Gặp nhau cốt là để vui vẻ, nhắc lại kỷ niệm một thời áo trắng. Ấy vậy mà chỉ nghe các vị hỏi han giờ làm ở đâu, lương bao nhiêu, mua nhà Hà Nội chưa, chồng làm gì, ở đâu… Ai không có mặt là trở thành chủ đề của câu chuyện ngay, nào cô này bị chồng bỏ, cô kia lấy phải chồng nghiện,… toàn kiếm chuyện nói xấu, hạ bệ nhau chứ quan tâm gì”
Vốn là người kín tiếng nên chị T. Vân (Đống Đa, Hà Nội) rất ít khi chia sẻ chuyện riêng tư với đồng nghiệp. Ấy thế mà chỉ một lần lỡ miệng nói chuyện với đồng nghiệp cùng phòng, cái tin chồng chị yếu sinh lý đã lan truyền khắp cơ quan. Thậm chí có người còn gặp riêng chị tỏ ý thông cảm và muốn chỉ chỗ để chữa cho chồng.
Chị Vân bảo muộn con là nỗi khổ tâm lớn nhất của gia đình chị. Nguyên nhân là vì chồng chị bị tinh trùng yếu chứ không phải yếu sinh lý.
Thấy người đồng nghiệp cùng phòng thân thiện, hay hỏi chuyện gia đình, lại đang căng thẳng vì chuẩn bị làm IUI (phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung để chữa hiếm muộn) nên chị Vân tâm sự, không ngờ chị kia lại phao tin với cả cơ quan khiến chị muối mặt.
Đến công ty thì chạm mặt đồng nghiệp tọc mạch, về nhà chị lại gặp hàng xóm hay soi mói và kiếm chuyện làm quà.
Chị kể: “Hôm nào chồng mình về muộn là y như rằng có bà chạy sang hỏi, nào là sao chồng chưa về, nào là hai vợ chồng cãi nhau à, nào là giờ này tan sở còn chưa về khéo đi bồ bịch, đủ thứ chuyện. Có lần chồng đi công tác, mình bận làm không về tiễn được, về đã thấy ngay các bà hỏi cãi nhau đến mức nào mà để chồng xách va ly đi khỏi nhà???”.
Chị Vân bảo, chị sợ nhất là sự “quan tâm” của mọi người đến cuộc sống riêng của chị. Sợ phải trả lời những câu hỏi như “cãi nhau à?”, “có gì chưa?”, “bao giờ mới chịu đẻ?”.
Chị sợ đến mức không muốn gặp gỡ ai, ngày đi làm, tối về nhà là đóng cửa không giao du với ai, thậm chí hàng xóm có cỗ chạp gì chị cũng để chồng đi một mình.
Bị người ngoài nói xấu đã đành, chị M. Tâm (Khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính) càng uất ức hơn khi bị chính mẹ chồng đặt điều. Chị thực sự không hiểu tại sao mẹ chồng lại điêu ngoa đến thế.
Chị kể: “Chả hiểu tôi có lỗi lầm gì mà mẹ chồng ra sức nói xấu tôi với hàng xóm, lại còn đặt điều với chồng tôi nữa. Cứ gặp ai là bà than thở con dâu lười, chả chịu cơm nước dọn dẹp nhà cửa gì, suốt ngày ôm khư khư cái máy tính. Mà sự thực thì ngày đi làm, tối về tôi vẫn lo nấu nướng dọn dẹp xong xuôi rồi mới vào phòng làm việc. Vì đang học thêm bằng nữa nên tôi phải tranh thủ thời gian.
Chồng đi làm xa nhà, thỉnh thoảng mới về đoàn tụ mà lần nào về cũng chỉ nhận những lời trách móc của chồng không chịu chăm sóc bố mẹ chồng. Lý do cũng tại mẹ chồng gọi điện cho chồng than buồn, than khổ vì con dâu. Thật sự không hiểu nổi, hình như bà chỉ muốn vợ chồng con cái cãi nhau suốt ngày thì bà mới vui lòng”.
Ba năm nay Hải Yến (cựu sinh viên Báo chí) chẳng còn hứng thú đi họp lớp nữa. Yến bảo, mấy năm trước lần nào chị cũng đi nhưng gần đây thấy nhiều bạn có tính soi mói nên “cạch”.
“Gặp nhau cốt là để vui vẻ, nhắc lại kỷ niệm một thời áo trắng. Ấy vậy mà chỉ nghe các vị hỏi han giờ làm ở đâu, lương bao nhiêu, mua nhà Hà Nội chưa, chồng làm gì, ở đâu… Ai không có mặt là trở thành chủ đề của câu chuyện ngay, nào cô này bị chồng bỏ, cô kia lấy phải chồng nghiện,… toàn kiếm chuyện nói xấu, hạ bệ nhau chứ quan tâm gì”, Yến chia sẻ.
Yến cũng không tránh khỏi những câu hỏi tương tự. Yến bảo lúc đầu chị còn trả lời chân thành, xong rồi thấy nhiều người hỏi lần 1 xong gặp lần 2, lần 3 vẫn hỏi lại câu hỏi cũ nên cô phát hiện ra người ta hỏi không phải vì quan tâm mà là soi mói.
“Biết thừa là mình chưa lấy chồng mà vẫn hỏi chưa lấy chồng à? Anh K thế nào rồi, tưởng hai người chuẩn bị làm đám cưới cơ mà, trong khi biết thừa là mình chia tay đã lâu. Có những người biết rành rành rồi đấy nhưng vẫn khơi chuyện để đám đông cùng biết. Lúc mới ra trường còn ngây ngô chưa biết gì nên coi những câu hỏi đó là bình thường, nhưng giờ càng nghe, càng thấy người ta không phải quan tâm mình thực sự mà chỉ muốn soi mói rồi mỉa mai mình”, Yến nói thêm.
Chị Lan Anh (Khu đô thị Mỹ Đình II) cũng vì không chịu được sự soi mói của bạn bè mà lẩn tránh đi họp lớp.
Chị kể: “Gần chục năm mới họp lớp đại học một lần. Chán vì bạn cũ chả như ngày xưa nữa, gặp nhau chỉ khoe tiền là tiền, khoe làm bộ nọ bộ kia, khoe mua xe mới, khoe mua nhà mặt phố… những đứa bình bình như mình chỉ ngồi tủi thân.
Thương nhất là một bạn lấy chồng sớm nhất lớp, chồng là công nhân nên khá vất vả. Vừa sinh con thứ hai mới được hai tháng mà vẫn gửi con đến chung vui với lớp. Tụi kia không cảm thông mà còn đá đểu. Hỏi lương bao nhiêu, bạn bảo 3 triệu, tụi kia bĩu môi “tưởng 30 triệu chứ”. Rồi chê bạn ấy ăn mặc nhà quê, lỗi thời, phải thế này thế kia mới sành điệu. Nào khuyên bạn ấy nên đi tập cái này cái kia để lấy lại vóc dáng, đi spa để chăm sóc da mới không bị nám sau sinh…. đủ các kiểu”.
Soi mói, tọc mạch, nói xấu lẫn nhau dường như đã trở thành thói tính đặc trưng của người Việt.
luyến đã bình luận
chính xác mình sợ nhất làm chỗ làm lắm đàn bà là y như rằng nhiều chuyện, cũng là phụ nữ nhưng mình nghe đã ghét ai nói là mình nói lại ngay vì nghe ngứa tai lắm