Những thắc mắc muôn thuở của người phụ nữ khi tìm đến biện pháp tránh thai sẽ được PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ giải đáp dưới đây.
Thuốc tránh thai gây vô sinh?
“Thuốc tránh thai là biện pháp ngừa thai có hồi phục. Chỉ có tác dụng ngừa thai trong thời gian dùng thuốc, còn ngừng thuốc là có khả năng mang thai ngay”, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh khẳng định.
Thậm chí trước đây, người ta còn dùng thuốc tránh thai để điều trị cho những trường hợp khó mang thai. Bác sĩ cho bệnh nhân uống thuốc tránh thai trong một thời gian nhất định để gây hiện tượng ức chế buồng trứng. Sau đó, cho dừng thuốc đột ngột, kích thích trứng rụng để người bệnh có khả năng mang thai. Vì thế, không có một căn cứ nào để nói dùng thuốc tránh thai lâu có thể dẫn đến vô sinh.
Dùng thuốc tránh thai từ 5 – 6 năm, thậm chí lâu hơn rồi ngừng lại vẫn có khả năng mang thai ngay. Tuy nhiên, các bác sĩ đều đưa ra lời khuyên, ngừng thuốc tránh thai vài tháng mới nên mang thai vì rất dễ mang song thai, đa thai nếu có thai ngay.
Uống thuốc tránh thai dễ béo phì?
Câu trả lời là sai. Thực tế, một số người uống thuốc tránh thai có khả năng béo phì, tăng cân, nhưng không phải là tất cả. Và bác sĩ cũng không thể xác định trường hợp nào dễ béo phì khi uống thuốc.
Vì thế, chỉ có cách là mọi người khi uống thuốc thì tự theo dõi tình trạng sức khoẻ, cân nặng của mình. Nếu thấy lên cân, béo lên nhiều thì phải tìm biện pháp tránh thai khác.
Dùng thuốc tránh thai gây khô âm đạo?
Đúng là dùng một số loại thuốc, âm đạo sẽ bị khô. Cần biết rằng, sự ẩm ướt, hay “khô hạn” của âm đạo là do estrogen và progestin gây nên. Sự ẩm ướt mạnh nhất trong thời điểm trứng rụng là vì lúc này hormone estrogen được sản xuất ra nhiều nhất. Sau vài ngày rụng trứng thì âm đạo trở về bình thường, thậm chí khô vì lúc này progestin nhiều, estrogen ít đi.
Trong khi đó, nếu sử dụng viên thuốc ngừa thai kết hợp giữa hai nội tiết tố là estrogen và progestin thì một số người cảm thấy âm đạo khô hơn. Nhưng cần phân biệt, khô ráo trong lúc bình thường khác hẳn sự “khô hạn” khi quan hệ. Nếu bình thường thầy khô, sạch sẽ, nhưng khi quan hệ, âm đạo vẫn ướt át như thường thì không thể “quy tội” thuốc tránh thai làm khô âm đạo.
Uống thuốc tránh thai lâu ngày gây ung thư vú?
Đây là một quan niệm sai. Sự thật, không có mối liên quan nào giữa uống thuốc tránh thai và ung thư vú.
Tuy nhiên, nếu người phụ nữ được xác định là ung thư (ung thư vú hay bất cứ loại ung thư cơ quan sinh dục nào) thì đều không được sử dụng thuốc tránh thai cũng như tất cả các loại thuốc nội tiết tố khác.
Ung thư vú là bệnh có liên quan tới estrogen. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn tranh luận những phụ nữ đã từng chữa khỏi ung thư vú liệu có được tiếp tục sử dụng thuốc tránh thai hay không? Và hiện vẫn chưa có câu trả lời chính thức cho vấn đề này.
Phụ nữ mãn kinh nên uống thuốc tránh thai bổ sung nội tiết tố?
Sai. Vì nhóm thuốc tránh thai dù có kết hợp giữa hai nội tiết tố estrogen và progestin, nhưng không phải là thuốc nằm trong nhóm thuốc bổ sung nội tiết thay thế ở phụ nữ mãn kinh. Những người mãn kinh mà muốn bổ sung nội tiết tố, phải uống loại thuốc khác và phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc.
Thuốc có tác dụng điều trị trứng cá?
Thời gian gần đây, nhiều người đề cập đến một tác dụng khác của thuốc tránh thai, đó là trị mụn trứng cá hiệu quả và đã được ứng dụng trong thực tế. Tuy vậy, mọi người không nên tự ra hiệu thuốc mua về dùng vì không phải loại thuốc nào cũng có tác dụng này.
Hơn nữa, tác dụng điều trị mụn trứng cá ở mỗi loại thuốc lại rất khác nhau, vì hàm lượng progestin là khác nhau.
Thậm chí trong 2 loại thuốc của cùng một hãng sản xuất, thành phần chất này cũng đã khác nhau. Nếu người phụ nữ dùng thuốc tránh thai chỉ với mục đích ngừa thai bình thường thì có thể tự đến hiệu thuốc mua. Nhưng nếu nhằm mục đích điều trị trứng cá, thì phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc. Và cần lưu ý, phải dùng đúng như nguyên tắc như dùng thuốc tránh thai, phải dùng đúng chỉ định, theo đúng hướng dẫn nếu không sẽ có nguy cơ gây rối loạn kinh nguyệt.
➤Tìm hiểu thêm: Thuốc tránh thai bổ sung estrogen có hiệu quả không?