số xe buýt đó. Xin lỗi vì không nhìn thấy mặt của vị lái xe này nên tôi không biết phải xưng hô như thế nào vậy tôi xin gọi là Ngài.
Tôi xin kể lại câu chuyện cho mọi người hiểu vì sao tôi cảm ơn vị lái xe buýt này. Ngày 24/7 vào lúc 7h40 địa điểm điểm đỗ huyện ủy Từ Liêm, tôi một sinh viên Đại học công nghiệp Hà Nội đang chờ xe buýt 29 đi về khu B của trường để thi quân sự. Khi có xe buýt đến tôi như thường lệ chuẩn bị lên xe và thật may cho tôi xe lúc đó vắng và chỉ có một mình tôi lên xe này, đợi cho khách xuống hết rồi tôi mới lên xe và khi lên được xe chợt anh lơ xe nở một nụ cười “nhếch mép” rồi nhẹ nhàng nói với tôi “đi cửa trước đi em”, giật mình tôi nhận thấy mình đã vi phạm nội quy của xe buýt là không được lên cửa sau mà phải lên bằng cửa trước. Ngài lái xe nói vọng xuống gọi tôi lên để Ngài kiểm tra vé của tôi và lẽ dĩ nhiên tôi nhanh nhẹn “nhẩy” nhanh xuống xe và đi lên bằng cửa trước. Ngài đợi cho tôi đi gần đến cửa trước rồi roẹt cánh cửa đóng, Ngài rồ ga vút đi để lại một cột khói quấn lấy tôi và sự “ngỡ ngàng” của tôi.

Chính về thế tôi viết thư này để cảm ơn Ngài vì đã dậy cho tôi một bài học, bài học mà trong gần 4 năm gắn bó với những chiếc xe buýt không khỏi “thổn thức”.
Trước hết tôi tự hỏi Ngài đã lái xe buýt bao năm rồi, Ngài đã bao nhiêu lần chỉ mở cửa sau mà không mở cửa trước? Ngài đã bao nhiêu lần chỉ mở cửa xe vài giây rồi đóng cửa ngay để “thử thách” sự nhanh nhẹn của khách hàng đi xe buýt?
Ngài đã bao nhiêu lần đỗ trả khách ở cách bến đỗ của xe buýt đến cả chục mét để hả hê cười khi thấy khách hàng chạy theo xe của Ngài? Ngài đã bao giờ cười khểnh khi thấy khách đi xe buýt đứng ở cửa trước ánh mắt “long lanh” hi vọng Ngài “nhón” tay mở cửa trước cho họ lên? Ngài đã bao giờ chỉ vòng vào điểm dừng đỗ rồi đi luôn không cho ai lên chưa? Nếu Ngài đọc được những dòng này thì xin hãy trả lời cho tôi biết. Xin cảm ơn Ngài trước.
Cảm ơn Ngài đã cho tôi biết Ngài lái xe buýt nắng mưa thất thường, lúc vui thì cho chúng ta lên xuống bằng hai cửa như một. Còn lúc họ buồn thì tốt nhất là khách hàng nên chú ý lên xuống đúng cửa và tốt nhất là nên nhanh chân kẻo lại phải đi bộ ngược lại hay phải nghe Ngài giận dỗi khi lên không đúng cửa.
Cảm ơn Ngài vì dậy cho tôi biết lúc lên xe ngoài việc phải cố gắng đề phòng những kẻ móc túi còn phải xem lái xe buýt sẽ mở cửa nào để còn nhanh chân lên xe, đừng có cố đợi ở cửa trước trong khi cửa sau đang mở để khách trên xe xuống xe, đừng cố đợi ở cửa sau khi mà cửa trước vừa mở và hãy nhanh lên bởi vì suất lên xe chỉ dành cho những ai nhanh nhất mà thôi. Và điều quan trọng đừng để chân quá gần gầm xe vì nếu có lỡ không lên được xe thì chân cũng không bị xe cán qua.
Cảm ơn Ngài đã cho tôi biết xe buýt tuyến này (tuyến 29) có rất nhiều xe, không lên xe của Ngài thì có xe khác ở sau, chỉ cách nhau có 20 phút thôi cứ từ từ mà chờ biết đâu đấy có thể đi được xe sau thì sao. Và thật may cho tôi bao nhiêu công sức chờ đợi đã bắt được xe và lần này nhờ Ngài chỉ dạy mà tôi đã đợi ở cửa trước xe kế tiếp sau xe của Ngài và dĩ nhiên có lẽ tôi nhận được ánh mắt “thân thiện” của khách trên xe buýt vì đã lên bằng cửa trước trong khi hầu hết những người lên cùng lúc với tôi chen nhau lên bằng cửa sau.
Cảm ơn Ngài vì làm đã giúp tôi luyện được đức tính “bình tĩnh” để mỗi lần đợi xe buýt sẽ bớt “hụt hẫng” hơn khi những chiếc xe buýt vụt vào bến rồi vút đi nhanh qua bến mà những người ở dưới đợi xe buýt đang không hiểu vì không chú tâm hay sao mà không nhìn thấy Ngài mở cửa xe.
Cảm ơn Ngài đã cho tôi biết luật là luật đừng lấy nhưng lý do ngụy biện là mình “thường” lên xe bằng cửa sau để làm lý do cho sự phạm luật này.
Cuối cùng cảm ơn Ngài vì đã cho tôi hiểu với xe buýt thì lái xe là thượng đế khách hàng thì chỉ là những người chờ đợi Ngài ban ơn để có thể được thưởng thức tài nghệ lái xe của Ngài. Và nếu được tôi cũng xin được gửi những lời cảm ơn này đến những người lái xe buýt khác có “đức tính” như Ngài. Cảm ơn vì tất cả.