Triển làm ảnh “Trẻ em thời chiến” được mở cửa vào đúng dịp khai trường (từ 7/9 đến hết ngày 14/9/2012, tại 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội), đã cho thấy tinh thần học tập, lao động hăng say của trẻ em Việt Nam trong điều kiện chiến tranh vô cùng khốc liệt.
Ngoài những bức ảnh của TTXVN, của nhiếp ảnh gia Vũ Quang Huy (bản quyền báo Thiếu niên Tiền phong), triển lãm còn trưng bày hơn 70 bức ảnh nằm trong bộ 2.000 bức được NXB Kim Đồng mua bản quyền từ truyền hình NDN (Nihon Denpa News, Nhật Bản). Các bức ảnh màu là ảnh do phóng viên truyền hình Nhật chụp, từ năm 1964 đến 1972, được giữ nguyên phần chú thích.
Qua những bức ảnh sống động và chân thực, người lớn thấy các em đã tham gia đào hào giao thông, đào hầm trú ẩn cho những lớp học của mình. Các lớp học được tổ chức dưới những căn hầm đắp đất. Ngoài việc học chính khóa, các em còn học cách tự băng bó và tổ chức cứu thương, học đan mũ rơm đội đầu, học nấu ăn, học cách tự làm bánh mì….
Hành trang đến trường của tất cả các em, ngoài sách vở còn có túi cứu thương cá nhân và mũ rơm đội đầu. Có nhóm còn mang theo cáng cứu thương. Một tiết học nhiều lần bị “băm nát” bởi tiếng còi báo động máy bay. Tại Quảng Bình, Vĩnh Linh, các em phải sống và học tập dưới địa đạo sâu hơn 10m.
Vào những năm khói lửa chiến tranh ấy, có một cậu bé vẫn làm thơ: “Ao trường vẫn nở hoa sen/ Bờ tre vẫn chú rế mèn vuốt dâu” – bài thơ “Gửi bạn Chi Lê” do cậu bé Trần Đăng Khoa 10 tuổi viết. Đó là tinh thần của trẻ em Việt Nam khi đất nước bước vào năm thứ 4 của cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Có mặt tại triển lãm “Trẻ em thời chiến”, chứng kiến những bức ảnh của mình được nghệ sĩ Vũ Quang Huy chụp cách đây hơn 40 năm, nhà thơ bùi ngùi nhớ lại những tháng ngày mùa đông rét mướt, khi đó chỉ mặc một ít áo mỏng, đi chân trần. Mẹ của ông năm đó hơn 50 tuổi, nhưng rất khắc khổ, bên cạnh là em gái nhà thơ – cô Trần Thị Thuý Giang.
Bức ảnh phía tay phải, góc trên cùng, được chụp năm nhà thơ khoảng 9 tuổi, mặc chiếc áo trắng tinh khôi bên cạnh bạn bè. Chiếc áo trắng cực kì hiếm hoi và duy nhất, do cả nhà dành dụm mãi để cậu bé Trần Đăng Khoa có một hình ảnh đẹp trên báo Thiếu niên Tiền phong.
Bức ảnh phía góc trái chụp nhà thơ bên cạnh tủ sách đã mọt được “kế thừa” từ anh trai – nhà thơ Trần Nhuận Minh, khi đó đang làm giáo viên. Trần Đăng Khoa kể, anh trai của ông còn có một tủ sách lớn hơn, rất nhiều sách hay, đó mới là nơi ông thường xuyên kiếm tìm sách đọc.
Ngắm nhìn những bức ảnh của mình và bè bạn năm nào, Trần Đăng Khoa xúc động: “Nhiếp ảnh là nghệ thuật của khoảnh khắc. Và với nghệ sĩ có tài, khoảnh khắc ấy sẽ thành vĩnh cửu. Cùng với sự bất tử của nó là một thời đại rất đẹp. Xin cảm ơn các nghệ sĩ đã kịp lưu giữ lại những vẻ đẹp không bao giờ phai nhòa. Tôi được trở lại được sống lại một thời đẹp nhất của cuộc đời mình”
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VietNamNet, ông Misao Ishigaki, chủ tịch hiện tại của hãng truyền hình NDN (Nihon Denpa News, Nhật Bản) – nơi nắm giữ bản quyền gốc của hơn 70 bức ảnh trong triển lãm – cho biết: “Trẻ em luôn phải chịu đựng nhiều thiệt thòi khi đất nước có chiến tranh. Thời kì chiến tranh tại Nhật Bản, trẻ em Nhật còn được đi theo cha mẹ, nhưng trẻ em Việt Nam thì phải xa cha mẹ đi sơ tán. Như vậy, trẻ em Việt Nam ít được bảo vệ hơn. Các em đã rất dũng cảm.”