Hàng giả, nhái, kém chất lượng được hét giá trên trời đang tung hoành thị trường Hà Nội khiến người tiêu dùng khốn khổ. Không chỉ nằm trên hè phố, hàng nhái len lỏi cả vào siêu thị “thách đố” khách hàng.
Tại hội thảo “Hệ thống bán lẻ hiện đại Hà Nội hướng tới bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng” do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức sáng nay, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông và đối ngoại của L’Oréal Việt Nam nêu ra một thực tế, hàng giả, hàng nhái đang tràn ngập thị trường Hà Nội. Tại các phố lớn như Chùa Bộc, Giảng Võ, Xuân Thủy… hàng mỹ phẩm giả thương hiệu của L’Oréal bày bán công khai. Chủ cửa hàng thản nhiên niêm yết giá sản phẩm nhái như chính hãng.
“Nhìn cảnh mặt hàng mỹ phẩm của mình bị làm giả tràn lan mà thấy xót lòng. Nhưng chúng tôi quả thực không biết làm thế nào để chấm dứt tình trạng trên”, bà Trinh tâm sự.
Bà Trần Thị Sương, đại diện Câu lạc bộ Người tiêu dùng nữ cho rằng, hàng giả hàng nhái kém chất lượng không chỉ tràn ngập chợ mà còn xuất hiện ở các siêu thị. Dưới cái tên mỹ miều “hàng khuyến mãi”, “hàng giảm giá”, thực chất, đây là những hàng quá hạn, kém chất lượng thậm chí hàng nhái bị ế. Thậm chí cả những hàng đông lạnh như đồ hải sản được niêm yết tên công ty địa chỉ, bao bì rõ ràng nhưng khi sờ đến thì đã mục nát, rữa hết thịt.
“Người tiêu dùng đúng là khổ trăm đường. Hết hàng giả hàng nhái lại đến bị lừa về giá cả. Không ít siêu thị bán hàng kém chất lượng nhưng giá cả lại cao chót vót”, bà Sương than.
Hầu hết các hãng có uy tín mang thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm nhái. Những thương hiệu thời trang nổi tiếng như Gucci, Louis Vuitton, Lancome, Chanel… bị làm nhái bày bán nhan nhản trên thị trường giờ đã là chuyện thường tình. Đến nay, ngay cả các sản phẩm như đồ ăn uống, bánh kẹo, sữa cũng có nguy cơ bị làm nhái đe dọa sức khỏe của con người.

Không chỉ bày bán trực tiếp, những người kinh doanh hàng giả còn “siêu sao” tới mức quay phim chụp ảnh bàn bán công khai trên mạng và giao tận nơi đến tay người nhận. Đa số các diễn giả đều thẳng thắn cho rằng, chưa bao giờ cơn bão hàng giả lại tràn ngập thị trường như hiện nay.
Ông Phạm Bá Dục, nguyên chi cục trưởng chi cục quản lý thị trường Hà Nội, Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội cho rằng, hàng giả nhiều đến mức tràn lan gần như không thống kê nổi. Ông Dục đưa ra minh họa, hàng giả ở chợ Đồng Xuân nhiều vô kể chiếm gần như 100% cả chợ. Nhiều người biết chợ Đồng Xuân là lò của hàng giả nhưng vẫn lao vào mua vì một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý sính hàng ngoại, thích dùng thương hiệu thật “kêu”. “Ở Trung Quốc, có khu vực chuyên bán hàng giả và người ta nêu công khai giá cả cũng như thông báo rõ cho người tiêu dùng biết đây chỉ là hàng nhái. Ở Việt Nam chưa làm được như vậy, hàng thật giả lẫn lộn lòe người tiêu dùng”, ông Dục nói.
Số đông các diễn giả cho rằng, các đơn vị bảo vệ người tiêu dùng không thiếu. Nếu thắc mắc, kiến nghị về hàng giả hàng nhái, khách hàng có thể thông báo cho Cục Quản lý cạnh tranh, cơ quan quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, thanh tra bộ khoa học công nghệ, hội bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, do tâm lý ngại phiền phức, người dân chưa có thói quen kiện tụng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng dẫn chứng, trong khi một số nước châu Âu như Mỹ Pháp, khuyến khích người tiêu dùng đi kiện thì Việt Nam thường chọn giải pháp hòa bình. Ông Hùng minh họa, ở Mỹ có chuyện luật sư đến từng bệnh viện xúi bệnh nhân đi kiện còn ở Việt Nam, số đông chọn biện pháp hòa giải. Ở Pháp, một năm có tới 200.000 đơn kiện của người tiêu dùng về hàng giả, hàng nhái; còn ở Việt Nam chỉ dừng lại ở mức độ khiêm tốn khoảng 1.000 đơn.
Một sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc chỉ vài chục nghìn nhưng sau khi gắn mác thương hiệu nổi tiếng có thể lên tới hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng. Và chất lượng sản phẩm thì người tiêu dùng lãnh đủ. “Chết một điều là khách hàng luôn tự đưa ra một định nghĩa là hàng đắt thì mới chất lượng. Giá cao thì mới là hàng thật và đây là nguyên nhân khiến các đơn vị làm hàng giả hàng nhái đua nhau hét giá”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Phương Nam, Cục phó cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thừa nhận thực tế hàng giả hàng nhái tràn ngập thị trường có phần trách nhiệm của Cục. Sắp tới, Cục sẽ đi kiểm tra một loạt thiết bị vệ sinh bày bán trên thị trường để phát hiện trường hợp hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, Cục đang phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu việc phát hành tem cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng nhằm loại bớt hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại cho người tiêu dùng.